Ý nghĩa thực sự của "Respect"- 7 chữ cái thường được giới rapper sử dụng.
Tuần này, hip-hop đón sinh nhật lần thứ 48. Trong đại từ điển của hip-hop, chúng ta sẽ thường hay thấy từ "respect" (tôn trọng) - bảy chữ cái thường thấy mỗi khi có một nhân vật xuất chúng nào đó được người khác nhắc đến bằng sự khen ngợi, ca tụng.
"Ngả mũ" kiểu hip-hop
Một ví dụ gần đây cho thấy rõ rệt định nghĩa của "respect" trong hip-hop là một video đang được cộng đồng dancer chia sẻ nhiều dịp gần đây. Video dài ba phút cho thấy hai người ở hai hoàn cảnh khác nhau cùng tìm thấy ở nhau niềm đam mê với bộ môn nhảy hip-hop, và rồi thay phiên nhau... quay người khác nhảy một chút thật "sung", dù xung quanh không có ai hưởng ứng do dịch bệnh.
Đoạn nhạc được sử dụng để hai dancer "trổ tài" cũng là một đoạn nhạc vô cùng ý nghĩa, được trích từ bài "I Can" của Nas. Những câu rap như "I know I can / Be what I wanna be / If I work hard at it / I'll be where I wanna be" nói lên sự nỗ lực của những con người hip-hop để khẳng định bản thân - một điều căn bản làm nên sự tôn trọng đến từ những người khác.
Từ "respect" được định nghĩa trên Urban Dictionary theo một cách đầy... "biện chứng": "Sự tôn trọng không chỉ được trao đi, mà phải được giành lấy. Nhưng bạn cũng phải cho đi sự tôn trọng trước khi nhận lại sự tôn trọng".
Nói theo một cách khác, sự tương tác hai chiều là chìa khóa để tạo dựng tinh thần "respect", dù là trong những cuộc thi thể thao, hay trong những cuộc đấu của dân hip-hop.
Ở hip-hop, một điều dễ hiểu là phần lớn những cá nhân, từ dancer tới rapper, từ DJ tới những người vẽ tranh graffiti, ai cũng đều có một khao khát được trở nên tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua. Tinh thần đó của hip-hop khiến những lần "va chạm" với nhau, dù là ở một cuộc đấu hay một sản phẩm hợp tác, đều ít nhiều mang lại "nhiệt".
Nội dung liên quan
Đôi lúc, khi tinh thần này được thổi bùng, một số người sẽ rất dễ đánh mất chính mình và trở thành một phiên bản khác mà có thể họ không mong muốn. Đó là lúc những "luật" - quy tắc chung được đặt ra để cộng đồng hip-hop được vận hành trơn tru, và những "con dân" của hip-hop biết cách tôn trọng nhau đúng mực.
Khi hip-hop và rap mới ra đời, mọi thứ vốn là "lãnh địa" của cộng đồng người da đen tại Mỹ. Nhưng vào những năm của thập niên 1990 và 2000, một anh chàng da trắng gầy gò với nghệ danh là Eminem xuất hiện, với những bản rap đầy kích thích, công phá các bảng xếp hạng và trở thành một hiện tượng của nước Mỹ.
Số lượng rapper mà Eminem đã "va chạm" là rất nhiều; bản thân anh cũng nằm trong một đội rap mang tên là D12. Và một sự thật là trong nhiều năm qua, hiếm ai có một lời nhận xét tiêu cực nào về tài năng cũng như phong cách của anh. Trường hợp của Eminem là một ví dụ điển hình về sự "respect" mà cho đến nay nhiều rapper vẫn cố gắng học hỏi.
Ngày nay, nhìn chung tinh thần "respect" về cơ bản vẫn được giữ nguyên trong cộng đồng hip-hop, từ việc nhìn nhận, đánh giá đúng nỗ lực của một cá nhân, đội nhóm mà không để cảm xúc của bản thân chi phối, cho tới việc "chơi đúng luật", không có những hành động công kích, hạ thấp đối thủ không đúng mực.
Nhưng "respect" cũng có "hàng giả"
Rất nhiều lần từ "respect" đã được nhắc đến, trong các bài phỏng vấn, trong những lần gặp mặt, thậm chí là trong những sản phẩm nghệ thuật. Nhưng thời cuộc thay đổi khiến sức nặng của từ "respect" không còn giống với thời kỳ trước - một sự thật mà có lẽ nhiều người trong giới hip-hop đã nhìn ra và đang dần dần chấp nhận.
Sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí ban đầu trở nên vô cùng có ích với hip-hop. Hạng mục đầu tiên dành cho nhạc rap ở giải Grammy xuất hiện vào năm 1989, và đến năm 2004 thì nhạc rap đã có 4 hạng mục Grammy; đó cũng chính là năm mà "Lose Yourself" của Eminem được Viện Hàn lâm Âm nhạc Mỹ vinh danh.
Nội dung liên quan
Những năm 1990, nhiều bộ phim truyền hình Mỹ đã đưa văn hóa hip-hop vào để ghi nhận một nét văn hóa không thể chối bỏ của người Mỹ. Đó chỉ là hai trong số nhiều sự ghi nhận mà nước Mỹ đã dành cho hip-hop.
Nhưng khi đã trở thành một phần của ngành công nghiệp giải trí, hip-hop trở nên "lắm vấn đề" hơn trước. Một trong những vấn đề đó là sự xuất hiện của những giá trị, con người,... "ảo" mà cộng đồng hip-hop không thể chấp nhận.
Thay vì tập trung chau truốt khả năng trình diễn, viết nhạc, viết lời, một số rapper của thời đại mới chỉ chăm chăm... chụp ảnh, khoe đồ hiệu, đánh bóng bản thân một cách hào nhoáng; ở một góc khác, nhiều dancer tìm đến với bộ môn nhảy hip-hop không phải vì vẻ đẹp, văn hóa của nó mà là để... "lấy le" với người thương.
Dần dần, những yếu tố trên tạo nên một bức tranh méo mó của chữ "respect". Những người có công xây dựng nên cộng đồng hip-hop bị chính những "đàn em" lên tiếng chỉ trích, dù ít lời chỉ trích nào đi kèm với một lý do chính đáng; ở chính nơi khai sinh ra hip-hop, Tupac và Notorious B.I.G. - hai "tượng đài" trong cộng đồng hip-hop bị những rapper trẻ hơn và chưa có nổi một sự nghiệp nhạc rap nghiêm túc lên tiếng chê bai, cho rằng thứ nhạc rap của họ "chán ngắt".
Mục đích của những lời chỉ trích này không gì khác hơn việc thu hút sự chú ý của truyền thông, giúp họ có được "độ nổi" cao hơn trong ngành công nghiệp giải trí.
Ở Việt Nam, sự méo mó này được thấy ở chính thái độ của một bộ phận cộng đồng rap trong những cuộc rap beef. Việc chưa được tiếp xúc đúng và đủ với văn hóa hip-hop, cũng như văn hóa ứng xử còn kém khiến cho nhiều trận đấu rap trong quá khứ từng bị "thổi bùng" lên quá tầm kiểm soát, dẫn tới các sự việc bạo lực không đáng có.
Nội dung liên quan
Tin tích cực là, cộng đồng hip-hop giờ đây đã đủ lớn mạnh để nhận diện được những sự giả tạo đó. Và ở một cộng đồng "nhiệt" từ sự hưởng ứng của khán giả cho tới năng lượng của nghệ sĩ, hip-hop sẵn sàng "đá bay" những cá nhân, đội nhóm có dấu hiệu "ảo", cũng như lên tiếng mạnh mẽ phản đối những hành vi không phản ánh đúng chữ "respect" trong hip-hop.
Mạng xã hội "ảo" nhưng hip-hop thì không
Không khác gì ngành công nghiệp giải trí, mạng xã hội ban đầu cũng đóng một vai trò tích cực trong việc làm lớn mạnh cộng đồng hip-hop, nhưng về sau cũng góp phần làm hình thành các giá trị "ảo" không phù hợp trong một cộng đồng hip-hop trọng chữ "real" để xây dựng được ý nghĩa đích thực của từ "respect".
Ở trên mạng xã hội, mọi thứ diễn ra nhanh hơn, nên thường xuyên có những diễn biến làm chúng ta luôn phải đặt câu hỏi về độ chân thực đằng sau chúng.
Một trang cá nhân nào đó có dòng trạng thái vội vàng, hay một bức ảnh, video được dàn dựng công phu nhằm điều hướng dư luận tới với một vấn đề được định sẵn - những điều này đã và đang diễn ra với hip-hop, và nếu không giữ tỉnh táo, nhiều người rất dễ bị "giật dây", hoặc quy chụp nhầm một người nào đó đang "giật dây" mọi người.
Nhưng sau cùng thì, chỉ có mạng xã hội là "ảo", còn hip-hop thì không. Bạn có thể thấy cuộc gặp gỡ chóng vánh giữa ICD và Tage, diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi trận beef của họ kết thúc, là "fake". Nhưng thực tế là, nếu hai rapper có cơ hội được gặp nhau ở ngoài, họ cũng sẽ có một cuộc nói chuyện mang tính chất "giảng hòa" để thể hiện đúng tinh thần "respect" của dân "cầm mic".
Hip-hop Việt Nam giờ đây đã không còn là một thú vui tự phát. Trong cộng đồng hip-hop đã, đang và sẽ có những con người văn minh, tôn trọng văn hóa hip-hop và tôn trọng văn hóa Việt Nam, biết ứng xử hơn để tạo ra một môi trường lành mạnh, qua đó giúp tinh thần "respect" được vẹn nguyên, từ những góc tường đầy màu sơn graffiti cho tới những bữa tiệc để anh em hip-hop được "cháy" hết mình.
Nguồn: TH&PL