Ngày 22/9, tại nhà đấu giá Drouot ở Paris đã diễn ra phiên đấu giá 19 bức tranh của vua Hàm Nghi, với tổng số tiền lên đến 330.000 euro (khoảng 8,58 tỉ đồng).
Nhà đấu giá Lynda Trouvé nhận định: "19 bức tranh này là những điển hình hiếm hoi về đời sống nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Ông đã ghi lại những ấn tượng của mình khi ở Algeria và Pháp qua nét cọ trên vải canvas.
Tranh cho phép ông chiêm nghiệm lại đời mình. Những tác phẩm này là bằng chứng có giá trị về cách ông phát triển phẩm chất nhạy cảm và kỹ thuật vẽ tài tình qua việc thể hiện ánh sáng, nước, con đường, bóng cây, bầu trời, v.v.".
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định với Thanh niên: "Qua kết quả bán tranh vua Hàm Nghi cho thấy rằng 'chiến lược' của nhà đấu giá Lynda Trouvé đã mang lại thành công mong muốn. Nhà đấu giá đã khôn khéo đưa giá khởi điểm và giá dự đoán rất thấp, lôi kéo nhiều nhà sưu tập.
Mọi người đều cho rằng ai cũng có thể 'với tới' tranh của một nhà vua huyền thoại bị lưu đày, để bước vào vòng đấu giá. Mặc dù tranh vua Hàm Nghi lần này không phải là những tác phẩm có kỹ thuật xuất sắc nhưng với sự 'quyến rũ', nhiều bức được bán với giá cao hơn dự đoán gấp 10 lần, tạo không khí hân hoan cho thị trường tranh".
Chỉ nắm quyền được 1 năm, vua Hàm Nghi bị chính quyền Pháp buộc phải lưu vong, bị đày đến Algiers (thủ đô Algeria). Ông đã học các kỹ thuật hội họa và điêu khắc từ họa sĩ Marius Reynaud, thực hiện một số chuyến đi đến Pháp dưới sự giám sát chặt chẽ và đã gặp các nghệ sĩ như Foujita, Rodin. Các tác phẩm của vua Hàm Nghi cực kỳ hiếm trên thị trường. Đây là lần đầu tiên có một bộ sưu tập đáng kể như vậy được bán đấu giá.
19 bức tranh được rao bán lần này thuộc sở hữu của Henri Aubé - một lính Pháp đóng quân ở Hà Nội từ năm 1907 đến năm 1909. Henri Aubé từng đến bệnh viện quân y nhiệt đới ở Vichy để chữa bệnh. Từ năm 1909 đến năm 1913, vua Hàm Nghi cũng thường xuyên đến cơ sở chữa bệnh này. Ông và Henri Aubé đã xây dựng tình bạn ở đó nhờ người bạn chung của họ là Henri de Gondrecourt.
Trong phiên đấu giá, ngoài bộ sưu tập của vua Hàm Nghi, khoảng 250 tác phẩm và hiện vật của nghệ thuật Đông Dương như bình đồng thời Lê, dao găm bằng đồng từ thế kỷ thứ 2, v.v. cũng được rao bán.
Một số bức họa của các nghệ sĩ lớn trong giới nghệ thuật Việt Nam như Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng, v.v. cũng xuất hiện. Nhiều nghệ sĩ Pháp sở hữu những tác phẩm về Đông Dương cũng được giới thiệu và bán giá cao.
Nguồn: TH&PL