Sẽ thế nào khi định kiến giới lại bị "nêu cao" trong trường học?
Những ngày qua, trên mạng xã hội bắt đầu xôn xao về một sự việc "cũ" mà "mới" về câu chuyện đồng phục cho học sinh. Câu chuyện đã cũ, bởi lẽ vấn đề này đã từng được làm "nóng" lên khi vào năm 2020 có đề xuất cho nam sinh mặc áo dài đến trường nhưng đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều và làm dấy lên những định kiến về bất bình đẳng giới.
Còn câu chuyện mới, bởi lẽ lần đầu tiên có một ngôi trường THPT "ép" học sinh nữ phải mặc đến 3 bộ đồng phục khác nhau trong một tuần theo "thời khoá biểu đồng phục" mà trường đặt ra. Điều này dấy lên nhiều tranh cãi trong cộng đồng học sinh lẫn phụ huynh. Và câu chuyện bất bình đẳng giới tiếp tục được đưa ra phiên toà xét xử với nhiều ý kiến khác nhau.
1. Học sinh của THPT Bùi Thị Xuân đang gặp phải vấn đề gì?
Vào ngày 08/11/2021, trang Fanpage chính thức của trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) đã đăng tải thông báo về quy định đồng phục mới cho năm học 2021 -2022. Theo đó, nữ sinh khối 10 sẽ cần mua đồng phục mới với số lượng "vô lí" và luân phiên thay đổi theo ngày với thời khoá biểu như sau:
- Các ngày thứ Hai: áo dài (do mỗi nữ sinh tự may và chuẩn bị)
- Các ngày thứ Ba và Năm: áo trắng mặc cùng váy
- Các ngày thứ Tư và Sáu: áo trắng mặc với quần tây
Như vậy, nữ sinh khối 10 sẽ phải mua đủ 4 loại đồng phục khác nhau bao gồm: áo dài, đồng phục váy, đồng phục quần tây và đồng phục thể dục. Trong khi đó, nam sinh chỉ cần một kiểu đồng phục áo trắng và quần tây xuyên suốt các ngày trong tuần (không tính cả đồ thể dục bắt buộc).
Đáng chú ý hơn, tổng chi phí cho những bộ đồng phục mà học sinh nữ phải mua lên đến gần 3 triệu trong khi học sinh nam chỉ phải mua 01 bộ đồng phục với giá 750.000 VND. Ngay sau khi ra quyết định này, trên trang Facebook của nhà trường đã công bố một bài đăng thông báo đến học sinh, nhưng đã gỡ vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Đồng phục mà lên tới tiền triệu thì làm sao chúng em và gia đình xoay xở nổi, dịch bệnh khó khăn thế này nữa, mong nhà trường xem xét lại!
Tính đến thời điểm hiện tại, trường THPT Bùi Thị Xuân vẫn chưa thay đổi quyết định.
2. Đồng phục là để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nhưng lại đang tạo ra bất bình đẳng giới?
Cứ là con gái thì phải "điệu"?
Theo nhiều nguồn tin cho biết, khi nhà trường đưa ra thông báo về sự thay đổi đồng phục với hàm ý để cho các bạn nữ sinh có nhiều sự lựa chọn hơn để làm đẹp, nhưng việc đặt ra "thời khoá biểu đồng phục" đã khiến sự tự do lựa chọn trở thành một trách nhiệm phải làm và áp đặt lên các bạn nữ.
Đầu tiên, chúng ta cần quay lại mục đích sử dụng "đồng phục" trong trường học. Đồng phục không chỉ giúp học sinh có trang phục gọn gàng, tạo nên sự nền nếp, thân thiện, lành mạnh nơi học đường mà còn giúp các em tự tin, hòa đồng, tránh tình trạng đua đòi, phân biệt giàu, nghèo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, sự chệch lệch về phí mua trang phục ở trường THPT Bùi Thị Xuân vừa không tạo được mục đích rút ngắn khoảng cách giàu nghèo mà còn làm tăng sự bất bình đẳng giới trong học đường.
Cụ thể, các bạn nữ phải mặc áo dài với trách nhiệm gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc vào mỗi thứ 2 đầu tuần. Kế đến, các bạn phải mặc váy để được làm điệu. Sau đó, các bạn còn phải mặc quần đồng phục để tạo sự đồng bộ và "bình đẳng" cùng các bạn học sinh nam. Còn bạn nam chỉ cần một bộ đồng phục duy nhất. Điều đó gây nên một định kiến về giới đã hằn sâu từ rất lâu trong môi trường học đường.
Còn nhớ, vào thời điểm cuối năm ngoái, đề xuất của nữ nghệ sĩ Kim Xuân về việc nên cho nam sinh mặc áo dài đến trường đã gây nên một làn sóng tranh cãi từ cộng đồng mạng. Phần lớn mọi người cho rằng nếu nam mặc áo dài đến trường sẽ gây ra tốn kém cho phụ huynh, hoặc các bạn nam sẽ khó vận động,...vậy câu hỏi đặt ra là phụ huynh các bạn nữ thì phải chấp nhận chịu tốn kém? Hay là con gái thì không cần vận động?
Và cũng ít ai hỏi rằng: Tại sao trách nhiệm gữ gìn trang phục dân tộc chỉ dành cho nữ sinh mà không đá động đến nam sinh? Trong khi đó, may một chiếc áo dài sẽ tốn kém rất nhiều nhưng lại chẳng được nhà trường hay bất kì tổ chức nào hỗ trợ khoản phí ấy. Đó gọi là "thuế đàn bà" mà PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã nhắc đến trong một bài viết của mình.
Vấn đề này được gọi là Pink tax - thuế đàn bà - tức khoản tiền mà phụ nữ phải trả cao hơn cho những sản phẩm chỉ bởi vì họ là phụ nữ. Ví dụ dầu gội đầu chất lượng tương tự như nhau, đóng vào mẫu mã khác nhau và marketing là sản phẩm dành cho phụ nữ sẽ có giá cao hơn 13-48% so với sản phẩm của nam giới.
Nội dung liên quan
3. Định kiến giới - chỉ có thể giảm bớt chứ không thể xoá bỏ!
Chuyện nữ sinh phải mặc 3 đồng phục trong một tuần của trường THPT Bùi Thị Xuân chỉ là một trong những vấn đề định kiến giới "rất nhỏ" so với hằng hà sa số những định kiến giới còn tồn tại ở thế kỉ này.
Người ta nói, đây là một cuộc chiến dài hơi cần rất nhiều sự chung sức của tất cả thế hệ và mọi lĩnh vực của đời sống. Sẽ là chuyện hoang đường để loại bỏ định kiến giới nhưng "giảm bớt" là chuyện chúng ta có thể làm. Đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển thì sự công bằng luôn là kim chỉ nam để đảm bảo quyền con người.
Tuy vậy, chuyện đấu tranh cho bình đẳng giới chưa từng là câu chuyện chỉ riêng nữ giới, hay nữ giới đang chịu đựng quá nhiều sự bất công và cần giảm bớt để cân bằng lại với nam. Ngay cả nam giới vẫn có rất nhiều những "bất công ngầm" ít được khai quật để đấu tranh.
Như chính câu chuyện 3 đồng phục dành cho nữ sinh của trường THPT Bùi Thị Xuân, nếu nhà trường lấy lý do rằng nữ sinh có quyền lựa chọn và làm đẹp với những loại đồng phục đa dạng, vậy chăng nam sinh đã bị tước đi quyền lựa chọn và làm đẹp khi có duy nhất 1 bộ đồng phục để đến trường?
Mặt khác, trong những nội quy học đường cũng tồn tại nhiều sự hà khắc dành cho nam giới, khi họ không được để tóc dài quá mang tai, không được để móng tay dài, cơ thể của mình nhưng mình không được quyết định?
Đó là chúng ta chưa bàn đến những bạn thuộc cộng đồng LGBT, đặc biệt là những bạn nữ tomboy (là nữ nhưng tâm hồn là nam giới) khi đồng phục luôn là một cản trở rất lớn cho các bạn ấy trong niềm băn khoăn: nên mặc váy hay mặc quần khi đến trường? Thậm chí có những bạn LGBT phải chọn trường dựa trên đồng phục của ngôi trường đó có phù hợp với mình không thay vì sự yêu thích hay chất lượng đào tạo.
Em là một tomboy, em quyết tâm đậu vào Bùi Thị Xuân vì đồng phục nữ trước đây mặc quần tây chứ không phải váy. Bây giờ trường thay đổi đồng phục thế này, em cũng không biết sao, tự dưng không muốn đi học nữa.
Định kiến về giới luôn tồn tại, vì căn bản nam và nữ luôn khác nhau từ cấu tạo cơ thể, tâm lý, khả năng... Chúng ta chỉ có thể chung tay giảm định kiến hết mức có thể, chứ không thể đưa nó về 0. Nhưng xin đừng làm tăng định kiến giới bằng những quy luật thế này, đặc biệt là trong môi trường học đường.
Nguồn: TH&PL