Có gì đặc biệt ở món bánh mì mà 2 ngày liên tiếp nằm trên top của google trend?
Nhắc đến đến ẩm thực Việt Nam, thứ làm người ta suy nghĩ không phải bất cứ một món ăn nào quá xa hoa và cầu kỳ về mặt hình thức, mà là món bánh mì thân thương, giản dị in sâu vào tâm trí của biết bao người con đất Việt.
Món bánh đặc biệt theo cách bình thường này xuất hiện khắp mọi nơi và trở thành niềm tự hào, một đại diện cho tinh hoa nền ẩm thực nước nhà. Có thể nói bánh mì xuất hiện trong nhiều vấn đề thời sự của cuộc sống vì vốn từ lâu nó đã là một phần không thể thiếu của nếp sống nơi đây.
Nguồn gốc món bánh mì
Vốn là món ăn của người phương Tây, nhưng bánh mì được nhắc đến gắn liền với cái tên Việt Nam. Bề dày lịch sử của bánh mì cũng rất biến động. Vào thế kỷ 19, người Pháp đã mang theo baguette đến Sài Gòn. Theo thời gian món ăn này dần được ưa thích và trở nên phổ biến, người Sài Gòn cũng bắt đầu sáng tạo ra chiếc bánh mì từ nguyên bản món ăn của Pháp.
Một nét riêng làm nên chiếc bánh mì "quốc dân" khác hẳn với chiếc baguette là bên trong rỗng hơn, ruột được làm từ bột bông mềm, đối lập với vẻ ngoài giòn rụm.
Trải qua một thời gian dài với những thăng trầm lịch sử, thì bánh mì đã được xuất hiện ở khắp mọi nơi và trở thành một điểm nhấn khó quên trong mắt bạn bè quốc tế về một món ăn vừa lạ miệng, vừa bình dân và rất tiện lợi.
Từ làng quê đến thành thị, từ vỉa hè đến nhà hàng đâu đâu cũng có sự xuất hiện của những chiếc bánh mì vàng ươm, giòn rụm và đa dạng các loại thức ăn kẹp bên trong.
Một món ăn chưa bao giờ bị "thất sủng"
Là con người Việt Nam, ai mà không có một phần ký ức với bánh mì. Đó là thời học sinh vội vã đến trường với chiếc bánh mì trên tay, là những buổi sáng hối hả của những người lao động phải có bánh mì để lót dạ.
Chưa bao giờ món ăn này bị thất sủng, dù giàu hay nghèo, có ở những địa vị nào thì người ta vẫn tìm đến nó như những điều thân thuộc. Có lẽ đến từ sự nhanh, gọn, bình dân và dinh dưỡng mà bánh mì không chỉ làm nên thương hiệu mà còn đã tạo nên cả một nền văn hóa ẩm thực.
Những chiếc bánh mì đơn giản có mặt ở tất cả vùng miền của dải đất hình chữ S. Điều thú vị là mỗi nơi, mỗi miền, mỗi thành phố lại có cách biến tấu riêng với bánh mì và biến tấu nào cũng sẽ khiến những ai dù khó tính nhất cũng thích thú với hương vị đặc trưng.
Từ Hà Nội đến Hải Phòng, Hội An, Đà Lạt và Sài Gòn… bánh mì không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà nó còn gói ghém vào đó những tinh hoa ẩm thực và tinh thần riêng biệt.
Sự trở lại của bánh mì cùng nỗi thương nhớ ngày giãn cách
Mới đây, cộng đồng mạng lại có dịp xôn xao với câu hỏi "bánh mì có phải thực phẩm không?". Câu chuyện bắt đầu khi mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh Tổ công tác tại thành phố Nha Trang đi tuần tra, kiểm soát. Theo đó, khi bị Tổ công tác chặn xe lại, một thanh niên đã giải thích chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16. Người này cho rằng đi mua đồ ăn là lý do chính đáng.
Tuy nhiên, phía tổ công tác vẫn cương quyết cho rằng bánh mì không phải thực phẩm, không phải nhu cầu thiết yếu.
Từ đây, mà ổ bánh mì tưởng chừng là bình thường lại được nhắc đến trên khắp mạng xã hội, vẫn có những luồng ý kiến tiêu cực bàn tán xoay quanh về vấn đề này. Song đó, vẫn có nhiều người bày tỏ nỗi nhớ với bánh mì trong ngày giãn cách, món ăn lề đường hằng ngày đi đâu cũng gặp, dường như chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng giờ đây lại có nhiều người bâng quơ nhớ về cái hương vị quá đỗi thân thương và đặc biệt đó.
Bất kể ai đã từng có những buổi sáng với chiếc bánh mì đều mang trong mình sự thèm thuồng đến khó tả. Rồi cũng chợt nhận ra, chúng ta đều đã thử qua nhiều loại bánh mì và nhớ đến chúng không phải vì hình thức mà nó còn chứa đựng những kỉ niệm, những câu chuyện về một cuộc sống bình yên hay những nụ cười giản dị trao nhau.
Giờ đây, chúng ta chỉ còn cảm nhận được thông qua những bài đăng trên mạng xã hội và nếu chẳng có những sự kiện tác động đến bánh mì ta cũng chẳng thể nào hình dung về nỗi nhớ không tên dành cho loại thức ăn bình dân này.
Tuy đơn giản hơn nhưng vẫn ngạo nghễ đi cùng Việt Nam và trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực đường phố. Bất cứ nơi đâu, bánh mì cũng sẽ mang những hương vị riêng biệt nhưng chung quy đâu đó vẫn là tinh thần của một dân tộc không ngừng sáng tạo, có những bước tiến đáng nể và không hề lui.
Nội dung liên quan
Bánh mì trong ngày dịch cũng đã vài lần gây được sự chú ý của truyền thông quốc tế về sự sáng tạo qua ổ bánh mì từ thanh long. Đây được xem như một câu chuyện nhân văn vụt lên trong đêm tối, bởi thực khách không chỉ đến vì cái lạ từ màu hồng của chiếc bánh mì, mà nhiều người muốn góp phần ít công sức để có thể giải cứu được nông sản ở nhiều nơi.
Bánh mì đã gắn liền cuộc sống của dân ta và cùng đi qua những khó khăn, thách thức. Nhưng chẳng bao giờ bánh mì lại mất đi những giá trị nguyên bản, vì đó là những gì từ cuộc sống vốn dung dị của con người Việt Nam. Sẽ chẳng ai nhắc về bánh mì nếu không xa cách nó, dường như dịch bệnh đã làm chúng ta quá nhạy cảm để rồi cũng chỉ vì một loại thức ăn mà đêm khuya phải mất ngủ vì thèm thuồng, thương nhớ.
Nguồn: TH&PL