Phong cách này tuy đẹp mắt nhưng nhận không ít phản ứng tiêu cực khi du nhập vào ngành giải trí Việt Nam.
Nền âm nhạc Việt những ngày gần qua dường như sôi động hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của đa dạng các sản phẩm mới. Trong đó, MV Thú Vị Hơn Vậy của Trọng Hiếu và MV Sashimi của Chi Pu đóng vai trò như những mảnh ghép mới lạ, thu hút sự quan tâm của phần đông khán giả.
Nội dung liên quan
Không chỉ với tư duy âm nhạc "khác biệt", hai sản phẩm được chú ý đặc biệt vì lồng ghép hơi thở truyện tranh Nhật Bản vào trong phong cách thời trang. Điều này cho thấy sự phát triển và sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ như Trọng Hiếu, Chi Pu. Song, việc kết hợp phong cách thời trang của các nhân vật truyện tranh "xứ hoa anh đào" vào MV khiến bộ đôi nghệ sĩ nhận phải nhiều phản hồi trái chiều từ khán giả.
Nội dung liên quan
Ở MV Thú Vị Hơn Vậy, khán giả lần đầu tiên chiêm ngưỡng hình ảnh Trọng Hiếu "phi giới tính" trong những bộ trang phục lạ mắt, khác biệt với hình tượng nam tính trước đó. Phong cách thời trang trong MV được lấy cảm hứng từ nhân vật hư cấu Giorno Giovanna tác phẩm truyện tranh Nhật Bản - JoJo's Bizarre Adventure: Golden Wind.
Trọng Hiếu lựa chọn những thiết kế mang màu sắc unisex với áo khoác da phom crop top kèm theo phần điểm nhấn khoét ngực hình trái tim đặc trưng của bản gốc. Tuy nhiên, MV Thú Vị Hơn Vậy không chỉ bị đánh giá thấp về âm nhạc, mà ngay cả phong cách thời trang, Trọng Hiếu cũng nhận phải chỉ trích. Mặc dù đã lên tiếng giải thích về cảm hứng trang phục, nam ca sĩ vẫn bị cuốn vào tâm điểm bàn luận về thuần phong mỹ tục.
Còn về Chi Pu, giọng ca Anh Ơi Ở Lại vừa cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới kết hợp cùng nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền mang tên Sashimi. Vừa tung poster ra mắt, MV Sashimi đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi tạo hình của Chi Pu mang nhiều nét tương đồng với nữ chính Usagi trong bộ truyện tranh Nhật Bản Thủy thủ mặt trăng (Sailor Moon).
Chi Pu để tóc dài cột cao hai bên, váy ngắn xếp li với nơ bản to trước ngực, boot cao cổ cùng găng tay dài,... Tuy nhiên, phần trang phục của cô được thiết kế lại với chất liệu da bóng và cắt xẻ táo bạo ở thân trước, khác với bản gốc thủy thủ trẻ trung, hồn nhiên. Từ lời hát bị chỉ trích là gợi dục cho đến phong cách thời trang biến tấu quá đà, MV Sashimi của Chi Pu lập tức nhận nhiều bình luận tiêu cực trên các diễn đàn mạng xã hội.
Được xem là những nghệ sĩ trẻ tiên phong trong việc lồng ghép văn hóa Nhật Bản vào sản phẩm âm nhạc, Trọng Hiếu và Chi Pu lại đều bị chỉ trích về phong cách thời trang "chưa thuận mắt" và có phần phản cảm. Ngược với các MV mang màu sắc manga, các sản phẩm được lồng ghép văn hóa Việt Nam về mặt thời trang như của Bùi Lan Hương hay Hoàng Thùy Linh lại nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Ví dụ điển hình như trang phục hầu đồng trong MV Tứ Phủ, Hoàng Thùy Linh vẫn có thể trở nên khác biệt nhưng không phản cảm nhờ cách biến tấu tinh tế. Hay về Bùi Lan Hương, cô vẫn giữ nét đặc trưng của áo choàng lông ngỗng Mị Nương và sử dụng để che đi phần áo cúp ngực trong MV Mặt Trăng.
Không phải lý do "sân nhà" nên các MV lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam lại phát triển, những bộ trang phục của Bùi Lan Hương lẫn Hoàng Thùy Linh được nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư chỉn chu. Mặt khác, một số các trang phục hơi hướng truyền thống vẫn bị chỉ trích bởi truyền bá sai lệch, điển hình như MV Hoa Không Hương của Văn Mai Hương và K-ICM.
Do đó, lý do chính mà phong cách thời trang truyện tranh Nhật Bản của Trọng Hiếu hay Chi Pu nhận nhiều chỉ trích chủ yếu đến từ việc thể hiện sai lệch bản gốc và thiếu phù hợp với thị trường. Trường hợp của Trọng Hiếu, anh lấy gần hết nét đặc trưng của Giorno Giovanna nhưng lại biến tấu chiếc áo khoác thành phom crop top. Mặt khác, hoàn cảnh "người bán báo" trong MV Thú Vị Hơn Vậy không phù hợp với hình tượng một gã giang hồ Nhật Bản.
Ngoài ra, việc biến tấu trang phục của Chi Pu đã xuyên tạc hình ảnh dễ thương và hồn nhiên của nhân vật Usagi trong tập truyện Thủy thủ mặt trăng. Công bằng mà nói, bộ trang phục của Chi Pu trong MV Sashimi sẽ không có vấn đề nếu không lấy cảm hứng từ truyện tranh Nhật Bản cũng như không đi chung với lời nhạc mang tính gợi dục, phản cảm.
Song, các nghệ sĩ như Chi Pu và Trọng Hiếu cần tiết chế và cân đo đong đếm mức độ phù hợp khi đưa những văn hóa nước ngoài mang tính biểu tượng (như văn hóa truyện tranh Nhật Bản) vào Việt Nam để phù hợp với thị hiếu công chúng. Một trường hợp điển hình đại diện cho văn hóa nước ngoài được tiết chế khi du nhập vào Việt Nam đó là bộ môn drag queen. Gia Kỳ - drag queen đầu tiên tại Việt Nam từng chia sẻ: "Tôi đã phải tiết chế lại hình ảnh drag queen tại Việt Nam để phù hợp với người Việt, tránh trường hợp 'sốc văn hóa' ".
Thời trang truyện tranh Nhật Bản cũng không ngoại lệ, cần phải được nghiên cứu và trải qua nhiều thử nghiệm để có thể phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt, trong các sản phẩm giải trí.