Không chỉ đơn giản là áp dụng phần mềm chống gian lận để tạo sự minh bạch, mà nó còn liên quan đến quyền riêng tư và khả năng tiếp cận.
Trong bối cảnh học sinh, sinh viên liên tục học trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều nơi đang rất nỗ lực tận dụng công nghệ hiện đại để giải quyết bài toán ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với vấn đề thi cử online.
Hình thức thi trực tuyến mặc dù đang bắt đầu được nhiều trường trong và ngoài nước áp dụng vì bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên để công tác tổ chức thi diễn ra thành công và đúng quy chế thì đây vẫn được xem như là một vấn đề tương đối bất cập.
Chống gian lận nhưng cũng cần chống xâm phạm quyền riêng tư?
Theo The Register, ủy ban chịu trách nhiệm đánh giá các kỳ thi trực tuyến của Đại học Texas đã tiếp nhận khiếu nại của hội sinh viên trường, yêu cầu loại bỏ phần mềm AI được dùng xuyên suốt năm học 2020 - 2021. Gần đây, họ công bố một báo cáo với kết luận không nên dùng các phần mềm AI như Proctorio và ProctorU trong thi cử online.
Báo cáo của ủy ban nêu lý do như sau: "Những cảnh báo mà phần mềm gửi cho học sinh trong suốt quá trình thi sẽ gây ra tình trạng hoảng loạn, lo lắng". Dù sử dụng phần mềm giám sát trong năm học 2020 - 2021, số trường hợp gian lận ở Đại học Texas không quá cao. Do đó, chi phí mà nhà trường bỏ ra để triển khai phần mềm không xứng đáng với những gì mà nó mang lại.
Phần mềm AI dùng để theo dõi học sinh, sinh viên khi làm bài thi online ngày càng phổ biến trong đại dịch Covid-19. Trước tình hình học tập và giảng dạy từ xa, nhiều nhà trường bắt đầu triển khai các biện pháp AI nhằm ngăn chặn gian lận trong thi cử.
Nhưng phần lớn sinh viên và những người quan tâm đến quyền riêng tư lại chỉ trích các phần mềm giám sát. Những hệ thống như vậy thường không cho phép người ngoài kiểm tra mã nguồn. Hơn nữa, chúng thường sử dụng các thuật toán còn nhiều sai sót, định kiến, dễ dẫn đến trường hợp AI tùy ý tố cáo học sinh gian lận mà không đưa ra được bằng chứng rõ ràng.
Việc ngăn chặn một vài kẻ gian lận có đáng phải trả giá bằng việc đối xử với mọi học sinh như một kẻ lừa đảo?
Phần mềm AI cũng chưa đủ thông minh để phân tích những hoàn cảnh sống khác nhau của học sinh, do đó dễ nảy sinh định kiến về chủng tộc. Một số phần mềm không thể nhận diện học sinh người da màu. Còn những hệ thống phát hiện gian lận bằng cách theo dõi chuyển động mắt của học sinh sẽ khiến những học sinh mắc chứng rối loạn tăng động (ADHD) dễ bị kết tội oan.
Các sinh viên tranh luận rằng hệ thống kiểm tra đã khiến họ sợ hãi việc nhấp chuột quá nhiều hoặc nhắm mắt lại, vì có thể bị hệ thống đánh giá là gian lận. Một số sinh viên cũng cho biết họ đã khóc vì căng thẳng hoặc... "tè dầm" tại bàn của mình vì bị cấm rời khỏi màn hình máy tính.
Nếu camera nhìn thấy sự xuất hiện của một người khác trong nền, học sinh đó có thể bị gắn cờ vì đã "phát hiện nhiều khuôn mặt". Nếu ai đó làm bài kiểm tra trên cùng một hệ thống mạng - ví dụ, trong một tòa nhà ký túc xá - thì đó có thể bị coi là "sự thông đồng trong kỳ thi". Phòng quá ồn ào, Internet quá nhiễu, camera không hoạt động... tất cả đều bị gắn cờ cảnh báo.
Sự căng thẳng cũng đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sâu sắc hơn về sự thay đổi chóng mặt của việc giáo dục trực tuyến. Ví dụ như việc ngăn chặn một vài kẻ gian lận có đáng phải trả giá bằng việc đối xử với mọi học sinh như một kẻ lừa đảo? Và liệu bất kỳ bài kiểm tra nào trong số này có quan trọng đến mức gây thêm căng thẳng cho những học sinh mà cuộc sống của họ vốn đã bị xáo trộn vì Covid-19?
Tuy nhiên, các vấn đề trên dường như không phải là thứ các trường đại học bận tâm. Gần 60% các cơ sở giáo dục đại học được thăm dò ý kiến vào tháng 4 cho biết họ đang sử dụng hoặc xem xét sử dụng công nghệ nói trên trong các kỳ thi. Ít ra, một số trường, bao gồm cả Đại học California ở Berkeley, đã cấm công nghệ này do lo ngại về quyền riêng tư và khả năng tiếp cận.
Nguồn: TH&PL