Từ thời kỳ Đông Dương tới các dòng tranh cách mạng, hay gần đây là những tác phẩm đương đại, hội họa Việt Nam luôn mang những ảnh hưởng của trường phái Lãng mạn Pháp.
Hãy cùng tìm hiểu đôi chút về trường phái Lãng mạn Pháp và ảnh hưởng của nó tới hội họa Việt Nam hiện đại.
Hội họa của Việt Nam ngày trước
Trước thời kỳ Pháp thuộc, hội hoạ Việt Nam chủ yếu chịu ảnh hưởng của hội hoạ Trung Quốc với lối vẽ ước lệ tượng trưng điển hình.
Trong bộ tranh này, các cô gái được vẽ với những dáng đứng ước lệ trong không gian phẳng, họa sĩ không quan tâm nhiều đến cấu trúc của cơ thể người như hội họa phương Tây. Các chi tiết như tóc, quần áo được vẽ theo lối tượng trưng chứ không tả thực.
Dáng đứng của các cô gái cũng gần giống nhau, Đây là cách ước lệ tượng trưng điển hình, bằng lối vẽ đơn giản này, người xem hiểu rằng các cô gái đang chơi nhạc cụ (mà không cần phải thể hiện tư thế, dáng đứng ngồi chính xác, cụ thể khi chơi từng loại nhạc cụ).
Trường phái Lãng mạn Pháp
Trường phái Lãng mạn là một phong trào nghệ thuật phát triển từ cuối thế kỷ thứ 18 và phát triển mạnh cho đến cuối thế kỷ 19. Đặc biệt, trường phái Lãng mạn Pháp gắn liền với cách mạng Pháp, mang tinh thần tự do và tôn vinh những con người bình thường trong xã hội.
Trái ngược với trường phái "Tân cổ điển" trước đó (đề cao chuẩn mực xã hội và chính trị của tầng lớp quý tộc), trường phái Lãng mạn Pháp lại tìm kiếm cái đẹp trong đời sống, tầng lớp thị dân, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài ra, trường phái lãng mạn Pháp còn đặc biệt mô tả con người giữa thiên nhiên hùng vĩ, tự do tự tại.
Ta hãy cùng lướt qua một số tác phẩm tiêu biểu của Pháp thời kỳ này, và ảnh hưởng của nó tới hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Thiếu nữ đọc sách là một chủ đề rất "đời thường" được khai thác phổ biến trong thời kỳ này, không chỉ ở Pháp mà ở khắp châu Âu. Đây là đặc trưng của trường phái Lãng mạn Pháp: Mô tả cuộc sống đời thường , coi con người bình thường là trung tâm ( khác với thời kỳ trước đó, chỉ tập trung coi tầng lớp vua chúa, quý tộc là trung tâm).
Và ở Việt Nam, không khó tìm ra những tác phẩm tương tự của những tác giả kinh điển của hội họa Việt Nam, ví dụ như bức tranh Chuyện trò của Mai Trung Thứ hay Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh.
Được hấp thụ nên giáo dục của Pháp, hai họa sĩ trên đã mang lại điều mới mẻ cho hội họa Việt Nam. Thoát khỏi tính ước lệ tượng trưng cổ điển, 2 bức tranh này mô tả sinh hoạt rất "đời thường" của con người Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 với những dáng ngồi khá thoải mái, và những sinh hoạt đời thường phổ biến như ngồi nói chuyện, chơi ô ăn quan.
Nội dung sinh hoạt đời thường khá phổ biến trong tranh truyền thống Việt Nam. Nhưng ở thời kỳ này, các họa sĩ đã vẽ với đường nét, bố cục cũng hoàn toàn thoát khỏi lối vẽ ước lệ truyền thống mà đã mang tinh thần hội họa phương Tây.
Phương pháp vẽ tả thực về dáng ngồi, tư thế tay chân (mỗi người một dáng, một tư thế khác nhau), cách vẽ không gian có chiều sâu mang đặc trưng lối vẽ tả thực phương Tây.
Đây là minh chứng rất rõ về ảnh hưởng của trường phái Lãng mạn Pháp tới mỹ thuật Việt Nam.
Đây có lẽ là bức tranh nổi tiếng nhất của hội họa Việt Nam, được coi là bảo vật quốc gia.
Trong bức tranh này, Tô Ngọc Vân đã mô tả vẻ đẹp dung dị đời thường của một cô gái rất Việt Nam. Đường nét của bức tranh rất mềm mại, phóng khoáng.
Về bố cục, hình họa, Tô Ngọc Vân đã vẽ cô gái, hoa huệ theo lối tả thực của phương Tây với cấu trúc cơ thể hiện đại, lụa của áo dài, gốm sứ của bình hoa được tả rất đẹp với chất liệu sơn dầu hiện đại. Đây cũng là chất liệu hoàn toàn mang đặc trưng phương Tây.
Có thể thấy rất rõ ảnh hưởng của trường phái Lãng mạn Pháp không chỉ ở các họa sĩ Đông Dương đời đầu, mà còn ảnh hưởng mạnh tới các họa sĩ thời kỳ cách mạng sau này.
Một mảng đề tài khác của chủ nghĩa Lãng mạn Pháp là mô tả con người giữa thiên nhiên hùng vĩ, tự do tự tại. Bức tranh "Con tàu đắm" của Claude Joseph Vernet là ví dụ điển hình.
Ở bức tranh này, thiên nhiên, biển cả rộng lớn được mô tả hết sức ấn tượng, mạnh mẽ. Họa sĩ trường phái Lãng mạn không ca ngợi vẻ đẹp của chúa, của thiên thần (như thời kỳ cổ điển) nữa mà ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Và tất nhiên, họ cả ngợi con người nhỏ bé với những nỗ lực làm chủ thiên nhiên.
Người xem có thể cảm nhận sự tương đồng về chủ đề và cách thể hiện này trong bức tranh sơn mài Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An.
Những chiến sĩ cách mạng hành quân giữa thiên nhiên hùng vĩ, choáng ngợp của núi rừng Tây Bắc. Phan Kế An vừa ca ngợi con người, vừa mô tả được vẻ đẹp bao la rộng lớn của núi rừng Việt Nam.
Trong bức tranh này, tác giả mô tả con người (những chiến sĩ cách mạng) tuy nhỏ bé nhưng không bị chìm nghỉm giữa núi rừng, mà con người đứng trên thiên nhiên (đỉnh núi), với những hành động và mục đích lớn lao.
Thêm nữa, phong cảnh trong bức tranh này được vẽ tả thực đúng với phong cách phương Tây (mô tả chiều sâu của không gian). Tranh sơn mài Việt Nam hiếm có bức nào mô tả được núi rừng thiên nhiên với chiều sâu và không gian rộng lớn, hùng vĩ như thế. Một cách thể hiện rất điêu luyện với chất liệu hội họa sơn mài truyền thống.
Tranh sơn mài Việt Nam cũng được "khai sinh" nhờ trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây có lẽ là bức tranh sơn mài đặc sắc nhất và thú vị nhất về con người và thiên nhiên Việt Nam mang âm hưởng của trường phái Lãng mạn Pháp .
Có thể thấy, hội họa Việt Nam hiện đại mang không chỉ dấu ấn rất rõ nét của trường phái Lãng mạn Pháp, mà còn mang vẻ đẹp của con người, văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, với những chất liệu và kỹ thuật truyền thống. Đây là sự học hỏi khéo léo và tinh tế của những thế hệ họa sĩ Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Và đây cũng là tiền đề để những thế hệ họa sĩ tiếp theo học hỏi và phát triển hội họa Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử hội họa thế giới.