"Quỳ một gối" là hành động đã lan rộng khắp giới thể thao như một tuyên bố chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Đội tuyển bóng đá nữ của Đảo Anh (Great Britain) đã bắt đầu Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bằng cách quỳ một gối trước trận mở màn với Chile. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã nới lỏng những quy tắc mà họ từng ngăn cấm hành động này.
Hành động "quỳ một gối" có ý nghĩa gì?
Quỳ một gối vốn là hành động phản đối lại sự đối xử bất công với người Mỹ gốc Phi, nhưng giờ đây nó đã trở thành biểu tượng toàn cầu của việc chống nạn phân biệt chủng tộc.
Hành động này thu hút được những sự chú ý đầu tiên trên toàn thế giới là từ bóng đá Mỹ, khi một số cầu thủ quỳ một gối xuống trong lúc hát quốc ca ở đầu trận đấu. Và giờ nó được thực hiện bởi nhiều người trên toàn thế giới như một phần của phong trào "Black Lives Matter" (Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa).
Đây là một phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nói chung, phản đối sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ đối với người Mỹ gốc Phi sau cái chết của George Floyd nói riêng.
Quy định về việc "quỳ một gối" ở Thế vận hội thì sao?
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trước đây đã cấm động tác này. Họ cho biết là vì điều 50 của Hiến chương Olympic cấm bất kỳ hình thức "biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo, chủng tộc" nào.
Nhưng bây giờ, Ủy ban đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép các vận động viên "bày tỏ quan điểm" trước và sau khi thi đấu. Điều này có nghĩa là họ có thể quỳ một gối trước khi sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, họ không thể bày tỏ quan điểm của mình trong khi thi đấu, trong lễ trao huy chương hay khi ở Làng Olympic.
Mọi sự phản đối không được phép "gây rối", bao gồm cả việc giương cờ hay biểu ngữ trong khi "giới thiệu vận động viên hoặc đội thi khác".
Các cầu thủ bóng đá nữ đến từ Đảo Anh và Chile đã bắt đầu trận đấu bằng cách quỳ một gối để phản đối sự phân biệt chủng tộc. Đó là điều các cầu thủ da màu của đội tuyển quốc gia Anh phải đối mặt sau khi thua trận tại Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA European Championship) hồi đầu tháng.
Đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản sau đó cũng làm điều tương tự, đây là một hành động phản đối hiếm hoi của một đội tuyển Nhật Bản. Vận động viên thể dục dụng cụ người Costa Rica - Luciana Alvarado cũng đã quỳ một gối và đưa nắm tay lên không trung sau khi kết thúc phần thi của mình.
Các vận động viên được tôn vinh như anh hùng cho đến khi họ nói ra quan điểm của mình
Những hành động mới nhất này làm nổi bật một nghịch lý lâu đời đối với các vận động viên: Họ được tôn vinh như những người hùng cho đến khi họ sử dụng hành động của mình để đưa ra những quan điểm chính trị.
Điều này đã bắt đầu thay đổi nhờ tiền vệ của Liên đoàn bóng bầu dục quốc gia Mỹ NFL Colin Kaepernick. Người đã bị đuổi khỏi câu lạc bộ và không có mặt ở bất cứ trận đấu bóng bầu dục nào nữa sau khi quỳ gối để phản đối sự tàn bạo trong phân biệt sắc tộc của cảnh sát khi Quốc ca Mỹ vang lên trong trận Bóng bầu dục năm 2016.
Nội dung liên quan
Nhưng thậm chí ngay cả bây giờ, các vận động viên vẫn chưa thể "miễn nhiễm" với hậu quả của việc thể hiện quan điểm của mình. Ngôi sao thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles và tay vợt tennis Nhật Bản Naomi Osaka đều phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã ưu tiên sức khỏe tinh thần trong Olympic năm nay.
Osaka cũng bị "vùi dập" trên mạng xã hội sau khi cô thua một trận đấu tại Thế vận hội vào thứ ba tuần trước, với một số câu hỏi chế giễu chẳng hạn như tại sao cô ấy lại được đại diện cho Nhật Bản với tư cách là người châm đuốc trên đài lửa trong lễ khai mạc của Thế vận hội.
Mỗi vận động viên tham gia Olympic hay bất kỳ cuộc thi thể thao nào cũng xứng đáng nhận được sự ủng hộ khi họ thi đấu hết mình và thể hiện quan điểm cá nhân đúng mực. Hay cụ thể ở đây là hành động "quỳ một gối" nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc, bởi vì vận động viên cũng chỉ là con người bình thường mà thôi và họ cũng cần được đối xử công bằng.
Nguồn: TH&PL