"Làm gì sai mới bị chồng đánh", "con gái mà ăn mặc như này thì không tử tế" là những lời nhiều phụ nữ nhận được khi tham gia mạng xã hội. Nguyên nhân nào khiến phụ nữ trở thành đối tượng của sự công kích và quấy rối?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, giới tính đóng vai trò quyết định các kiểu quấy rối người dùng mạng có thể gặp phải. Nữ giới là đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các trò giễu cợt, bắt nạt trực tuyến nhất.
Kết quả nghiên cứu đến từ trung tâm Pew cho thấy, phụ nữ có nhiều khả năng bị quấy rối tình dục trực tuyến hơn nam giới. Có 16% người nữ trong nhóm đối tượng nghiên cứu (ở Mỹ) bị quấy rối tình dục. Trong khi ở nam giới, con số này chỉ ở mức 5%.
33% phụ nữ dưới 35 tuổi thừa nhận rằng họ từng bị quấy rối tình dục trực tuyến, trong khi 11% nam giới dưới 35 tuổi rơi vào trường hợp này.
Vậy tại sao nữ giới lại là đối tượng dễ dàng bị cấu xé trên mạng xã hội?
Thiên lệch nhận thức muộn
Thiên lệch nhận thức muộn là thuật ngữ dùng để chỉ hành vi tâm lý ở con người. Mẫu người này thường tin rằng con người đã biết trước kết quả của một sự kiện trong quá khứ, chỉ là họ bỏ qua kết quả này.
Ví dụ: Khi nghe tin bạn bè trượt đại học, bạn có thể sẽ phản ứng theo kiểu "sao nó không học chăm hơn, chịu ôn phần đó là được".
Ví dụ: Khi nghe tin một người bị ung thư phổi, bạn có thể sẽ phản ứng "lúc trước đừng hút thuốc là được".
Tương tự như vậy, khi người dùng mạng bắt gặp cô gái bị trêu chọc, họ sẽ suy nghĩ theo chiều hướng sau: "không muốn bị chê bai thì đừng đăng ảnh"; "ai bảo ăn mặc hở hang và đăng lên mạng làm gì"; "con gái mà đăng ảnh như này thì chỉ vì muốn bị trêu".
Nội dung liên quan
Tuy nhiên, phụ nữ có quyền đăng ảnh để thể hiện con người, cơ thể và tiếng nói. Việc quy định phụ nữ phải nhận những lời chỉ trích, miệt thị vì đăng ảnh nóng bỏng là hoàn toàn thiên vị. Tương tự với những nạn nhân trong các vụ quấy rối, hiếp dâm. Họ phải chịu đựng tâm lý thiên lệch nhận thức muộn của những người dùng ẩn danh.
Tính gia trưởng
Ở châu Á, tư tưởng phụ nữ không thể làm việc lớn vẫn còn hiện diện. Nhiều người không đánh giá cao khả năng của phụ nữ. Họ cho rằng nữ giới nên ở trong bếp và làm công việc nữ tính. Từ tư tưởng này, nhiều người đã phủ bỏ mọi cố gắng của phụ nữ.
Khi bắt gặp một cô gái trẻ độc lập, thành công và độc thân, họ sẽ nghĩ ngay đến những điều sau: "Giả bộ giàu chứ gì", "ba mẹ lo hết rồi phải không", "sugar baby đây mà", "thành công làm gì rồi không ai lấy"...
Suy nghĩ công bằng độc hại
Con người có niềm tin mạnh liệt rằng thế giới là một nơi công bằng và chính đáng. Khi điều gì đó tồi tệ xảy ra với người khác, chúng ta thường nghĩ rằng "có lửa thì mới có khói". Nghĩa là, người này đã làm gì đó mới bị chỉ trích nặng nề và đánh giá như thế.
Nghĩ theo cách này, người dùng mạng sẽ biến nạn nhân trở thành kẻ tội đồ, người vô tội trở thành kẻ đợi phán xét.
Nội dung liên quan
Đòi công bằng một cách vô lý và độc đoán đã dẫn đến tình trạng coi thường nạn nhân, đặc biệt là những người nữ. Khác với nam giới, nữ giới phải chịu thêm chiếc nhãn "con gái phải như này", "con gái con lứa mà như này thì đáng đời". Nếu hành động của người dùng mạng xã hội là nữ không thỏa mãn chiếc nhãn giới tính, họ sẽ bị quy chụp tức thì.
Vì thế, khi thấy phụ nữ bị chồng đánh, netizen bắt đầu cho rằng cô này đã làm gì đó sai trái mới bị đối xử dã man như thế. Trong trường hợp đàn ông ngoại tình, dân mạng lại dùng sự công bằng này ám chỉ người vợ không làm tròn bổn phận nên chồng mới lăng nhăng.
Đúng là trong mọi mối quan hệ đều có sự tương tác song song nhưng không vì thế nạn nhân bị kết tội một cách vô lý. Suy nghĩ công bằng độc hại này giết chết một cái kết công bằng cho những nạn nhân đang chịu sự bất hạnh.
Sự so sánh giữa nữ giới
Con người luôn tồn đọng bản chất thích nhận xét và bình phẩm về người khác. Khi Internet phát triển, hành vi nhận xét về người khác được công khai hơn với quy mô toàn thế giới.
Lướt các ứng dụng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy nữ giới thích đăng nhiều bài viết và hình ảnh hơn nam giới. Điều này vô tình tạo sự so sánh giữa những tài khoản là nữ. Thậm chí đến cả phụ nữ còn so sánh bản thân với người khác.
Nhưng nên nhớ rằng mỗi người đều mang một vẻ đẹp riêng và họ không cần bất kỳ phép so sánh nào để tốt hơn.
Chướng ngại tâm lý ở phụ nữ
Trong báo cáo của UN Women, các nhà hoạt động xã hội dân sự cho biết nạn nhân trong các cuộc tấn công, quấy rối thường thích tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp và các tổ chức xã hội. Họ "hiếm khi hoặc không bao giờ" báo cáo các vụ tấn công với chính quyền.
Điều này cho thấy phụ nữ vẫn còn mang tư tưởng lo sợ bị chê cười vì là nạn nhân của cuộc tấn công, quấy rối tình dục.
Hơn nữa, bạo lực trực tuyến vẫn chưa có nhiều biện pháp xử lý nghiêm minh. Chưa có nhiều vụ án liên quan đến việc quấy rối tình dục trực tuyến được xét xử.
Nếu họ báo cáo hành vi tấn công trực tuyến với cơ quan chức năng, có khi họ sẽ không đủ bằng chứng. Chưa hết, việc kiện cáo, xét xử còn tốn khá nhiều chi phí. Quy trình này khiến phụ nữ nản lòng. Vì điều này, nạn nhân thường e dè và chịu đựng sự bắt nạt.
Chính vì các yếu tố này, những kẻ quấy rối trên mạng mới vô tư tấn công phụ nữ. Họ biết rằng nữ giới yếu đuối và có tâm lý mỏng manh. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng trốn khỏi trách nhiệm khi công kích người khác.
1001 câu hỏi vì sao là tuyến bài giải mã những vấn đề người dùng mạng xã hội thường thắc mắc nhưng chưa-chắc-ai-cũng biết. Rơi vào vũ trụ này, bạn sẽ khám phá được nhiều điều hay, có lúc là kiến thức vừa chạm ngõ lần đầu, đôi khi lại là những điều đơn giản đến lạ thường nhưng không ai phát hiện.
Nguồn: TH&PL