Hiểu thêm về rap beef để không bị gọi là "quạt giấy"!

Một số thì gọi là "rap battle", một số thì gọi là "rap beef" (yeah). Đó thấy không bạn, hóa ra lại có nhiều từ dùng để gọi "môn" này phết!

Vậy nên bài viết này sẽ giúp những ai mới nghe rap hiểu thêm về thứ đang khiến cộng đồng rap dậy sóng mấy ngày qua giữa Tage và ICD, cùng những câu hỏi khác mà có thể bạn đang thắc mắc. 

"Rap beef" là gì?

Đừng mắc công đi hỏi Google Dịch vì câu trả lời bạn nhận được sẽ chỉ là "thịt bò rap" mà thôi (hai chấm ngoặc ngoặc).

"Rap beef" xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Anh từ giữa thập niên những năm 1990. Nguyên gốc từ "beef" có nghĩa là "phàn nàn", vì vậy "rap beef" có thể hiểu là rap để chê bai, phàn nàn về những điểm xấu ở một người khác.

Tất nhiên, thể loại rap này đã xuất hiện từ những năm 1980, với trận "beef" đầu tiên được ghi lại xuất phát từ việc U.T.F.O., một nhóm rap ở Mỹ bị một DJ, một nhà sản xuất nhạc, một rapper và một... cậu nhóc 14 tuổi công khai chỉ trích bằng một bài rap với lý do là nhóm nhạc trên đã từ chối xuất hiện tại một show diễn mà bộ ba kia quảng bá.

hieu them ve rap beef de khong bi goi la quat giay - anh 0
Ảnh chân dung của nhóm nhạc rap đầu tiên bị "diss".

Lùi xa hơn nữa, "beef" trong âm nhạc đã xuất hiện từ năm 1962, với bài hát "You Keep Her" được sáng tác và thể hiện bởi Joe Tex, "dành tặng" James Brown, người đã... cưới vợ cũ của Joe Tex, sau đó lại chia tay với cô ta và còn nhắn gửi với Joe Tex rằng ông ấy có thể "có lại cô ả này".

Ngày nay, phần đông công chúng gọi "rap beef" là "rap battle", bởi hình thức độc đáo này của rap giờ chỉ còn tồn tại ở những cuộc thi đấu rap, nơi các rapper tỉ thí với nhau xem ai có thể chiến thắng ai qua vần câu và nhịp flow.

"Rap beef" diễn ra như thế nào?

Mọi chuyện thường bắt đầu khi một rapper cảm thấy có ai đó đang tấn công, chỉ trích mình qua âm nhạc hay những phát ngôn của họ. Một "diss track" sẽ được ra đời để đáp lại những lời tấn công này. Nếu người "gây chiến" trước là một rapper, họ hoàn toàn có thể (và cũng gần như chắc chắn) ra một bài rap đáp trả, hay còn gọi là "reply". Cứ thế, hai bên đấu qua đấu lại cho đến khi kết thúc cuộc "beef".

Nếu như không phải trong một cuộc thi, thường sẽ không có luật lệ nào được quy định trong một cuộc "rap beef", ngoại trừ những quy ước ngầm được cộng đồng rap thỏa thuận với nhau, tùy theo bối cảnh văn hóa, địa lý hay những yếu tố khác có liên quan.

Trận "rap beef" giữa RichChoi và B-Ray năm 2018 là một ví dụ; sau 6 bài "diss", RichChoi và B-Ray đã có cuộc gặp mặt giảng hòa đầy đình đám được cộng đồng rap fan chú ý.

Tưởng chừng mọi chuyện như vậy là đã hết, RichChoi tiếp tục "đá xoáy" B-Ray qua một bài rap thứ bảy và B-Ray từ đó đến nay không có phản hồi gì, ngoài việc tập trung cho các sản phẩm cá nhân.

hieu them ve rap beef de khong bi goi la quat giay - anh 0

Nhìn chung, một trận "rap beef" có thể kết thúc bất cứ lúc nào khi một bên tuyên bố không tham gia nữa. Việc tuyên bố này không có nghĩa là bên đó sẽ bị "xử thua", bởi diễn biến trận beef và tổng quan các bài rap mới là yếu tố được người nghe nói chung và các "gạo cội" về rap nói riêng, cũng như những người trong cuộc đánh giá.

"Rap beef" càng đông thì... càng vui? Đâu là giới hạn?

Chuyện "tham chiến" trong "rap beef" là chuyện có khả năng xảy ra không hề nhỏ nếu một "diss tracK" có vô tình kéo thêm một số đối tượng liên quan. Tất nhiên, trong cuộc chiến giữa Tage và ICD, cho đến nay chưa có bên nào chính thức tham chiến như những gì một số trang thông tin đang đăng tải.

hieu them ve rap beef de khong bi goi la quat giay - anh 0

Bài rap của RichChoi để trả lời ICD có thể xem như một "gia vị phụ" giúp người ngoài cuộc hiểu rõ hơn về những nội tình bên trong, và chính RichChoi cũng khẳng định rằng, tình hình dịch Covid-19 như hiện nay không tạo điều kiện cho anh ra nhạc.

Tất nhiên, mong ước của một rap fan thông thường là những trận chiến mà hai hay nhiều bên đều "tung sức", thể hiện hết kỹ năng của mình qua từng câu chữ, từng nhịp rap. Một cuộc "rap beef" đông vui sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn, đó là điều chắc chắn.

Nhưng ở Việt Nam, điều này cho đến nay chỉ xảy ra với những cuộc chiến có độ nhạy cảm văn hóa cao, khi mà các rapper Southside (thuộc vùng Nam Bộ) và các rapper Northside (thuộc vùng Bắc Bộ) lao vào "cắn xé".

Cá nhân người viết cho rằng, những cuộc chiến đó chỉ có thể diễn ra khi rap chưa phải "món ăn" được phục vụ trên sóng truyền hình, đặt hàng cho các sản phẩm quảng cáo hay xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Những chương trình về rap được lên sóng từ năm ngoái dường như đã đánh dấu chấm hết cho việc đưa ngôn ngữ đường phố, những lời chửi tục, xúc phạm cá nhân, nhóm người vào trong nhạc rap.

Không nói đâu xa, đầu năm nay cộng đồng rap đã "mừng hụt" với trận "rap beef" giữa Torai9 và YC/Rhymastic. Chỉ sau hai bài "diss", sự quan tâm dữ dội từ phía các báo đài, cũng như phản ứng của một bộ phận không nhỏ rap fan "hiếu chiến" đã khiến Torai9 phải tuyên bố không thể thực hiện tiếp cuộc "beef", bảo vệ bản thân cũng như việc kinh doanh.

Có lẽ, trận chiến giữa Tage và ICD cho đến nay diễn ra một cách suôn sẻ, một phần là nhờ vào sự điềm tĩnh của cả hai bên. Chưa có bất cứ một lời lẽ nào quá đáng được hai chàng trai tên Huy đưa vào trong câu rap của mình, và lằn ranh mong manh này rất có thể sẽ bị phá vỡ khi có một số rapper khác "tham chiến".

"Rap beef" có ích gì?

Nếu xung quanh bạn có một ai đó cảm thán rằng: "Cãi nhau làm gì nhỉ, rapper diss nhau thì có lợi gì?", những dòng dưới đây sẽ là một số thông tin giúp bạn "thuyết phục" họ.

Những cuộc đấu trong nhạc rap trở thành một phần không thể thiếu của nhạc rap nói riêng và hip-hop nói chung, bởi chúng giúp các rapper cải thiện trình độ của mình. Việc phải rap trong trạng thái bức xúc, nhiều lúc là tức giận sẽ khiến nhiều rapper "thiếu nhi", mới vào nghề mất bình tĩnh và trượt khỏi tiêu chuẩn chung của nhạc rap.

hieu them ve rap beef de khong bi goi la quat giay - anh 0

Do vậy, để có một bài "diss" hay, các yếu tố kỹ năng vẫn phải được đảm bảo, cùng lúc đó là nội dung của bài rap phải đúng trọng tâm, khiến đối phương "tâm phục khẩu phục". Nếu gặp thời, bài rap đó thậm chí có thể được bổ sung vào danh sách các bài rap "để đời", làm nên sự nghiệp của một ai đó (cũng như có thể chấm dứt sự nghiệp của một người khác).

Một vài trường hợp, "rap beef" có thể giúp hai rapper hiểu nhau hơn, từ thù hóa bạn (tất nhiên phải nhấn mạnh lại là nó không nhiều đâu). Khi nhạc rap đang ở trong thời kỳ được khai thác, thương mại hóa, hòa nhập vào thị trường âm nhạc Việt Nam, nhiều rapper đã bắt tay nhau và xóa bỏ những suy nghĩ đối địch trước đây để cùng nhau "chung lý tưởng", cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ những người yêu nhạc rap.

Lưu ý sau cuối cho người nghe

Với thời đại mạng xã hội phát triển, người nghe không còn là người ngoài cuộc nữa. Một luồng ý kiến nếu được số đông đồng ý có thể tác động khá lớn tới những rapper - người có lòng tự trọng cao. Do vậy, để không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra, người nghe cần lưu ý một số điểm sau:

- Không kích động rapper A "diss" rapper B vì lý do không chính đáng.

- Không xúc phạm rapper B và những ai có liên quan nếu rapper B có thua trận "beef".

- Không kích động rapper B xúc phạm rapper A nếu rapper A có vô tình "beef" quá tay.

- Ngăn cản hai bên đánh nhau hoặc có hành động đẩy trận rap beef đi quá giới hạn

- Nếu rapper A và rapper B sau này có hợp tác với nhau, đừng "đào xới" chuyện cũ làm gì.

- Cần nhớ: một trận "rap beef" giữa rapper A và rapper B là quyết định giữa hai rapper. Hãy tôn trọng quyết định đó, không "tự phán quyết" kết quả của trận đấu khi còn chưa diễn ra.

- Nghe nhạc như một rap fan thực thụ, khen ngợi những điểm tốt của hai rapper. Nếu có lỡ "anti" một trong hai thì nghe và cân nhắc kỹ trước khi phê bình, chỉ trích.

Vậy đó, hy vọng là đọc đến đây thì bạn đã không còn là một "quạt giấy" về nhạc rap nữa. Nhiệm vụ "phổ cập" của người viết đến đây là hết. Peace!

Rhymastic nói gì về bản "Rapper Số 1"?

Lần đầu battle Tage đã thể hiện tinh thần quyết chiến, không phải giao lưu cho vui

16 Typh vội vàng đính chính khi bị nhắc tên trong trận battle của Tage

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ