Đã đến lúc cần mọi người thực sự nhìn vào mặt trái của những lễ hội âm nhạc.
Lễ hội âm nhạc là nơi nhận được sự "săn đón" cuồng nhiệt từ những người yêu thích âm nhạc và đam mê tận hưởng không khí náo nhiệt, đông đúc.
Tuy nhiên, sau những phút giây "quẩy hết mình", thư giãn đầu óc và cơ thể là những sự thật mà nhiều người né tránh: rác thải, sự lạm dụng và thậm chí là cả người chết.
Rác thải
Rác là một thành phần không thể thiếu trong một lễ hội âm nhạc. Vì số lượng người tham gia rất đông nên tỷ lệ rác thải sau mỗi chương trình cũng tăng theo cấp số nhân.
Theo một báo cáo tác động môi trường đối với Lễ hội Âm nhạc và Nghệ thuật Coachella và các lễ hội khác được tổ chức trên địa bàn thành phố Indio bởi công ty tổ chức sự kiện Goldenvoice, những sự kiện này tạo ra khoảng 1.612 tấn chất thải rắn hàng năm, tương đương khoảng 107 tấn mỗi ngày lễ hội. Chỉ 20 phần trăm số chất thải đó được tái chế.
Đây không phải là một thông tin mới mẻ. Dogan Gursoy, tác giả cuốn sách "Festival and Event Tourism Impacts" (tạm dịch: Tác động của du lịch sự kiện và lễ hội) nghiên cứu cách các sự kiện lớn ảnh hưởng đến cộng đồng tổ chức và môi trường, cho biết 70~80% chất thải từ các lễ hội không được phân loại để tái chế.
Ngay cả khi có một vài chương trình được đưa ra để cố gắng xử lý vấn đề rác thải này thì vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề với rác thừa bị bỏ lại do tâm lý "bỏ tất cả mọi thứ" của một số người khi đi lễ hội.
Ông Dogan Gursoy nói thêm rằng: "Nhiều công ty chỉ 'quảng cáo xanh' (greenwashing), đánh bóng thương hiệu hoặc chỉ nói ngoài miệng hay tập trung vào các hoạt động có thể giúp tạo ra nhiều doanh thu hơn".
Với lượng tiêu thụ đồ ăn, đồ uống ở các lễ hội và lượng rác thải bị bỏ lại ngày một lớn, các lễ hội cần tập trung vào các nỗ lực bền vững, bảo vệ môi trường và lành mạnh nhiều hơn nữa thay vì chỉ chú trọng vào lợi nhuận. Mục tiêu cuối cùng nên là không phát thải carbon. Vì tất cả những rác thải đó thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khắc nghiệt.
Sự lạm dụng thuốc và tình dục
Lễ hội âm nhạc là một không gian vui vẻ nhưng đối với một số người, nó lại có thể mang lại trải nghiệm tồi tệ đến đáng sợ khi ở chính không gian được tạo ra với mục đích mọi người đều có thể thư giãn này lại xuất hiện cả các hiện tượng sử dụng thuốc cấm, bạo lực và quấy rối tình dục.
Cuộc khảo sát do Viện Hàn lâm Anh Quốc tài trợ đã định nghĩa quấy rối tình dục là bất kỳ hành vi có tính chất tình dục không mong muốn nào mà bạn thấy hoặc khiến bạn cảm thấy đau khổ, bị đe dọa hoặc bị sỉ nhục.
Những hành vi này có thể bao gồm những nhận xét hoặc cử chỉ có tính khiêu dâm, cơ thể của bạn bị người khác nhìn chằm chằm hoặc bị nhìn một cách gợi tình, hoặc bị kéo vào các trò đùa dựa trên những câu chuyện về tình dục hay bất kỳ hành vi quấy rối nào khác bằng các hình thức tiếp xúc không được mô tả ở trên.
Một cuộc thăm dò của YouGov vào năm 2018 cho thấy cứ ba phụ nữ ở mọi lứa tuổi thì một người đã trải qua một số loại hành vi tình dục không mong muốn tại một lễ hội. Những hành vi này có thể xuất phát từ chủ ý hoặc cũng có thể bị "thúc đẩy" bởi các loại chất kích thích.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là một vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục được báo cáo tại Bravalla, lễ hội âm nhạc lớn nhất Thụy Điển, vào năm 2016 và 2017, khiến lễ hội bị hủy bỏ cho đến khi nam giới có thể học cách "cư xử" đúng mực.
Thậm chí là... người chết
Gần đây, sự việc của Lễ hội âm nhạc Astroworld được tổ chức ở thành phố Houston, bang Texas (Mỹ) đã không khỏi khiến cả người tham gia lẫn người ngoài cuộc từ sốc đến hốt hoảng và sợ hãi.
10 nạn nhân đã thiệt mạng trong và sau lễ hội. Nguyên nhân là vì đám đông quá phấn khích, dồn dập, người này đè lên người kia để đổ về phía trước, đến gần nghệ sĩ hơn.
Từ một lễ hội để giải trí, Astroworld đã trở thành một thảm họa chết chóc. Ban tổ chức và nghệ sĩ biểu diễn Travis Scott bị lên án kịch liệt và đang phải đối mặt với hàng trăm đơn kiện với số tiền bồi thường khổng lồ lên đến 2 tỷ USD.
Sự việc này đặt ra rất nhiều vấn đề và mặt trái của một lễ hội âm nhạc. Khi ban tổ chức chỉ tập trung đến lợi nhuận, mở bán quá nhiều vé nhưng hệ thống an ninh lại lỏng lẻo, không đảm bảo an toàn. Hay việc ca sĩ biểu diễn quá phấn khích, "kích thích" đám đông thực hiện những hành động ngoài tầm kiểm soát gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Có thể thấy, một lễ hội âm nhạc có quy mô lớn nên được xem xét tổ chức một cách nghiêm ngặt hơn. Các đơn vị tổ chức nên cân nhắc nhiều đến những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu và cả tính mạng khán giả. Việc tổ chức hời hợt, qua loa hay không đảm bảo an ninh, an toàn là việc làm đáng lên án.
Nguồn: TH&PL