Những cảm xúc chân thành của từng nhân vật chính là lý do Racket Boys thu hút khán giả.
Không có sự tham gia của những gương mặt đình đám, Racket Boys chỉ có dàn diễn viên là những cô cậu bé Gen Z “nhỏ mà có võ” cũng đủ để tạo nên một hiệu ứng riêng biệt giữa một rừng drama nóng bỏng tay trong mùa hè này. Là đứa con tinh thần tiếp theo của biên kịch Prison Playbook, phim quả thật không làm khán giả thất vọng khi khéo léo đan xen những tràng cười sảng khoái bên cạnh những thước phim lắng động đầy cảm xúc.
Cảnh báo: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Racket Boys bắt đầu với phần giới thiệu về Yoon Hyun Jong (Kim Sang Kyung) - một người cha luôn tận tụy làm việc nhưng vẫn không đủ tiền để trang trải cho những chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi phố thị. Chính vì thế, anh đã phải đưa cả gia đình về một ngôi làng nhỏ cách Seoul gần 5 tiếng lái xe với hy vọng công việc và cuộc sống sẽ khá khẩm hơn. Từ đó, hành trình xây dựng lại sự nghiệp và cuộc sống ở ngôi làng nhỏ phía tây Haenam bắt đầu.
Tình cảm lớn nhất trên đời đến từ vòng tay của bố mẹ
Không chỉ khắc họa hành trình theo đuổi đam mê của những người trẻ, xuyên suốt bộ phim là những tình cảm được đan xen cực kì khéo léo nhưng không kém phần xúc động. Tuy không phải là yếu tố chủ yếu, đôi khi là được thể hiện trực tiếp, có lúc lại chỉ được thể hiện gián tiếp qua lời kể hay những hành động vô tình nhưng tất cả đều rất tròn trịa. Mỗi người cha, người mẹ lại có một cách riêng để thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình với con cái. Chính điều đó đã tạo nên những khoảnh khắc đong đầy yêu thương trong bộ phim này.
Đâu ai phủ nhận được tình yêu vô bờ của những người thân sinh ra mình; nhưng có lẽ bởi mỗi người cha, người mẹ trong Racket Boys đều mang một nỗi niềm khó nói. Có thể là do hoàn cảnh, cũng có thể là do họ chưa thể tìm cách giãi bày nên lại vô tình gây ra những hiểu lầm không đáng có trong gia đình nhỏ của mình.
Tuy nhiên, biên kịch không hề làm người hâm mộ thất vọng khi giải quyết những mâu thuẫn gia đình một cách rất mượt mà và duyên dáng như cách mà ông đã làm với Prison Playbook vậy. Phụ huynh là thế mà, “miệng cứng lòng mềm” nên các con hãy thông cảm cho họ nhé!
Không có nhiều mâu thuẫn như các gia đình khác nhưng bố mẹ Yoon Dam vẫn có 1 cách riêng để thể hiện tình yêu thương của mình. Dù Yoon Dam không phải là tuyển thủ xuất sắc nhất nhưng bố mẹ vẫn rất tự hào mỗi lần nhắc đến. Thế mới nói đối với cha mẹ, con cái của mình luôn là những người xuất sắc nhất thế gian.
Bán anh em xa, mua láng giềng gần
Không chỉ là tình thân, những mối quan hệ khác ngoài vòng gia đình cũng khiến khán giả không ít lần xúc động. Dẫu ban đầu chỉ là những người xa lạ nhưng họ luôn sẵn sàng mở lòng đón nhận nhau. Họ âm thầm giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống với tấm lòng thiện lương nhất.
Gia đình Hae Kang chuyển từ Seoul về Haenam sinh sống và làm việc nên sự đối lập giữa cách con người đối xử với nhau ở chốn đô thị với vùng nông thôn lại càng được khắc họa rõ nét hơn nhiều. Nếu ở Seoul là “món tiền” mở đầu câu chuyện thì ở làng Ttangkkeut, con người lại đối xử với nhau bằng cái tình. Họ sẵn lòng cho đi và đối xử với những người xa lạ như gia đình Hae Kang hay đôi vợ chồng thành phố bằng những món quà chứa đầy sự vị tha, trìu mến.
Dù trong thâm tâm mỗi người cho đi đều chẳng mong nhận được sự đền đáp nhưng nhân sinh có cho đi thì sẽ có nhận lại. Mỗi 1 lần cho đi, họ đều sẽ có được một sự đáp lại. Đó đôi khi không chỉ là những giá trị vật chất, hữu hình mà còn là sự yêu thương, trân trọng chân thành từ tận trái tim.
Gặp nhau như những người xa lạ, cụ bà hàng xóm vẫn tất bật nấu 2 tô mì thật ngon để đãi 2 anh em Hae Kang-Hae In. Hae Kang cũng “đáp lễ” bằng cách hướng dẫn ông bà sử dụng TV, điện thoại.
Dù ngoài mặt thì cực kì ghét dân thành phố nhưng vì biết đôi vợ chồng thành phố vừa chuyển về quê, chưa thích nghi với cuộc sống nên bà cụ luôn ấm thầm giúp đỡ từ hũ kim chi cho tới từng ngọn cỏ.
Cảm động trước sự quan tâm đó, người vợ họa sĩ đã giúp bà cụ thực hiện ước nguyện của mình - được có một bức hình chung với đầy đủ thành viên trong gia đình
Sau tất cả, đối với những tuyển thủ thì đồng đội cũng là thành viên trong gia đình
Và tất nhiên, với một bộ phim về đề tài thể thao thì tình đồng đội luôn là yếu tố không thể thiếu. Nhân vật chính - Yoon Hae Kang trước đó chỉ đam mê bóng chày, cậu nhận lời gia nhập đội cầu lông cũng chỉ vì bố hứa sẽ lắp wifi và cho cậu về Seoul chơi bóng chày. Yoon Dam, Woo Chan và Young Tae ban đầu muốn kéo Hae Kang về đội cũng chỉ để đủ quân số cho giải đấu sắp tới.
Dù mục đích ban đầu vốn là sự ích kỷ của mỗi cá nhân nhưng sau cùng, họ vẫn cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau thi đấu và cùng khóc, cùng cười với nhau. Dù ở giải đấu mới, gặp được những người bạn mới, đối thủ mới nhưng cho tới sau cùng, chỉ những người đã, đang và sẽ tôi luyện cùng ta mới là đồng đội.
Kết
Racket Boys tuy rằng không phải là tác phẩm xuất sắc nhất trong loạt Kdrama hè này nhưng chắc chắn đó là một bộ phim tròn trịa, đủ đầy từ diễn xuất cho tới nội dung. Tạm dừng lại những drama nơi phố thị phồn hoa, cuộc sống vùng quê với những tình cảm bình dị của Racket Boys có lẽ sẽ đủ sức làm bạn phải khóc một trận đã đời đấy!
Nguồn: TH&PL