Hãy cùng CineON điểm lại 5 bộ phim đề tài gia đình nhất định phải xem cùng ba mẹ.
Gia đình luôn là chủ đề luôn được khai thác xuyên suốt trong thời gian phát triển của nền công nghiệp điện ảnh trong và ngoài nước. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những bôn ba, lo toan trong cuộc sống. Điều này đồng nghĩa với việc sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình ngày càng mất đi, vì vậy những bộ phim về chủ đề gia đình "tuyệt nhiên" trở thành công cụ, giúp gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
1. Reply 1988 (Lời Hồi Đáp 1988)
Sau loạt thành công của hai "người anh em" Reply 1994 và Reply 1997, Reply 1998 ra đời năm 2015 vượt ngoài sự mong đợi của nhà sản xuất. Đạo diễn của phim - Shin Won Ho đã khắc họa nên một bức tranh đất nước Hàn Quốc của những năm tháng đầy biến động, đan xen không chỉ yếu tố tình cảm đôi lứa mà còn tình cảm gia đình, tình bạn, tình làng nghĩa xóm.
Reply 1988 kể về hành trình tuổi thanh xuân của những cô bé, cậu bé nghèo lớn lên trong khu phố nhỏ Ssangmun Dong đầy biến động, khi mà đất nước Hàn Quốc đang chìm trong loạn lạc bởi hàng loạt những cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ của học sinh, sinh viên những năm 80. Lấy bối cảnh lịch sử để dẫn dắt cảm xúc, nhưng lại không tập trung khai thác vào vấn đề "nhạy cảm" chính trị.
Reply 1988 đã đưa người khán giả, chính xác hơn là ông bà, cha mẹ vào quá khứ, với một cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn nhưng lại đầy ắp tình người. Chính yếu tố lịch sử đã giúp Reply 1988 lấy đi sự đồng cảm của khán giả khi thấy nhìn thấy chính bản thân mình trong câu chuyện đó.
Reply 1988 xuất sắc giành được loạt giải thưởng Baeksang Arts Awards lần thứ 52 bao gồm hai giải: Nam diễn viên mới xuất sắc nhất Hạng mục Truyền hình và Đạo diễn xuất sắc Hạng mục Truyền hình. Bộ phim là một minh chứng rõ ràng cho sức hút của phim gia đình vẫn còn và ngày càng được sự quan tâm nhiều hơn ở mọi lứa tuổi khán giả.
2. Gạo Nếp Gạo Tẻ (Phần 1)
Gạo Nếp Gạo Tẻ là một bộ phim truyền hình được thực hiện do Nguyễn Hoàng Anh và Võ Thạch Thảo làm đạo diễn. Phim được mua kịch bản chuyển thể từ tác phẩm Gia Đình Họ Wang của Hàn Quốc. Tuy "biến tấu" từ một tác phẩm cũ nhưng phim truyền hình Gạo Nếp Gạo Tẻ vẫn thành công khi tạo được sức hút riêng khi đến với khán giả Việt.
Gạo Nếp Gạo Tẻ đưa khán giả đến với những câu chuyện thực tế, xoay quanh gia đình bà Mai, trong đó bà chính là người quán xuyến hết mọi công việc từ chăm sóc mẹ chồng, em chồng, chồng cùng 4 người con. Có thể nói, bà Mai là một người phụ nữ chăm chỉ, tháo vát, yêu chồng thương con.
Tuy nhiên, bà luôn có ác cảm với cô con gái cả là Hương bởi cô từng "ăn cơm trước kẻng" trước hôn nhân khiến bà mất mặt với mọi người. Còn Hân, cô con thứ lại được yêu chiều hết mực khi vừa sở hữu một danh hiệu về sắc đẹp, vừa lấy được chồng giàu giúp bà Mai được "nở mày nở mặt".
Sự đối lập tính cách, hoàn cảnh giữa Hương và Hân cùng với sự thiên vị của bà Mai là yếu tố then chốt để người xem vừa phẫn nộ, vừa đồng cảm với từng nhân vật của bộ phim. Diễn biến của phim còn bám sát theo câu chuyện về gia đình nhỏ của những người con, mang đến nhiều cao trào hấp dẫn gây sốt trên các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ.
Gạo Nếp Gạo Tẻ thu hút khán giả Việt bởi những câu chuyện đời sống gia đình vô cùng quen thuộc trong nếp sống văn hóa của người Việt Nam. Tuy quen nhưng lại được đạo diễn khéo léo xây dựng kịch bản kịch tính cùng lối diễn vô tự nhiên của dàn diễn viên có thực lực trên màn ảnh, đã giúp người xem có những giây phút giải trí, những chủ đề bàn luận xôn xao trên mạng xã hội.
Giành được hàng loạt giải thưởng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của phim như: Hai giải ở Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 (Giải vàng phim truyền hình; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất); Bốn giải ở Giải Mai Vàng 2018 (Bộ phim truyền hình được yêu thích nhất; Nam, Nữ diễn viên Điện ảnh truyền hình được yêu thích)
3. Bố Già
Không còn là motif truyền thống phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ của mỗi gia đình Việt, ở thời đại 4.0 này, những bộ phim web drama cũng là sự lựa chọn tươi mới và mang đến cho khán giả góc nhìn mới về phim truyền hình, nhất là trong mùa dịch này và Bố Già là minh chứng cho điều đó.
Sau thành công của bản web drama Bố Già, "viral" trên khắp mạng xã hội, Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành đã "thừa thắng xông lên", mạnh tay sản xuất bộ phim điện ảnh Bố Già bản điện ảnh. Và không phụ lòng khán giả bộ phim đã gây "bão phòng vé" một thời gian dài ở Việt Nam.
Thay vì khai thác yếu tố không gian, thời gian như Reply 1988, Bố Già khám phá sâu vào lối sống của người dân lao động Sài Gòn, mối quan hệ của một mái ấm có đến hai người cha, một gia đình nhiều thế hệ và câu chuyện quen thuộc "một giọt máu đào hơn ao nước lã".
Có thể nhận thấy, Bố Già không được giới chuyên gia đánh giá là một bộ phim hay xuất sắc nhưng Bố Già đã làm rất tốt công việc "bóc trần" một lối sống rất Sài Gòn, rất chân thực. Không những thế, bộ phim cũng lấy đi không ít nước mắt của khán giả từ câu chuyện rất "đời" - tình cha con - tình cảm mà đại đa số chúng ta không bao giờ dám thổ lộ.
Không như những bộ phim gia đình khác, Bố Già đã đánh thẳng vào câu chuyện xung đột thực tế trong mỗi gia đình không của riêng ai, tạo được sự đồng cảm ở hầu hết khán giả khi xem Bố Già. Điều đó đã giúp Bố Già đạt doanh thu hơn 400 tỷ, tạo nên cơn sốt cháy vé ở mọi rạp phim trong nước. Một bộ phim thật sự ý nghĩa khi rủ ba xem cùng.
4. Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7
Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 là câu chuyện xúc động về người cha bị thiểu năng (Yong Goo) và cô con gái của anh (Ye Seung).
Sau khi bị kết án về việc bắt cóc, giết người và hãm hiếp trẻ vị thành niên thì anh đã bị ném vào phòng giam khắc nghiệt và chờ ngày hành hình. Trong suốt quá trình ở phòng giam, nơi Yong Goo đã trải qua những câu chuyện không thể "giải bày".
Đây cũng là thời điểm những câu chuyện "cổ tích" bắt đầu xuất hiện, minh chứng cho tình cha con thiêng liêng cũng như tình bạn chân thật. Những phép màu ấy không phải do sự cảm động của trời rơi xuống, mà được tạo ra bởi những con người ở dưới đáy xã hội, giữa đời thường không thể bỏ mặc tình cảm thiêng liêng cha con giữa Yong Goo và Ye Seung.
Bộ phim đã thu hút hơn 4,6 triệu người theo dõi, trở thành bộ phim thứ tám trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc phá vỡ mốc 10 triệu trong doanh số bán vé.
Đồng thời, Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 đã "bội thu" khi giành được rất nhiều giải thưởng khác nhau: Hai giải ở Giải thưởng nghệ thuật Baeksang lần thứ 49, một giải ở Giải Bình chọn Mnet 20's lần thứ 7, bốn giải ở Giải Đại Chung lần thứ 50, một giải ở Giải Điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34.
Nhờ câu chuyện về tình cha con, Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 mang tới cho người đọc rất nhiều suy ngẫm về tình cha con, tình người, cái thiện và ác trong xã hội hiện đại để chúng ta suy ngẫm về những số phận kém may mắn, có cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống của mỗi người.
5. Hope (Hy Vọng)
Cùng là một bộ phim khai thác về đề tài gia đình, thế nhưng Hope mang lại cho khán giả một câu chuyện rất khác. Hope không phải là một bộ phim về chủ đề gia đình mà chúng ta thường thấy, trong Hope còn chứa đựng cả những bài học, những sự thật trần trụi và khắc nghiệt của xã hội này.
Điều đặc biệt tạo nên dấu ấn khó quên của Hope đó là bộ phim được đạo diễn Lee Joon-ik xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật. Câu chuyện phản ánh tội ác xã hội đầy nhơ nhớp, ghê tởm và So Won (Lee Ree) - một cô bé 8 tuổi, chính là nạn nhân của câu chuyện này.
Dựa trên một vụ án hình sự có thật gây chấn động dư luận ở Hàn Quốc năm 2008. Trên đường đi học về, So Won đã bị một người đàn ông lạ mặt giả vờ mượn ô bắt cóc, hiếp dâm và tra tấn tàn bạo. Khi được phát hiện cô bé phải mang theo những di chứng không chỉ về thể xác mà còn cả về tinh thần. Cũng chính vì điều đó đã khiến cô bé có cú sốc tâm lý quá lớn, cuộc sống của So Won trở nên kinh khủng hơn những gì một cô bé tiểu học gánh phải.
Sử dụng câu chuyện có thật để làm đòn bẩy, đạo diễn Lee Joon-Ik đã làm rõ yếu tố tình cảm gia đình chính là động lực để giúp So Won vượt qua cú sốc tâm lý, vẫn tiếp tục hy vọng về tương lai của cô bé. Chính vì thế, bộ phim trở nên ấm áp lạ thường, đầy tình thương giữa cơn mưa tội ác ghê rợn, lạnh lẽo.
Thay vì đẩy tội án trở thành điểm sáng của phim thì Hope đã biến câu chuyện tiêu cực trở nên tích cực hơn nhờ yếu tố gia đình. Đồng thời phản ánh chân thực thực trạng tình cảm gia đình dần bị lãng quên trong xã hội ngày nay.
Điều đó đã giúp Hope trở thành tác phẩm điện ảnh thành công và có tiếng vang lớn đối với nền điện ảnh nước nhà: Giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34, Giải thưởng Hiệp hội phê bình phim Hàn Quốc lần thứ 33, Giải thưởng nghệ thuật Baeksang lần thứ 50, Liên hoan phim Giffoni lần thứ 44, Giải thưởng Grand Bell lần thứ 51.
Với 5 tựa phim ở trên, tuy mang những câu chuyện khác nhau nhưng đều có một điểm chung chính là tình cảm gia đình. Gia đình vẫn là nơi giáo dục, nuôi dưỡng và là điểm tựa chắc chắn rằng. Qua những bộ phim trên, chúng ta đồng cảm, thấy bản thân ở đâu đó trong từng nhân vật. Sẽ không có gì tuyệt vời hơn nếu cùng ba mẹ xem những tựa phim này, biết đâu chúng ta sẽ có thể gỡ những nút thắt trong lòng bằng chính những câu chuyện đó.
Nguồn: TH&PL