Câu chuyện truyền thông, quảng bá cho sản phẩm âm nhạc hiện đang nhận được sự bàn tán nhiều chiều trên mạng xã hội.
Dòng trạng thái Trịnh Thăng Bình bức xúc vì người anh tin tưởng cho vị trí truyền thông số của MV Chuyện Chúng Ta cầm tiền rồi biến mất hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng.
Nam ca sĩ không chỉ bức xúc trước động thái "ôm tiền bỏ chạy" của người chịu trách nhiệm nội dung số mà còn nhấn mạnh đặc biệt về vai trò của việc truyền thông khi nghệ sĩ ra mắt một sản phẩm âm nhạc:
Nội dung liên quan
"Đến hết ngày ra mắt đầu tiên, mọi người mới phát hiện ra bạn đã không thực hiện những danh mục trong kế hoạch chạy truyền thông mà 2 bên đã thống nhất trước đó và hoàn toàn mất liên lạc...
Sản phẩm của mình gần như không có 1 động thái quảng bá truyền thông trên social nào trong ngày đầu tiên ra mắt. Mà đối với 1 sản phẩm thì 24 giờ đầu tiên ra mắt là thời điểm quan trọng nhất trong chiến dịch quảng bá".
Từ đây, không ít khán giả lẫn người trong nghề đặt ra câu hỏi truyền thông cho sản phẩm giải trí nói chung, âm nhạc nói riêng có thực sự quan trọng, và không quảng bá như vậy thì liệu MV có trở thành "bom xịt"?
Truyền thông có thực sự cần thiết cho một sản phẩm âm nhạc?
Có thể nói, thành công của một MV mainstream hiện nay không chỉ đến từ việc bản thân bài hát có hay hay hợp với thị hiếu người nghe không, phần hình ảnh được đầu tư "xịn xò" thế nào mà còn nằm ở chiến lược truyền thông quảng bá trên nhiều hình thức đa phương tiện khác nhau.
Ngoài những MV được đầu tư lớn, bài bản toàn diện thì cũng có những MV kinh phí thấp nhưng nhờ truyền thông mà "tỏa sáng", trở thành hit quốc dân.
Nghệ sĩ Vpop ở thời điểm hiện tại gần như tập trung quảng bá sản phẩm âm nhạc bằng hai cách truyền thông chính: báo chí (PR – public relationship) và mạng xã hội (Social).
Nếu báo chí cung cấp thông tin gián tiếp tới người đọc, bao gồm: nội dung MV, câu chuyện hậu trường, cảm xúc nghệ sĩ,… thì truyền thông số là cách đẩy sản phẩm âm nhạc trực tiếp tiếp cận khán giả trên toàn mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok,…
Một sản phẩm âm nhạc sẽ có những giai đoạn truyền thông cơ bản là trước – trong 24h đầu – sau MV. Trước khi ra MV, nghệ sĩ và ekip sẽ tung những bài đăng ẩn ý (hint), gây tò mò bằng poster, teaser audio, trailer, hình ảnh hậu trường,… tạo nên những cuộc thảo luận trên các nền tảng truyền thông. Với những thông tin ngắn được "rải" trên báo chí lẫn mạng xã hội, khán giả sẽ tăng tính tò mò và chờ đợi tới khi sản phẩm âm nhạc chính thức được ra mắt.
Cũng giống như Trịnh Thăng Bình chia sẻ - "đối với 1 sản phẩm thì 24 giờ đầu tiên ra mắt là thời điểm quan trọng nhất trong chiến dịch quảng bá", đây được xem là thời điểm vàng tạo nên những cuộc thảo luận giúp MV phủ sóng trên MXH.
Cụ thể, ở 24h giờ đầu tiên, MV chỉ vừa được công chiếu, còn "nóng sốt", việc làm truyền thông có thể ảnh hưởng đến quyết định xem của khán giả mạnh mẽ nhất thông qua các hoạt động tương tác, bóc tách thông tin trên các nền tảng xã hội.
Nhiều cuộc thảo luận về chung một chủ đề (ở đây là thông tin của MV) sẽ khiến đông đảo khán giả tò mò, dễ dàng tìm nghe bài hát, từ đó, đẩy bài hát lên những vị trí cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc hay Top Trending Youtube. Đây cũng chính là công cụ đo lường dễ nhất giúp nghệ sĩ dễ dàng xác định được sản phẩm âm nhạc của mình có thành công hay được khán giả đón nhận hay không.
Một ví dụ gần nhất cho việc truyền thông chiếm tỉ lệ cao giúp MV đến gần hơn với khán giả chính là Sau Lưng Anh Có Ai Kìa của Thiều Bảo Trâm. Bởi trước khi ra mắt chính thức vào ngày 11/4, nữ ca sĩ đã liên tục tung ra những "hint" dồn dập như video teaser, 3 poster teaser, audio teaser,…
Những thông tin về MV, chi tiết có vẻ liên quan tới cuộc tình với Sơn Tùng M-TP gần như dồn dập, gây bàn tán tên báo chí cũng như mạng xã hội trong suốt một tuần lễ.
Điều này khiến khán giả vô cùng tò mò, "click" ngay khi MV vừa lên sóng để theo dõi sự trở lại của Thiều Bảo Trâm về âm nhạc cũng như hình ảnh, liệu có thực sự "khịa" tình cũ như đồn đoán. Không ngoài dự kiến, MV sau 24 giờ ra mắt cũng sở hữu hơn 1,4 triệu view, đạt top 2 Trending Youtube và top 1 các BXH âm nhạc.
Hay nhắc lại trường hợp cách đây hơn 2 năm của Nam Em, nếu không có những chiến lược truyền thông cầu kỳ như tự nhận là "Miss thất tình", mang bánh và hoa tới cửa nhà Trường Giang chúc mừng sinh nhật nam diễn viên và cho người treo poster quảng bá MV mới xung quanh khu vực quán ăn của nam danh hài, mặc lại váy Nhã Phương,… nhằm gây chú ý khi ra mắt MV Xa Anh Là Tốt Nhất thì có thể không ai biết cô từng ra mắt sản phẩm âm nhạc như vậy.
Ngoài là bước tiền đề thì truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ lại độ hot của một sản phẩm âm nhạc sau khi ra mắt.
Những thông tin hậu trường thú vị, những clip chia sẻ thêm, hát hay nhảy cover,… thời điểm này sẽ liên tục được đẩy giúp nghệ sĩ "giữ chân" khán giả. Bởi một sản phẩm dù có phổ biến đến đâu nhưng nếu không được xuất hiện nhiều lần trước người xem thì cũng sẽ dần chìm vào quên lãng hay bị sản phẩm mới khác lấn át.
Không có truyền thông, MV liệu có "flop"?
Truyền thông đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất tạo nên thành công hay quyết định về sự thành – bại của một MV.
Nội dung liên quan
Lấy ví dụ chính từ MV Chuyện Chúng Ta của Trịnh Thăng Bình, dù vắng bóng yếu tố truyền thông số vì người quản lý bất ngờ biến mất hay tạm dừng chiến dịch PR đã được chuẩn bị trước đó thì MV vẫn đang trên đà tăng trưởng với hơn 500 ngàn view, lọt Top 17 Trending Youtube.
Thị trường hiện nay luôn có những trường hợp ngoại lệ, có những MV không cần khán giả nghe nhạc qua những kênh âm nhạc chính thống hay bày biện một chiến dịch truyền thông cầu kì mới có thể chắc suất nổi tiếng.
Có những thời điểm, những bài hát phủ sóng trên mọi mặt trận của Vpop, ai cũng nghe và hát theo được mà không cần một chiến dịch quảng bá rầm rộ nào như Người Lạ Ơi, HongKong1, Ai Chung Tình Được Mãi,...
Vẫn như ở trên nhắc tới, thành công của một sản phẩm âm nhạc, vẫn có yếu tố phần nhiều của ÂM NHẠC. Giai điệu, ca từ bài hát sẽ là sợi dây mạnh nhất kết nối khán giả và nghệ sĩ.
Truyền thông có thể níu kéo sự quan tâm khán giả, nhưng chỉ trong một thời điểm nhất định, còn sức sống của một sản phẩm, có bền lâu hay không lại phải tự thân bài hát lẫn MV quyết định. Người ta chỉ bật đi, bật lại một bài hát khi có một giai điệu hay, ấn tượng chứ không phải một MV có "drama" ngập trời trên báo chí hay mạng xã hội.
Tạm kết
Truyền thông được xem là "đòn bẩy" quan trọng cho sản phẩm âm nhạc nhưng cũng là "con dao hai lưỡi", buộc nghệ sĩ và ekip phải cẩn thận khi đưa ra chiến lược. Ngoài việc tạo độ phủ, sức nóng trong dư luận, trên mặt báo về sản phẩm âm nhạc mới, nghệ sĩ còn phải trực tiếp đối diện với mọi đánh giá khen chê, kể cả tẩy chay từ dư luận.
Như Thiều Bảo Trâm, có ai chắc sau khi bài hát ra mắt 1 tháng, người ta sẽ nhớ về MV Sau Lưng Anh Có Ai Kìa bằng âm nhạc chứ không phải "rổ drama" liên quan tới tình cũ của cô do ekip truyền thông dựng lên. Hay Nam Em, loạt MV làm truyền thông rầm rộ của cô từ 2 năm trước ai cũng từng nghe qua, tới giờ người ta còn nhớ hay nhắc tới không?
Truyền thông phù hợp với bài hát được xem như "gió đẩy thuyền", nhưng truyền thông quá lố so với chất lượng sản phẩm thì dễ gây nên tình trạng "đầu voi đuôi chuột", "sóng lớn ngã thuyền", không những không giúp sản phẩm được chú ý mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng nghệ sĩ sau này.
Nguồn: TH&PL