Một sản phẩm âm nhạc khiến nhiều khán giả "nổi da gà" khi nhắc về sự hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Mới đây nhất, ca khúc 1979 Chi Lăng do nhạc sĩ Nguyễn Đức sáng tác thông qua sự thể hiện của vocalist Tùng Dương đã nhận về nhiều sự quan tâm từ công chúng.
Thông qua giai điệu hào hùng, bài hát này ca ngợi công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ phía Bắc của nhân dân tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.
Ca khúc này sau đó đã được Mai Anh Đức - một TikToker chuyên review những sản phẩm nghệ thuật - thực hiện một màn reaction đầy cảm xúc.
"Với một ca khúc vốn dĩ đã có nội dung đầy tự hào như 1979 Chi Lăng, lại được anh Tùng Dương hát thì thực sự bất kì ai nghe sản phẩm này cũng phải rùng mình, nổi da gà và tự hào vì là một người Việt Nam", Đức bày tỏ sự thán phục dành cho ca khúc.
1979 Chi Lăng không chỉ nhắc riêng về cuộc Chiến tranh biên giới 1979 mà còn gợi lại lịch sử chống giặc giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam từ thời Đinh - Lê - Lý - Trần.
"Trập trùng sông máu núi xương
Mượn thơ Nguyễn Trãi chiêu hồn giặc Minh".
Bản phối của ca khúc này cũng đẩy cảm xúc của nhiều khán giả lên mức rất cao khi có một tempo dồn dập như đang miêu tả những bước chân hành quân của người lính năm xưa.
Cách hát chậm rãi, nhẹ nhàng của Tùng Dương tựa như những lời tâm sự, thủ thỉ và kể lại những câu chuyện của một thời đại đau thương mà vĩ đại của dân tộc ta.
Để tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, vượt qua biết bao cuộc chiến tranh xâm lược, cường bạo trong lịch sử.
Ải Chi Lăng cũng là nơi ghi dấu cho những thất bại nặng nề của những kẻ bá quyền phương Bắc mang trong mình dã tâm phá vỡ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những người dân Việt Nam.
Nơi đây ghi dấu những chiến thắng hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống xâm lược (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 - 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những năm 1882 - 1888 và chiến tranh biên giới năm 1979.
Với một sản phẩm đòi hỏi nhiều về chất vocal, Tùng Dương là cái tên không thể phù hợp hơn để thể hiện. Một chất giọng đầy nội lực và chứa sẵn bên trong đó nguồn sức mạnh dồi dào cũng khiến ca khúc trở nên ấn tượng hơn rất nhiều.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức cũng đưa vào ca khúc câu ca ngợi được khắc trên bia đá dựng ở Quỷ Môn Quan: "Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn" (nghĩa là Cửa Quỷ Môn, Cửa Quỷ Môn, mười người đi, một người về).
Qua sáng tác mới, ông mong muốn lịch sử oai hùng sẽ được thể hiện chân thực, mang đến hiệu ứng cảm xúc tốt cho khán giả. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức cũng kỳ vọng tác phẩm có thể khơi gợi đam mê với âm nhạc và lịch sử trong lòng nhiều nghệ sĩ trẻ.
Việc lấy cảm hứng từ lịch sử, nghệ thuật truyền thống để đưa vào các tác phẩm đương đại đã được các nghệ sĩ Việt thực hiện từ lâu, gặt hái nhiều thành công, tạo nên một dòng riêng trong đời sống nghệ thuật đương đại hiện nay.
Đây được xem như một xu hướng tất yếu và luôn xuất hiện trong dòng chảy của âm nhạc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Ngay từ giai đoạn đầu dòng nhạc Rock du nhập vào Việt Nam, nội dung về văn hóa và lịch sử đã trở thành đề tài khai thác quen thuộc.
Sau đó, Tạ Quang Thắng với dòng Country Rock dần mang đến những ca khúc gần gũi hơn, nhẹ nhàng hơn đối với khán giả với đỉnh cao là Lá Cờ.
Dần dà, những câu chuyện về lịch sử, hình ảnh từng được đưa vào các sản phẩm âm nhạc theo 1 nét nhẹ nhàng hơn, tạo nên sự hào hứng, kích thích tò mò và quan tâm từ những người trẻ.
Nhờ sự kết nối của âm nhạc và lịch sử đó, khán giả trẻ cũng cảm thấy có động lực hơn trong việc tìm hiểu những kiến thức về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Hoàng Thùy Linh với album Hoàng và một loạt video ca nhạc lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học như Bánh Trôi Nước (Hồ Xuân Hương), Vợ Chồng A Phủ (Tô Hoài),...
Hay những sản phẩm mang đậm nét văn hóa của người Việt như tín ngưỡng thờ Mẫu trong Tứ Phủ, tranh Đông Hồ trong Kẻ Cắp Gặp Bà Già,... đều đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả trẻ.
Rapper Đen Vâu với việc mang đến những câu Rap và hình ảnh đậm chất Việt trong MV Mang Tiền Về Cho Mẹ cũng thu hút một lượng lớn khán giả yêu thích và đồng cảm với anh.
Trước đó, video ca nhạc Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp của Hòa Minzy với cốt truyện kể về câu chuyện của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cũng nhận về rất nhiều những phản ứng tích cực từ khán giả.
Thậm chí, rock band An Nam còn cho ra mắt album Nam Quốc Sử Ca với nội dung các ca khúc dựa trên Đại Việt sử ký toàn thư - bộ quốc sử danh tiếng phát hành năm 1697.
Nguyễn Thành Thực - guitarist, trưởng ban nhạc - chia sẻ về album này như sau: "Khai thác chất liệu lịch sử trong âm nhạc vốn không dễ nhưng chúng tôi quyết tâm làm vì muốn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc".
Tất cả sản phẩm được nhắc đến đều mang đậm chất văn hóa - lịch sử của Việt Nam. Nhiều khán giả trẻ chia sẻ rằng, họ thực sự rất yêu thích những bài hát mang âm hưởng dân tộc vào bên trong.
Thông qua những sản phẩm này, phần nào đó, họ cảm nhận được rằng mình được sống trong tác phẩm đó, đồng cảm với câu chuyện phía sau và có thêm những kiến thức về văn hóa Việt Nam.
Điểm giống nhau của các ca khúc có sự tiếp cận với đông đảo những người trẻ là việc các nhạc sĩ, producer không chỉ đơn thuần mang những chất liệu truyền thống, lịch sử vào tác phẩm, mà thêm vào đó màu sắc của âm nhạc hiện đại.
Nhiều nghệ sĩ đã rất thành công trong việc mang những tiết tấu hiện đại, đang thịnh hành như R&B, pop, rock sôi nổi vào những đề tài lịch sử, truyền thống…
Khi nhìn lại bức tranh âm nhạc V-Pop trong nhiều năm trở lại đây, dễ dàng nhận thấy được sự vượt trội của các ca khúc mang theo chất liệu văn hóa, dân gian và văn học Việt.
Những người trẻ vẫn đang rất quan tâm đến những sản phẩm âm nhạc có bao hàm nội dung về lịch sử, văn hóa bên trong.
Trả lời phỏng vấn của , Hồng Thắm (sinh viên năm 4) cho biết: "Mình thực sự mong muốn có nhiều hơn những ca khúc mang màu sắc của những bản hùng ca như vậy xuất hiện.
Cây có cội, suối có nguồn. Những người trẻ vẫn rất khao khát để tìm hiểu những giá trị đáng trân quý của cha ông trong việc thể hiện lòng yêu nước".
Khánh Ngọc, một Gen Z khác, cũng cho biết: "Khác với mọi người, mình mong rằng âm nhạc có sử dụng những chất liệu từ lịch sử, văn hóa sẽ ngày càng 'nặng đô' hơn.
Đây là cách để giúp những người trẻ hiểu được rằng những người đi trước đã khó khăn như thế nào trong việc bảo vệ độc lập và tự do cho con cháu".
Nguồn:TH&PL