Trong sự việc cô gái bị chủ shop hành hung thì dường như tình thương người của dư luận đang khiến sai lầm của con người bị mờ dần đi.
Không thể phủ nhận hành vi của chủ shop khi xem thường pháp luật và đạo đức con người, nhưng chúng ta phải nhìn nhận một thực tế lỗi sai lại bắt nguồn từ hành vi có phần nông cạn của người trẻ. Sau sự việc xảy ra, dư luận hầu như chỉ còn tập trung và lên án cho hành vi sai trái của chủ shop, thậm chí còn đi xa hơn nữa trong vấn đề "từ thiện" đến nữ sinh sai phạm chỉ vì thương cảm.
Có phải lỗi sai đang thật sự được bao biện chỉ vì hoàn cảnh? Từ bao giờ mà hành vi lệch lạc lại được đồng cảm? Hàng loạt những câu hỏi tranh cãi diễn ra trên khắp các trang mạng xã hội. Từ những sự việc trên, con người cần phải nhận thức đúng về những hành động của mình, đôi khi đó đơn giản chỉ đến từ tình người nhưng sẽ để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.
Nội dung liên quan
Sự hỗ trợ từ mạnh thường quân, "quay xe" bảo vệ cho lỗi sai?
Không chỉ lên án mạnh mẽ trước hành động có phần thiếu tình người của chủ shop thì không ít những mạnh thường quân, trong đó cái cái tên hot nhất nhì mạng xã hội – Huấn Hoa Hồng đứng ra hỗ trợ tiền cho gia đình nữ sinh. Điều này đã và đang tạo nên những cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xã hội khi thực tế trong sự việc thì chủ shop không phải những cá nhân duy nhất sai phạm.
Không có gì đáng để bênh vực cho hành vi của chủ shop nhưng đây không phải cớ để chúng ta có thể quên rằng nữ sinh cũng là người sai phạm khi đã trộm cắp đồ. Lấy điển hình từ những lời nói có phần cay độc của chủ shop để thấy rằng chúng cũng có thể giết chết một con người trong đau khổ, nhưng đôi khi chỉ một sự đồng cảm và lời an ủi cũng khiến họ quên đi những sai lầm của mình.
Đám đông dư luận đang dần bảo vệ cho lỗi sai của cô gái, đúng là trong cuộc sống ai cũng có sai lầm nhưng chúng ta cần phải thừa nhận chúng, thậm chí còn phải chấp nhận trả giá cho mọi hành vi của mình. Chỉ khi như vậy mỗi người mới tự nhận thức được những suy nghĩ đúng đắn và hướng bản thân đến sự hoàn thiện cả về nhân cách và hành động trong cuộc sống.
Mọi chuyện cũng đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra và xem xét, thì trước hành vi trộm cắp chúng ta vẫn cần có những hình thức răn đe và giáo dục lại. Ở đây, không phải là lên án mạnh mẽ cho việc làm sai trái của cô gái trẻ, mà là dạy dỗ để em nhận thức được hành động sai trái của mình và có những cách sửa chữa sai lầm thay vì dùng hoàn cảnh để che lấp đi lỗi sai.
Bàn cân giữa sự công bằng và thương hại cho hành vi sai trái
Với độ tuổi đó thì nhiều người vẫn chưa thể có được nhận thức sâu xa về hành động của mình nên rất cần có sự giáo dục từ chính gia đình và nhà trường. Đây chính là cái nôi sản sinh nhân cách của mỗi một cá nhân. Nếu cứ cho rằng những đau khổ của gia đình và hoàn cảnh là nguyên nhân cho tất cả mọi lỗi lầm là hoàn toàn sai khi chúng ta vẫn có đủ tư duy để phân biệt giữa đúng và sai.
"Nhân chi sơ – tính bổn thiện" rầm rộ khắp mạng xã hội như cách để bao biện và dùng hoàn cảnh làm lá chắn để núp sau là những hành vi sai trái. Ở một khía cạnh nào đó, câu nói lại đang đúng khi bản tính con người vốn lương thiện nhưng biết đâu chính vì sự thương hại của dư luận lại sẽ "tiếp tay" cho cái xấu có điều kiện được hình thành.
Hoàn cảnh không thể nào quyết định được cuộc sống mỗi cá nhân, quan trọng vẫn là cách con người phấn đấu vươn lên, càng không phải lý do để chúng ta có quyền được trộm cắp hay có những hành động không thể chấp nhận được. Dư luận cần nhìn nhận công tâm trong vấn đề này, để bàn cân của sai lầm và sự công bằng về lỗi sai được nhìn nhận đúng với thực tế của riêng nó.
Đừng chỉ vì những sự tiếp nhận nhất thời hay cảm xúc mạnh mẽ ngay một thời điểm mà mang đến những hệ lụy lâu dài cho cả một thế hệ trẻ. Bất kỳ một ai làm sai cũng cần có trách nhiệm gánh lấy hậu quả của riêng mình, nhưng vẫn cần nằm trong những giới hạn của khuôn khổ pháp luật và đạo đức, thay vì những cách ứng xử thiếu văn minh như chủ shop đã từng.
Bất bình, đồng cảm, lên án… và chúng ta cần dừng tại đây!
Mọi việc cần có những giới hạn của riêng nó, ngay thời điểm này để xoa dịu dư luận chắc chắn là điều không thể nhưng phần còn lại hãy để pháp luật, nhà trường và gia đình đứng ra giải quyết. Chúng ta đừng tự trao cho mình quyền được làm "tòa án" phán xét để rồi chính sự đồng cảm lại biến tướng trở thành một hành vi sai trái.
Bên cạnh đó, cũng nên nhìn nhận tích cực để thấy rằng mỗi con người đều có lỗi sai, quan trọng vẫn là cách họ tiếp nhận và thay đổi. Tất nhiên, ai cũng sẽ trả giá cho những hành động nông nổi của mình nên đừng vì sai lầm của một ai đó để mang những cá nhân không liên quan đến sự việc vào câu chuyện để không ngừng lên án.
Bất kể một lời nói hay hành động nào của chúng ta trong những giai đoạn nhạy cảm cũng đều là con dao hai lưỡi nên cần cẩn trọng trong tất cả. Tình người vẫn cần được duy trì vì nó chính là liều thuốc hiệu quả nhất để chữa lành mọi tổn thương bên trong con người, nên đừng vì bất kể lý do gì mà khiến điều này mất đi.
Văn minh trong cách ứng xử hằng ngày và phân định rõ ràng trong các sự việc sẽ là bài học cần được con người rút ra sau sự việc đau lòng này. Hãy cứ tiếp tục trao đi sự yêu thương để nhận lại những giá trị tích cực, lên án và xử lý nghiêm minh những hành vi sai trái, mang đến những cơ hội sửa chữa cho họ để cùng hưởng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn: TH&PL