Những nét đặc sắc thú vị của tranh sơn mài Việt Nam

Với nền hội họa Việt Nam, trong tổng số 8 tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia, có tới 6 bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài.

Chiều 8/9, triển lãm tranh sơn mài "Trăng" của nghệ sĩ Ando Saeko sẽ được khai mạc tại Hà Nội. Đến Việt Nam từ năm 1995, nghệ sĩ sơn mài đương đại Nhật Bản Ando Saeko dành trọn niềm say mê cho nghề sơn truyền thống và nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.

Còn với nền hội họa Việt Nam, trong tổng số 8 tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia, có tới 6 bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài. Điều này chứng tỏ vị đặc biệt của tranh sơn mài tại Việt Nam nói riêng, và tranh sơn mài Việt Nam trên thế giới nói chung.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
Bảo vật quốc gia: Bức “Bình phong” bằng sơn mài của Nguyễn Gia Trí.

Vậy sơn mài việt nam có gì đặc sắc, hấp dẫn cả người nước ngoài cũng phải tới nghiên cứu? Ta hãy cùng điểm qua một số đặc điểm độc đáo của nghề sơn mài nói chung và nghệ thuật tranh sơn mài nói riêng của Việt Nam.

Từ dân gian tới chính thống

Nghề sơn đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Kỹ thuật phủ sơn, dát vàng trên các tượng, điêu khắc Phật giáo được nhắc tới từ thời Lý (thế kỷ 11-12) và trở thành truyền thống kéo dài tới ngày nay.

Nghệ nhân Việt Nam xưa đã có kỹ thuật "hom", "bó sơn" hoặc pha chế nhựa sơn màu và nước sơn, biết vẽ và sáng tạo ra những mẫu trang trí, biết đắp nổi sơn và chạm trổ. Tuy vậy, nghề sơn mới dừng ở mức phục vụ cho điêu khắc (phủ lên tượng), hay tô vẽ trang trí vật dụng cung đình, đồ thờ cúng trong dân gian.

Phải đến đầu thế kỷ 20, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, với chủ trương tôn trọng các truyền thống mang tính bản địa mà vẫn đáp ứng các nhu cầu mang tính hiện đại, hiệu trưởng Victor Tardieu đã cho phép họa sĩ Joseph Inguimberty cùng các học trò tìm hiểu, nghiên cứu, phục hồi và cải biến kỹ thuật sử dụng sơn ta, để biến nó thành một chất liệu của hội họa và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Từ kỹ thuật mài sơn đặc trưng, tên gọi sơn mài ra đời.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
Victor Tardieu đứng trên giàn giáo phía trước tác phẩm đang hoàn thành của ông, dùng để trang trí cho giảng đường Đại học Đông Dương. 

Từ đó tới nay, dù trải qua rất nhiều biến cố về chính trị xã hội, tưởng như sơn mài đã bị mai một vào thời kỳ chiến tranh. Nhưng không, các họa sĩ thời đó đã vượt qua khó khăn gian khổ để vẽ nên những kiệt tác ghi dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Đến nay, sơn mài Việt Nam vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt. Nhiều họa sĩ trẻ vẫn đam mê theo đuổi nghệ thuật sơn mài nặng nhọc.

Ngày nay, bảng màu sơn mài đã có tới hàng trăm màu sơn, dễ dàng đáp ứng nhu cầu được tự do biểu đạt của họa sĩ. Những màu sắc mới, ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại được thể hiện bằng chất liệu sơn truyền thống tạo ra nét tươi mới cho nghệ thuật sơn mài.

Tính "ngẫu hứng"

Trên thế giới hiện nay chỉ có vài quốc gia có nghệ thuật sơn mài truyền thống là Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mỗi quốc gia lại có đặc trưng riêng, và tất nhiên, sơn mài Việt Nam có nét đặc trưng rất khác so với các nước bạn.

Chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam dùng chất sơn từ cây sơn tại Phú Thọ. Tới nay, dù kỹ thuật sơn mài đã phát triển rất nhiều, nhưng chất liệu sơn từ cây sơn Phú Thọ vẫn được lưu giữ và ứng dụng gần như nguyên bản truyền thống.

Các kỹ thuật truyền thống như "hom" (trộn đất phù sa với sơn sống, sau đó hỗn hợp sơn được miết đều lên toàn bộ tấm gỗ, để khô 3 ngày và sơn lặp lại một lớp mới để tạo độ mịn cho vật liệu), "cẩn" (gắn, dán vỏ trứng lên bề mặt gỗ đã khoét sâu rồi mài nhẵn) vẫn được áp dụng phổ biến.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
Nghệ nhân sơn mài thực hiện mài đĩa trứng.

Đặc biệt là kỹ thuật đánh bóng, nghệ thuật sơn mài Việt Nam vẫn sử dụng lối đánh bóng thủ công.

Trong khi sơn mài Nhật dùng 1 loại dầu bóng để phủ lên tranh tạo độ bóng, thì sơn mài Việt Nam không phủ dầu bóng mà dùng các vật liệu truyền thống để đánh bóng như than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, v.v. hay đặc biệt là các nghệ nhân việt nam vẫn dùng chính bàn tay của mình để xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng.

Với kỹ thuật này, màu sắc trên tranh có độ sâu thẳm hơn hẳn so với sơn mài Nhật hay Trung Quốc.

Ngoài ra, quá trình sơn khô rất lâu (đây là đặc trưng thú vị của sơn mài Việt Nam) và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nhiệt độ, độ ẩm môi trường nên kết quả tạo nên nhiều hiệu ứng thú vị.

Hầu hết các họa sĩ đều đồng ý rằng kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

Phong cách và tác phẩm tiêu biểu

Như đã nói ở trên, nghề sơn mài Việt Nam có từ thế kỷ 11-12 và được khôi phục và phát triển từ đầu thế kỷ 20 bởi các hoạ sĩ và các nhà giáo dục người Pháp, nên về tạo hình, tranh sơn mài Việt Nam vừa thừa kế được chất truyền thống, lại vừa được ảnh hưởng các lối tạo hình hiện đại phương Tây.

Bức tranh "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm được đánh giá cao vì lẽ bút pháp tạo hình sinh động, khỏe khoắn. Người họa sĩ đã khai thác triệt để các yếu tố đường nét, màu sắc, nhịp điệu, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn và các hoa văn đồ gốm thời Lý, Trần cũng như nghệ thuật điêu khắc đình làng. Bức tranh được bố cục cân đối, hài hòa và giàu tính trang trí.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
Bảo vật quốc gia: Bức "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm.

Ở bức tranh "Điệu múa cổ", Nguyễn Tư Nghiêm lại nghiên cứu và khai thác rất sâu các làn điệu múa cổ, và vẽ với chất liệu sơn mài nhưng với tạo hình rất "tây". Người xem có cảm giác về những hình khối lập thể trong tranh của Picasso, rất hiện đại và linh hoạt.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
"Điệu múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm.

Đặc biệt ở thời kỳ cách mạng, tuy khó khăn thiếu thốn mọi bề, các hoạ sĩ kháng chiến vẫn có những tác phẩm sơn mài được coi là kiệt tác, bảo vật quốc gia.

Lấy hình tượng chiến hào, họa sĩ Nguyễn Sáng đã chọn được khung cảnh tiêu biểu của chiến trường cùng chi tiết đắt giá mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được đó là cảnh kết nạp Đảng trong chiến hào.

Tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách tiêu biểu của một họa sĩ bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam với cách tạo hình hiện đại phương tây với những mảng hình khối chắc khỏe, màu sắc tối giản với chỉ 3 màu trắng, đỏ vàng, hơn thế còn là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật sơn mài Việt Nam ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống.

nhung net dac sac thu vi cua tranh son mai viet nam - anh 0
Bảo vật quốc gia: Bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng.

Với những nét độc đáo về kỹ thuật và tạo hình vừa truyền thống, lại vừa hiện đại, sơn mài Việt Nam đã tạo nên nét đặc sắc riêng, gây tò mò lẫn thú vị với các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu nước ngoài. Qua đó, sơn mài Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào việc giao lưu văn hoá, nghệ thuật giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Bảo vật quốc gia 'Tượng Bồ tát Tara' hoàn chỉnh sau gần 45 năm

Nghệ sĩ sơn mài Nhật Bản - Ando Saeko mở triển lãm ‘Trăng’ tại Hà Nội

Những nét hiện đại trong triển lãm mỹ thuật ngành hội họa lần thứ 28

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ