Một trong những hội chứng về tinh thần mà người trẻ mắc phải hiện nay chính là "bệnh thứ hai".
Tại Hàn Quốc, ngay cả khi chế độ làm việc 6 ngày một tuần được áp dụng và trong chế độ làm việc 5 ngày được đưa ra vào năm 2004 thì hội chứng "bệnh thứ hai" (monday blue) của các nhân viên văn phòng dường như vẫn không có gì thay đổi.
Ở Hoa Kỳ, quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 40 giờ một tuần, cũng xuất hiện thuật ngữ tương tự như "bệnh thứ hai", đó chính là "nỗi sợ ngày chủ nhật" (hay còn gọi là sunday scaries).
Nếu căn bệnh thứ hai có nghĩa là cảm giác bất lực và mệt mỏi ập đến khi đi làm vào thứ hai thì nỗi sợ ngày chủ nhật có nghĩa là vì họ sợ thứ hai đến nên ngày chủ nhật cũng bị "hủy hoại" theo.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Monster Jobs, trang web tìm việc làm của Mỹ, 76% số người được hỏi trả lời rằng "Tâm trạng tôi thật sự ủ dột vào ngày chủ nhật".
"Bệnh thứ hai" hay "nỗi sợ chủ nhật" tuy không phải là tên bệnh chính thức, nhưng các chuyên gia phân tích rằng chúng thực sự gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của con người. "Yếu tố bất an được dự báo trước" và "sự chuyển đổi từ nghỉ ngơi sang làm việc" mang tên "thứ hai" có thể gây ra tâm trạng bất an, ủ dột, bất lực và không có sinh khí.
Từ quan điểm mang tính học thuyết tiến hóa, cảm xúc không thoải mái này thực sự là "chiến lược sinh tồn" của con người. Bởi vì trước khi đối mặt với tình huống nguy hiểm, nếu chúng ta cảm nhận được điều này trước thì sẽ có thể đối phó với tình huống đó tốt hơn.
Tuy nhiên, ngày nay, vì chúng ta không có lý do gì để phải chuẩn bị đối phó với một tồn tại nguy hiểm như mãnh thú nên thay vào đó, tình huống phải quay trở lại làm việc lại mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó chịu. Những cảm xúc vô bổ và phiền phức vượt quá mức cần thiết chính là kết quả còn sót lại của tiến hóa.
Triệu chứng của những "căn bệnh" này rất đa dạng. Thấy bất an, sợ hãi hay có thể xuất hiện các cảm xúc như phẫn nộ, buồn bã, cô đơn, ủ dột hoặc thậm chí có thể xuất hiện cả triệu chứng trên cơ thể. Thể hiện dưới các dạng như đau bụng, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi và căng cơ, v.v..
Nhưng có một sự thật là chủ nhật và thứ hai là vòng tuần hoàn lặp đi, lặp lại không bao giờ kết thúc. Vì vậy, nếu bạn bị căng thẳng về chúng thì cuối cùng, người chịu thiệt hại vẫn chính là bản thân bạn.
Nếu vậy thì làm thế nào để bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn trước "bệnh thứ hai"?
Trước tiên, cần thừa nhận rằng bất cứ người lao động nào cũng có thể có những cảm xúc như này và nhận thức được rằng không chỉ có bản thân mình có trải nghiệm đặc biệt bất tiện như thế.
Tuy nhiên, nếu "bệnh thứ hai" của bạn có triệu chứng nghiêm trọng thì bạn nên xem lại nguyên nhân khiến bạn trở nên như vậy. Nếu bạn hoàn toàn không thấy công việc thú vị, đảm nhận công việc vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của bản thân hay đặc biệt không chắc chắn, khối lượng công việc cao hoặc thiếu ranh giới giữa làm việc và nghỉ ngơi thì "bệnh thứ hai" có thể có biểu hiện nghiêm trọng.
"Brain dump"
Trong tình huống này, các nhà tâm lý học khuyên bạn nên thử "brain dump", nghĩa là chuyển tải những suy nghĩ trong đầu bạn sang một nơi khác để lưu trữ, nhằm khiến não bạn "thảnh thơi" hơn. Nếu trong đầu bạn đang rối rắm với nhiều suy tư thì việc chúng có thể phá hỏng khoảng thời gian quan trọng từ tối thứ sáu đến tối chủ nhật là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, khi bạn hoàn thành thời gian làm việc vào thứ sáu, tốt nhất là bạn nên lập danh sách những việc bạn phải làm từ thứ hai tuần sau. Sắp xếp gọn gàng danh sách đó và hãy cất chúng đi cho đến thứ hai. Nếu lặp đi lặp lại thói quen này, bạn sẽ có thể tận hưởng một cuối tuần dành thời gian cho riêng mình và rời xa công việc hơn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể viết suy nghĩ của mình ra giấy, hay các ứng dụng ghi chú. Việc viết ra những gì đang bủa vây tâm trí bạn cũng là một cách hữu ích để bạn giải mã chúng.
Để dành những điều đáng mong đợi cho cuối ngày thứ hai
Ngoài ra, cũng có một cách để biến thứ hai của bạn trở thành một ngày vui vẻ hơn. Nếu bạn để dành các bộ phim, chương trình TV và cuốn sách yêu thích cho thứ hai, bạn sẽ bớt cảm thấy thứ hai là một điều gì đó kinh khủng và tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn sẽ thấy vui vẻ và mong chờ vì bạn có thể xem chúng sau khi hoàn thành xong công việc cần làm.
Đánh giá lại cuộc sống làm việc và cuộc sống cá nhân
Mặc dù duy trì cuộc sống lành mạnh nói chung như thời gian nghỉ ngơi thích hợp, thời gian ngủ, ăn uống lành mạnh và tập thể dục, nhưng nếu căn bệnh thứ hai khiến bạn thực sự cảm thấy khó khăn thì bạn nên dành thời gian để đánh giá lại công việc của bản thân.
Đánh giá lại xem liệu bạn có thể dành thời gian cho riêng mình tách biệt khỏi môi trường làm việc, các đồng nghiệp, đặc trưng công việc hay không; xem liệu bạn có thể cải thiện chứng bệnh thứ hai không và kết luận cuối cùng cũng có thể là bạn không còn cách nào khác ngoài việc lựa chọn một công việc mới.
"Thứ sáu bùng cháy"
Ngoài ra, cũng chính vì những nỗi sợ ngày chủ nhật và thứ hai mà cụm từ "thứ 6 bùng cháy" đã xuất hiện và được ưa chuộng sử dụng trong giới trẻ Hàn Quốc. Khi mà đầu tuần quá "khủng khiếp" thì họ lựa chọn ngày cuối cùng làm việc trong tuần là ngày tuyệt vời và thích hợp nhất để "xõa" sau một tuần đầy căng thẳng.
Cũng chính buổi tối thứ sáu là khoảng thời gian người trẻ Hàn hẹn hò, đi chơi và thư giãn rất nhiều. Trên thực tế, việc có một "thứ sáu bùng cháy" trong tuần để mong đợi hoàn toàn có thể khiến mọi người hào hứng làm việc hơn.
Nguồn: TH&PL