Những chia sẻ từ Wren Evans về việc làm nhạc với sự hậu thuẫn, khả năng hát chưa tốt và cả danh xưng "one hit wonder".
Wren Evans
Một nhân tố trẻ nổi bật của Vpop và được xem là cái tên tiêu biểu của thế hệ Z.
"Tôi chỉ ra nhạc, còn chuyện ai là đại diện GenZ, tôi không biết"
Wren Evans đã quen với cuộc sống của một ngôi sao chưa?
Trong 6 tháng qua, tôi đã trưởng thành rất nhiều. Dù rất khó khăn, tôi học được nhiều thứ mới với những người trong một ekip chuyên nghiệp hơn.
Làm nghệ sĩ cũng không dễ. Nhiều người vẫn nghĩ việc làm nghệ sĩ chỉ cần biểu diễn rồi về nhà, thực ra không phải như vậy. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa công nhận bản thân là một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Bạn từ đường phố đi lên, văn hóa đó khác nhỉ?
Anh em rapper từ đường phố lên truyền hình thì văn hóa khác nhiều chứ. Thực ra, đó cũng là một cái để tôi học, vì trước giờ tôi không có ekip để làm.
Sau khi chuyển qua làm việc với những người trong ngành lâu hơn thì có những quy tắc, văn hóa và cả quyền lợi tôi phải tìm cách hiểu.
Quá trình thích ứng luôn kèm nỗi đau, và đó là lý do ra đời của Cơn Đau?
Tôi cảm thấy chủ đề này dễ. Vì tôi viết ra những cảm xúc thật nhất, có thể cảm nhận rõ ràng như Cơn Đau. Đó cũng là ý nghĩa của bài hát: "Đau thì cũng phải thốt ra là đau".
Bài hát đó bắt đầu từ cuối năm ngoái, đến năm nay thì tôi làm một phát xong luôn. Bài này tôi viết trong đúng một ngày.
Có thể đối với người khác, đây là một cái gì đó khó có thể chạm tới. Nhưng tôi nghĩ, bản thân là một người trẻ, biết đâu mình viết ra những điều đó lại có thể giúp đỡ những người trẻ khác?
Và dù đây là một bài hát mang ý niệm rất buồn, giai điệu lại tương đối vui tươi.
Có thể đối với người khác, nỗi đau là thứ khó chạm tới, nhưng biết đâu tôi viết ra những điều đó lại có thể giúp đỡ những người trẻ khác?
Wren Evans
Nhạc Việt
Nhiều người tranh cãi về việc bạn dùng "ta" - "tao" trong bài hát?
Tôi cảm thấy điều đó không quan trọng. Tôi cố tình hát không rõ lời khúc đấy để mọi người có thể tự cảm nhận được. Tôi cũng không quan trọng lắm là đại từ nhân xưng nào, tất cả đều là "tôi" mà.
Đâu là thứ khó nhất trong Cơn Đau?
Phần lời. Tôi cũng nói là trong đúng một ngày, tôi đã viết hết lời. Nó vừa suôn sẻ nhưng cũng vừa khó. Lúc chưa viết thì nghĩ nhiều hơn và cảm thấy khó hơn, nhưng hóa ra cũng suôn sẻ. Nhưng nếu bảo khó nhất thì vẫn là khâu viết lời.
Viết bằng tiếng Việt rất khác, cảm giác như là ra một "chất" khác luôn. Tôi cũng không đặt nặng là tiếng Anh sẽ hay hơn, chỉ là thử nghiệm theo dạng chưa có ai đâm đầu vào chủ đề này thì mình cứ làm thôi.
Nhưng mọi người vẫn có thể cảm nhận được câu chuyện của một người Việt trong này đúng không?
Khán giả khen bạn "có màu US-UK"?
Tôi lớn lên cùng nguồn âm nhạc đến từ US-UK. Chính vì thế, chắc chắn sẽ có những sự ảnh hưởng đến cách tôi làm nhạc, tạo melody. Thậm chí, nguồn cảm hứng này ăn sâu vào tư duy của tôi, không thể thay đổi được.
Tôi cũng đang trên chặng đường hoàn thiện để làm sao có thể cảm hóa nhiều khán giả hơn. Đó là mục tiêu mà tôi đề ra.
Vậy bạn có nghĩ mình là một đại diện của lứa GenZ cùng MCK, tlinh,...?
Tôi không phải một người đại diện của lứa GenZ, còn nhiều người khác giỏi hơn. Tôi không nghĩ ra được một cái tên bây giờ, nhưng tôi biết mình chỉ đơn thuần muốn làm nhạc.
Thực ra, những người được kể tên đều là bạn của tôi từ rất lâu rồi. MCK, tlinh…Từ thời chưa có danh tiếng, chưa có tiền. Mọi người đều từ cộng đồng, đã đi từ Hà Nội về TP. HCM.
Tôi cảm thấy vui khi mình được gia nhập vào danh sách đó. Tôi biết ơn, đầu tiên là vì có khán giả nghe nhạc của tôi, và tiếp theo là tôi có xuất hiện trong lòng khán giả.
Tôi chỉ ra nhạc thôi, còn chuyện ai là đại diện, tôi không kiểm soát được. Mọi người muốn nêu tên ai cũng được. Riêng tôi, tôi chưa có gì để ganh đua.
Tôi chỉ ra nhạc thôi. Còn chuyện ai là đại diện GenZ, tôi không kiểm soát được.
Wren Evans
Nhạc Việt
Vì là GenZ nên bạn "ôm" hết, từ hát, rap đến produce?
Tôi chỉ cảm thấy làm như vậy sẽ trọn vẹn nhất đối với tôi. Tôi làm như thế không có nghĩa là Gen Z phải làm như thế. Có những người chỉ cần viết nhạc, có những người chỉ cần hát, có những người chỉ cần làm beat.
Điều làm tôi cảm thấy vui, cảm thấy trọn vẹn trong một sản phẩm là khi được nhúng tay vào tất cả mọi thứ. Trước kia, tôi bắt đầu bằng việc làm nhạc chứ không phải là hát hay rapper.
Khi chuyển sang hát, rap, tôi coi những điều này giống như công cụ để làm nghệ thuật.
Cái tôi trong nghệ thuật của tôi rất cao. Tôi nghĩ rằng: "Đây là Wren, còn đây là beat của tôi, đây là âm nhạc của tôi,…". Tất cả những thứ đó chỉ là công cụ để tạo ra sản phẩm nghệ thuật.
Nhiều người cho rằng Wren là một "nghịch lý". Tức giới chuyên môn đánh giá rất cao, nhưng khán giả đại chúng lại không như vậy?
Đó tiếp tục là một thứ tôi không kiểm soát được. Điều này đến từ tai nghe của mọi người. Nếu mọi người thấy bài nhạc không hay, tôi chỉ biết đón nhận.
Các producer có cảm nhận khác, tôi cũng cảm thấy vui. Tôi xem đây là một sự cân bằng, tìm được sự cân bằng đó luôn tốt hơn là nhắm chỉ vào một bên cán cân.
Tôi không phải lúc nào cũng nghe lời khán giả đang nói gì, tôi nghe nhạc của mình nói gì nhiều hơn.
Tôi không phải lúc nào cũng nghe lời khán giả đang nói gì. Tôi nghe nhạc mình nói nhiều hơn.
Wren Evans
Nhạc Việt
Nhưng thật ra, tôi cũng có để ý một tí, về cách ra sản phẩm hay viết lời chẳng hạn. Tôi thu nhặt những góp ý và cố gắng tinh tế hơn một chút thôi sẽ ổn.
Tôi không áp lực lắm, bài này không "dính" thì bài khác, tôi có nhiều nhạc mà.
Từng nói rằng "Tôi không làm nhạc cho tất cả", giờ Wren còn thấy đúng?
Vẫn đúng một phần. Ở đây, nhìn vào thực tế, tôi chấp nhận nhạc của mình kén người nghe một xíu. Nhưng tôi vẫn quan tâm những người muốn chuyển sang nghe nhạc của mình.
Tôi biết rõ nhạc mình không chạm được hết tất cả mọi người nên tôi nói thế. Đó là gu nhạc của riêng, không thể cưỡng ép được. Có người sẽ thích, cũng có người chẳng bao giờ nghe một nốt nhạc nào.
Wren có thoải mái với việc được/ bị remix nhạc?
Tôi rất muốn mọi người remix nhạc của tôi. Tôi muốn xem cách những người khác nhìn nhận và làm việc với file vocal. Tôi tò mò rằng khi nhận được vocal đó, các bạn sẽ làm beat kiểu gì và remix nó như thế nào.
Đó là một trong những cách để tôi được kết bạn trong giới nghệ thuật này đấy. Tôi coi đây là một sự cộng hưởng. Và đây cũng là một trong những lý do tôi thích làm nhạc, vì tôi được liên kết với những con người yêu âm nhạc khác mà.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng khá khắt khe. Có lần, tôi đi vào tiệm cắt tóc, nghe giọng mình trong Thích Em Hơi Nhiều với nhạc vinahouse, rất là lạ. (cười)
Kiểu remix đó tôi biết phù hợp hơn với khán giả. Tôi làm tròn nhiệm vụ của là ra nhạc thôi. Người ta làm gì thì tôi không quan tâm lắm. Họ remix nhạc của mình không phải vì nhạc mình không hay, mà vì nhạc mình hay nên mới remix chứ.
Họ remix nhạc của tôi vì nhạc tôi hay.
Wren Evans
Nhạc Việt
Còn nhạc tôi chậm là do tôi thích thế! (cười)
Là một hiện tượng nổi lên từ TikTok, Wren có thấy nhạc 15 giây nói lên được thông điệp gì đó?
Nếu ý niệm của người nghệ sĩ là trong đúng 3 phút phải viết hết, thì trong 15 giây đó chưa đủ, chỉ là 1 phần. Nó có thể là hook, nhưng không thể nói lên cả bài hát.
Mọi người muốn hiểu bài hát phải nghe đủ, chứ 15 giây thì ko đủ để hiểu tại sao phải đặt cái đó ở đó. Trước 15 giây đó là gì, sau 15 giây đó ra sao.
Vậy bạn có công thức không?
Tôi làm đơn giản lắm, không cầu kỳ hay theo công thức đâu. Có thể là tôi không làm được như thế luôn.
Những nghệ sĩ khác, họ có insight, có góc nhìn rõ ràng hơn về TikTok thì họ dùng để cải thiện bài nhạc của riêng họ. Làm sao cho phù hợp với nền tảng đó là được.
Còn tôi, tôi chỉ biết làm cho nhạc cho hay, chứ không biết làm sao cho hợp với TikTok.
Định nghĩa nhạc hay của bạn là gì?
Tôi không có, nhưng tôi có định nghĩa về một bài nhạc thành công. Đó là việc mọi người "cảm" được phần lời mà tôi viết ra.
Tôi biết được việc này từ những bình luận, inbox cám ơn sau khi Thích Em Hơi Nhiều ra mắt.
Theo kiểu như: "Cám ơn anh đã viết bài này", "Cám ơn anh đã giúp em vượt qua giai đoạn khó khăn", "Mùa hè này của em gắn liền với bài hát này",...
Bài Cơn Đau cũng vậy, mong là nó giúp tôi bước qua "cơn đau" thì cũng có thể giúp mọi người bước qua "cơn đau". Đó là thành công của một bài nhạc, không cần triệu view này, chục triệu view kia.
"Tôi không phải là ca sĩ, vì tôi chưa học thanh nhạc"
Có người lại gọi bạn là "one hit wonder" đấy?
Nếu có người gọi như thế thì hẳn là người ta đã bàn tán đến tôi. Tôi không buồn vì điều đó bởi tôi vẫn đang có rất nhiều nhạc, chỉ chờ đẩy ra.
Tôi luôn nghĩ rằng mình gặp may khi bài Thích Em Hơi Nhiều được nhiều khán giả yêu thích. Còn nếu không, tôi vẫn làm nhạc thôi. Không cần lúc nào cũng phải là hit-maker.
Chỉ cần mọi người nghe nhạc của tôi và thấy được nhạc tôi có ý nghĩa, thế là được rồi.
"Wren hát tệ quá, không xứng với danh xưng ca sĩ"?
Tùy mọi người, nếu gọi trọn vẹn, tôi nghĩ tôi phù hợp với "nghệ sĩ". Vì tôi chỉ đơn thuần là một người thích làm nghệ thuật thôi.
Tôi cũng không phải ca sĩ, vì tôi chẳng học thanh nhạc. Tôi rất coi trọng chữ "sĩ". Tức là mình phải học tập đàng hoàng, vì thế tôi không thể gọi mình là ca sĩ.
Tôi thì hát bản năng nhiều hơn. Nên việc tôi phải đi học thanh nhạc là bắt buộc, nên đi. Tôi sẽ phải học nhiều thứ hơn. Tôi thích học lắm. Càng học nhiều lại càng có nhiều thứ để sử dụng trong việc làm nhạc mà.
Tôi rất vô tư, nếu mọi người không biết định nghĩa vai trò của tôi cũng không thành vấn đề. Tôi thích mọi người gọi tôi là nghệ sĩ, vì cái tôi làm là làm nghệ thuật. Hát hay rap với tôi chỉ là công cụ để truyền tải.
Tôi cũng không phải ca sĩ, vì tôi chẳng học thanh nhạc.
Wren Evans
Nhạc Việt
Wren Evans có phải là "rich kid" làm nhạc?
Tôi không biết mọi người nghe thông tin đó ở đâu, và tôi cũng chỉ nói 1 lần này thôi. Ví dụ, tôi là rich kid thật, thì việc tôi làm nhạc hay vẫn là nhạc hay thôi.
Thiết bị chỉ đơn thuần là công cụ. Những người đi cùng tôi từ ban đầu sẽ hiểu được chặng đường lúc đó khó ra sao. Tôi và bố từng phải nỗ lực để gom góp tiền mua thiết bị.
Tôi từng làm nhạc với 1 con iPhone 6 vỡ nát, một cái laptop chứa đầy phần mềm không bản quyền và thậm chí còn không có cả tai nghe cơ.
Những thứ tôi có bây giờ hoàn toàn đến từ những hợp đồng, những dự án. Lúc tôi làm việc khổ sở không ai thấy, lúc bắt đầu nổi lên thì bảo là do tôi có tiền, có thiết bị. Tôi thấy tư duy đó khá "hater".
Các bạn nghĩ có điều kiện là thứ quyết định âm nhạc thì rất sai. Nhiều người giàu làm nhạc cũng đâu có viral?
Các bạn nghĩ có điều kiện là thứ quyết định âm nhạc thì rất sai. Nhiều người giàu làm nhạc cũng đâu có viral?
Wren Evans
Nhạc Việt
Vậy có bao giờ Wren Evans không vui với âm nhạc?
Chưa bao giờ làm nhạc mà tôi không vui, trừ khi làm nhạc quảng cáo. Làm nhạc quảng cáo thì bị hạn chế bởi nhiều nguyên tắc, lúc đó thì tôi không vui hẳn 100% vì đó không phải nhạc của mình.
Có rất nhiều thứ tôi phải cân đo đong đếm cho một bản nhạc quảng cáo. Tôi phải làm hài lòng rất nhiều người, thứ nhất là bản thân, thứ hai là tệp khán giả của mình, thứ ba là nhãn hàng.
Câu chuyện đó là cực kỳ khó, khoảng thời gian đó không thể vui vẻ. Có nhiều nhãn hàng đến và tin tưởng tôi 100% thì tôi rất vui vẻ làm.
Còn có những khi, họ đến và chỉ muốn tôi ở vị trí thợ làm nhạc, và họ sẽ chuyển bài nhạc đó thành nhạc của họ. Ức chế thì chắc chắn có. Không những họ ức chế mà tôi cũng vậy.
Nhưng đó cũng là cách rèn luyện cho bản thân tôi rằng có nhiều luồng ý kiến. Tôi cần phải biết được cái nào đúng và cái nào sai. Đây là mình là sản phẩm collab mà, không phải chỉ riêng mình.
Vậy năm nay Wren còn dự định nào khác?
Tôi sắp ra nhiều, thậm chí rất nhiều nhạc. Chắc khoảng 10 bài, hoặc hơn thế nữa. Tôi chỉ có nhạc thôi. Năm 2018, tôi còn ra hẳn 3 album kia mà.
Bây giờ thì cách làm cũng khác đi một chút, nhưng tiến độ thì vẫn vậy. Từ xưa, tôi đã làm nhanh và làm rất nhiều, ra cũng nhiều. 2 năm vừa rồi tôi ra rất ít đấy. Và bây giờ, tôi đã quay lại và sẽ ra nhiều nhạc như ngày trước.
Cám ơn Wren Evans vì buổi phỏng vấn!
Wren Evans tên thật là Lê Phan, là một ca sĩ Gen Z sinh năm 2001 tại Hà Nội. Sở hữu vẻ ngoài điển trai, cá tính mỗi khi Wren Evans xuất hiện đều thu hút mọi ánh nhìn của người xung quanh. Dù chỉ mới 20 tuổi, ngoài là Wren Evans còn là một nhà sản xuất âm nhạc tài năng được đánh giá cao.