Theo giáo sư, chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển và không có xã hội phát triển.
Ngày 21/11, tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
Và để có con người chủ động, theo GS Thêm: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa 'dễ bảo, vâng lời', giỏi theo nghĩa 'thuộc bài'). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
Theo giáo sư, chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển và không có xã hội phát triển.
Quan điểm trên đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt của dư luận.
- Không học lễ nghĩa làm sao biết trọng Thầy. Không trọng Thầy thì làm sao coi trọng nổi tri thức. "Lễ" ở đây đâu chỉ có trọng Thầy. Mà trọng Thầy cũng đâu có nghĩa là "phục tùng".
- Đồng ý cái suy nghĩ tư duy phản biện nhưng phải có cái Lễ thì mới được. Câu khẩu hiệu cũng giống như 1 nét đặc sắc của Việt Nam rồi, sao bỏ được. Phải có lễ trước thì tài mới có đất diễn.
- Theo mình thì đề cao tư duy phản biện, đề cao sự sáng tạo, đổi mới nhưng không có nghĩa bỏ đi lễ nghi, bỏ đi đạo đức. Thử tưởng tượng trong một lớp học người thầy không còn là cao nhất, học sinh thoả sức sáng tạo, có khi còn vượt cả tầm sáng tạo. Hãy học làm người trước khi học chữ!
Trần Ngọc Thêm là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học ngành Ngữ văn. Ông là nhà văn hóa học của Việt Nam. Hiện tại, ông đang giữ chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Việt Nam.
GS Trần Ngọc Thêm là tác giả của nhiều công trình, cuốn sách nghiên cứu về văn hóa và hệ giá trị Việt Nam. Trong đó, cuốn sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam" của ông là giáo trình cơ bản với rất nhiều thế hệ sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội.
Nguồn: TH&PL