Nỗi sợ sáng thứ hai gần như đã trở thành nỗi sợ của rất nhiều người. Vì sao ngày thứ hai đầu tuần lại đáng sợ lại trở nên đáng sợ như vậy?
Có một thực tế lạ đời như thế này, cứ hễ mỗi tối cuối tuần lướt Facebook thì bảng tin lại tràn ngập lời than thở "Tôi không tin mai là thứ hai!", "Thứ hai là cơn ác mộng". Thậm chí có những trang Facebook được lập ra chỉ để đăng mấy content về ngày thứ hai.
Hầu hết chúng ta đều dành thời gian cho các cuộc gặp gỡ vào những ngày cuối tuần. Khi khối lượng công việc trong một tuần được giải quyết cũng là lúc đầu óc của chúng ta cần được thư giãn. Tuy nhiên, số lượng ngày nghỉ và áp lực công việc trong một tuần luôn tỉ lệ nghịch trong tâm trí của giới trẻ. Họ luôn trong trạng thái nghỉ ngơi chưa ''đã" mà phải bắt đầu đi học, đi làm nên đâm ra chán nản.
Đa số ở các trường đại học, sinh viên đều đến lớp trong trạng thái buồn ngủ. Các lớp bắt đầu học vào sáng thứ hai cũng thưa thớt sinh viên, vì các bạn cúp tiết khá nhiều. Còn khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh lại chán ngán giờ chào cờ đầu tuần, sợ tiết sinh hoạt lớp với quyển đầu bài hắc ám, sợ những bài kiểm tra dồn dập khi bản thân còn chưa kịp tỉnh táo sau hai ngày ăn chơi tới bến.
Sáng thứ hai báo hiệu bắt đầu một tuần mới đầy mệt mỏi và áp lực
Thế hệ trẻ hiện nay thường xây dựng cho mình một kế hoạch nghỉ ngơi không hợp lý. Khi được hỏi về câu hỏi “Cuối tuần bạn sẽ làm gì?” thì đa phần các câu trả lời thường là “dành thời gian để ngủ bù cho những ngày không được ngủ nướng”, “quẩy một ngày tưng bừng thâu đêm cùng hội bạn thân”, hay là “để chơi game, tổ chức đi chơi xa cùng bạn bè”,... Trong một tuần, việc thức dậy đúng giờ, ăn đúng bữa, bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể hầu hết đều diễn ra rất đều đặn. Thế nhưng, nó lại bị phá vỡ hoàn toàn vào cuối tuần. Sau một ngày thoải mái, khi mọi thứ đều trở lại quỹ đạo ban đầu vào sáng thứ hai thì cơ thể không chịu nổi. Khi đó, sự mệt mỏi sẽ xuất hiện khiến bạn lúc nào cũng trong trạng thái sợ sáng thứ hai.
Khi được hỏi "Sáng thứ hai với bạn như thế nào?", bạn Nguyễn Chí Đen (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đã trả lời rằng: "Với mình, ngày đầu tuần thường bắt đầu với cảm giác hụt hẫng và chán chường. Bởi vì mình thấy thời gian nghỉ ngơi của mình sao trôi qua nhanh quá, chưa gì lại bắt đầu một tuần mới đầy áp lực và mệt mỏi. Mình luôn muốn kéo dài thời gian ngày nghỉ ra, không phải vì lười biếng mà là vì mình thực sự quá ngán ngẩm với mớ deadline hỗn độn của một tuần mới". Đây là lý do của Đen và hầu như nó cũng là lý do của tất cả chúng ta.
Thường thì chúng ta sẽ lên những kế hoạch và hoàn thành nó trong một tuần. Năng suất công việc thường được đánh giá qua chất lượng và tiến độ nên chúng ta luôn sợ công việc mình xử lý không kịp sẽ dẫn đến trì hoãn.
Bạn Huỳnh My, hiện đang là phóng viên của một công ty truyền thông quảng cáo chia sẻ rằng: "Các đối tác truyền thông bên công ty mình làm thường sẽ ít gửi email vào cuối tuần, và cho đến sáng thứ hai thì có quá nhiều email khách hàng cần phải xử lý. Mặc khác, có nhiều cuộc hẹn với đối tác vào đầu tuần nên áp lực nhiều hơn. Nghe đến sáng thứ hai, mình lại có cảm giác áp lực gấp trăm lần ngày thường". Bạn My hay nhiều người sợ sáng thứ hai là bởi khối lượng công việc cần làm sẽ nhiều hơn, họ luôn trọng suy nghĩ công việc sẽ bị tồn đọng và quá tải cho các ngày cuối tuần. Vì thế mà áp lực sinh ra là điều không thể tránh khỏi.
Mignon McLaughlin đã từng phát biểu rất hay: "Tất cả chúng ta đều được sinh ra can đảm, tin tưởng và tham lam, sự tham lam ở lại với hầu hết chúng ta". Chủ nhật thường là ngày nghỉ dài hơi và với sự tham lam của con người thì một ngày chủ nhật không bao giờ đủ cho sự nghỉ ngơi. Bằng chứng là họ sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc. Tạp chí British Medical Journal (Anh) đã từng công bố một công trình nghiên cứu xôn xao dư luận: số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở người nam dưới năm mươi tuổi vào ngày thứ hai nhiều hơn những ngày khác trong tuần lên đến 19,2%. Điều đó chứng minh ngày đầu tuần chính là cơn ác mộng đối với mọi người. Nó gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cơ thể, chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc.
Bạn có bao giờ nghĩ rằng: chúng ta sợ sáng thứ hai vì chúng ta đang không thực sự đam mê công việc mình đang làm hay không?
Đam mê tái tạo nên thế giới cho tuổi trẻ, nó khiến cho chúng ta yêu thích công việc, tạo ra năng lượng để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Thế nhưng có nhiều người trẻ sợ sáng thứ hai phải bắt đầu công việc mà mình không đam mê, sợ phải đối mặt với những quy định khuôn khổ nơi làm việc.
Tôi có quen biết Kha, hiện bạn đang là nhân viên part time của trung tâm thương mại Vincom Center Landmark 81. Bạn chia sẻ rằng: ''Mình sợ thứ hai là vì mình sợ các cuộc briefing với quản lý vào mỗi thứ hai đầu tuần. Hiện vừa làm vừa học nên mình không thực sự ưa thích công việc này cho lắm. Hơn nữa, mình là người hướng nội, ít nói và ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài nên mình không thích cảm giác phải nói chuyện và tiếp xúc với nhiều người. Nhưng công việc đang làm đòi hỏi mỗi thứ hai mình phải thích nghi với điều đó nên nó làm mình không thích mỗi ngày đầu tuần''. Đây là một minh chứng cụ thể cho việc chúng ta thực sự không yêu thích công việc của mình. Hầu hết những người không hài lòng với công việc hiện tại thường không tìm được niềm vui trong chính công việc đó.
Mỗi sáng đầu tuần, cảm giác chán ngán lúc nào cũng xuất hiện trong đầu bạn. "Tôi phải làm thế nào để giải quyết mớ công việc mới toanh này đây, tôi phải làm thế nào xử lý hàng tá số liệu dở dang này đây, tôi phải bắt đầu kế hoạch này từ đâu đây,...?". Guồng quay của công việc cứ chất chồng lên suy nghĩ của con người, nó bắt buộc con người ta phải hoàn thành. Chúng ta cứ chạy đua với cuộc sống bằng việc cần phải làm, bằng số liệu cần phải đếm thì thử hỏi tại sao người ta lại sợ sáng thứ hai đến thế.
Tại sao chúng ta có hàng trăm nỗi sợ sáng thứ hai mà không tìm ra được cho một một lý do yêu thích sáng thứ hai. Đó là vì phần lớn những khi bạn đối diện với nỗi sợ hãi của mình, bạn sẽ cảm thấy nó là cơn ác mộng khủng khiếp, cứ lặp đi lặp lại từ tuần này sang tuần khác không có điểm dừng. Người trẻ dường như không tìm được cho mình động lực để thức dậy trong trạng thái tràn đầy năng lượng, chọn một bộ trang phục thật chỉn chu, hay chọn một lớp trang điểm thật đẹp để bắt đầu một tuần làm việc mới.
Hãy thay đổi thói quen từ bây giờ! Thức dậy với quyết tâm, đi ngủ với sự hài lòng!
Hầu hết dư âm của các cuộc vui hay sự mệt mỏi, thiếu ngủ đều đến từ những cuộc chơi thâu đêm. Người ta cứ nghĩ, cuối tuần là thời gian để thói quen ''tiêu cực" này lên ngôi. Hãy dừng lại! Chúng ta cần thói quen nghỉ ngơi hợp lý cho tất cả các ngày trong tuần.
Việc cần làm để một sáng thứ hai không đáng sợ ngay từ bây giờ là ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục để chào mừng một buổi sáng đầu tuần đầy năng động. Hiện nay, đã có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn cách vượt qua nỗi sợ sáng thứ hai bằng việc thay vì đến công ty, các bạn sẽ gặp nhau để bàn công việc của tuần mới ở một quán cà phê. Với không gian mở rộng, không gò bó như không gian của phòng họp sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho tâm trạng của tất cả mọi người. Chúng ta có thể biến sáng thứ hai thành sự yêu thích bằng nhiều cách khác nhau và hãy hình thành hiệu ứng lan tỏa - sáng thứ hai thành ngày vui tươi.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã từng phát biểu rằng: ''Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Vui vẻ là điều rất quan trọng. Vui là một ngày, không vui cũng là một ngày, tại sao phải ép mình không vui chứ?''. Chúng ta phải tự biết rằng, niềm vui là động lực cho mọi sự thành công. Nếu thật không may chúng ta luôn mặc định thứ hai là một ngày mệt mỏi, thứ hai là một ngày áp lực thì với tôi, niềm vui vào thứ hai luôn được ưu tiên cao độ trong bất kỳ điều gì tôi làm.
Nguồn: TH&PL