Dưới cái nắng chói chang và gay gắt của Sài Gòn những ngày đầu năm, màu áo vàng Xuân Tình Nguyện vẫn hừng hực sức trẻ và xông pha trên từng mặt trận để mang cái Tết ấm no đến với người dân.
Một năm dần kết thúc cùng những đau thương qua đi, cũng là lúc ta chứng kiến được một thế hệ trẻ đã luôn cống hiến hết mình vì những hoạt động cho cộng đồng và xã hội. Là hoạt động thường niên của sinh viên trong mỗi dịp tết đến xuân về, Chương trình Xuân tình nguyện năm nay lại được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần đem yêu thương đến với những mảnh đời kém may mắn, mang hơi ấm mùa xuân đến với những hoàn cảnh chịu nhiều tổn thương sau đại dịch Covid-19.
So với năm trước, những hoạt động Xuân tình nguyện có thể được thuận lợi diễn ra, các sinh viên cũng có nhiều điều kiện dễ dàng gây quỹ và tham gia các hoạt động tại địa phương. Mặc dù, điều đó không thể được triển khai trong năm nay, nhưng hoạt động vẫn được diễn ra rất sôi nổi theo nhiều hình thức khác nhau, và điểm chung của tất cả là một tấm lòng đầy nhiệt huyết, luôn hết mình để san sẻ khó khăn vì cộng đồng.
Hỗ trợ và phục hồi cuộc sống của những đối tượng chịu tổn thương trong đợt dịch
Theo chân hoạt động Xuân Tình Nguyện của các bạn sinh viên khoa Địa Lý, trường ĐH Khoa học Xã Hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, nhận thấy rằng mùa vàng năm nay được xem là năm có nhiều thay đổi nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để đảm bảo cho các chiến sĩ tham gia, hầu hết các hoạt động đều phải thực hiện tại địa bàn TP.HCM.
Thay vì mọi năm, các chiến sĩ áo vàng sẽ đi đến những vùng sâu vùng xa của các tỉnh thành khác thì nhiệm vụ trọng tâm năm nay là hỗ trợ và phục hồi cuộc sống của của những đối tượng chịu tổn thương trong đại dịch như những bạn trẻ mồ côi, những người vô gia cư, hay những gia đình có người thân đã mất vì Covid-19.
Nói về chủ đề Xuân Tình Nguyện của năm nay, bạn Lai Duy Long - Đội trưởng Chiến dịch Xuân Tình Nguyện khoa Địa lý năm 2022 đã chia sẻ với rằng: "Năm nay Khoa Địa Lý thực hiện chiến dịch với chủ đề "Lá trong lá – Tay trong tay" với sự tham gia của 32 chiến sĩ trong đó có 13 chiến sĩ tham gia mặt trận trực tuyến. Hình ảnh 'lá trong lá' được lấy cảm hứng từ ca dao tục ngữ 'lá lành đùm lá rách' và hành động 'tay trong tay' thể hiện dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, mỗi người dân đều phát huy truyền thống tương thân tương ái của mình".
Duy Long cho biết thêm, theo tinh thần hỗ trợ rộng các đối tượng chịu tác động của đại dịch, Chiến dịch năm nay sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ như: ngày hội thiếu nhi vui tết để mang quà và học bổng đến trẻ em; Xuân sẻ chia với hoạt động phát cơm và nước miễn phí; Tết an toàn với hoạt động phát khẩu trang và bản tin tuyên truyền, cuối cùng là tết bạn bè với hoạt động trao rặng vé xe và phần quà cho sinh viên khó khăn khi về quê hoặc ở lại thành phố làm việc.
Mình an toàn trước mới giúp đến mọi người
Dù phải thực hiện chiến dịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành tại TP.HCM, tuy nhiên khó khăn không thể làm các chiến sĩ trẻ chùn bước. Ngay từ những ngày đầu phát động, Xuân Tình Nguyện đã thu hút đông đảo rất nhiều sinh viên tham gia. Chia sẻ với , Duy Lòng cho biết, dẫu ở từ nơi xa chỉ hoạt động online qua máy tính nhưng các chiến sĩ vẫn trong tư thế sẵn - nhanh chóng - kịp thời để giải quyết những vấn đề phát sinh hay yêu cầu khẩn cấp từ ban chỉ huy.
"Điều này minh chứng rằng dịch bệnh không phải là khó khăn lớn nhất mà chính là tinh thần của mỗi người. Một khi chúng ta vượt qua được lúc đó khoảng cách địa lý không còn là vấn đề" - Duy Long khẳng định.
Đặc biệt hơn, khi các trường Đại học vẫn còn chưa mở cửa đón sinh viên trở lại học tập, tuy nhiên vẫn có không ít những chiến sĩ tình nguyện trẻ sẵn sàng chạy xa hàng chục, thậm chí là hàng trăm cây số để lên Sài Gòn góp sức cùng đội hình mang cái tết đến cho cộng đồng.
"Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế cả nước, là nơi lan toả sự phát triển đến những vùng xung quanh. Và khi thành phố tổn thương những đứa con tứ xứ lại đổ về chăm sóc, mong một thành phố khoẻ mạnh, hạnh phúc hơn dịp tết đến xuân về" - Duy Long nói.
Thế nhưng dưới cái nắng chói chang và gay gắt của Sài Gòn những ngày đầu năm, một sức trẻ hừng hực của từng sinh viên khoác trên mình chiếc áo vàng vẫn xông pha trên từng mặt trận. Hàng loạt hoạt động truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa kiệu hay hội thiếu nhi vui tết, xây dựng tủ sách,… vẫn được tổ chức bất kể ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với quan niệm "mình an toàn trước thì mới giúp đến mọi người", để tham gia chiến dịch, các bạn sinh viên được yêu cầu xác nhận tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 60 ngày. Ngoài ra việc dùng cồn sát khuẩn y tế cũng luôn được đảm bảo ở từng hoạt động nhằm bảo vệ các chiến sĩ tham gia và người dân.
Tạm kết
Đây cũng chính là những cá nhân trong số rất nhiều những bạn trẻ vẫn đang miệt mài cho công tác chuẩn bị để "mang xuân" về địa phương, mỗi sự đóng góp dù nhỏ nhất của các bạn cũng đều xứng đáng được trân trọng và ghi nhận.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều điều hạn chế như hiện tại, sự cống hiến này sẽ góp phần tạo nên những điều đẹp đẽ hơn trong cuộc sống, để tình yêu thương sẽ là thứ có thể giúp xua tan đi những đau thương và mất mát trong suốt một năm đầy biến động vì dịch bệnh vừa qua.
Nguồn: TH&PL