Bố Già như một lời cảm ơn gửi đến những ai đang làm cha khiến cho người xem vô cùng xúc động.
Nhân dịp Ngày Của Cha, chúng ta hãy cùng nhìn lại những điều mà Bố Già đã làm được, bộ phim đã khiến cho khán giả suy ngẫm về gia đình và người đàn ông già cõi đã hết lòng vì con cái. Chắc hẳn ai khi xem phim cũng đã ít nhất một lần nhìn lại: ''Đã bao giờ mình nói thương cha chưa?''. Bộ phim hội tụ đủ những yếu tố đặc sắc khiến cho người xem phải bật khóc, đồng thời Bố Già như một lời cảm ơn dành cho những ai đang gánh vác trách nhiệm làm cha.
Kịch bản mang câu chuyện ''không của riêng ai''
Với kịch bản mang câu chuyện quen thuộc về cuộc sống gia đình Việt tưởng chừng sẽ chẳng có gì đáng để kể. Thế nhưng, điều Trần Thành đã làm được chính là mang hình ảnh của mỗi chúng ta đưa vào Bố Già. Ai trong chúng ta cũng đã từng có một thời tuổi trẻ bồng bột để rồi nước mắt cha mẹ lại rơi, ai trong chúng ta cũng có những điều chưa từng nói với bố mẹ, và ai trong chúng ta cũng yêu thương cha mẹ mình nhiều lắm nhưng chẳng dám nói ra rằng ''con yêu cha mẹ''.
Mỗi diễn biến trong phim thực tế đến mức chúng ta phải thốt rằng ''Ủa sao giống nhà mình vậy ta''. Xung đột giữa các tuyến nhân vật tạo nên sự gần gũi hơn bao giờ hết, câu chuyện giữa anh chị em trong gia đình, giữa cha và con, giữa những lối sống khác nhau đã được Trần Thành khắc họa một cách chân thực. Trong mỗi gia đình đều tồn tại một rào cản mang tên ''khoảng cách thế hệ'' khiến cho cha mẹ chẳng thể hiểu được cuộc sống của con cái và ngược lại. Nhưng họ có một điểm chung chính là rất yêu thương đối phương, muốn hi sinh, muốn sẻ chia. Luôn lặng lẽ hy sinh, bảo vệ là cách Ba Sang yêu thương con mình cũng giống như mọi bậc làm cha làm mẹ khác. Thế nhưng, đối mặt với tình yêu đó Quắn-đứa con trai luôn muốn bảo vệ cha của mình, luôn muốn mang lại một cuộc sống tốt nhất cho ông thế nhưng tình yêu đôi lúc chẳng thể nói ra bằng lời.
Lời thoại kết hợp với tình tiết được biên kịch dàn dựng gần gũi, bình dị đến mức chúng ta không còn cảm thấy khoảng cách giữa phim điện ảnh và đời thực. Ắt hẳn, không ít thì nhiều chúng ta đã từng trải hoặc từng nghe qua câu chuyện mà Bố Già kể là những cuộc tranh cãi, là mỗi lần tổ chức tiệc phải xin đường, là những phút giây đau lòng như phải cố kìm nước mắt.
Điều mà Trần Thành và ekip làm phim muốn mang đến cho khán giả là tình yêu gia đình, dẫu có xung đột hay phiền phức thì cuối cùng gia đình vẫn là nơi luôn sẵn sàng che chở chúng ta sau tất cả. Ở cái tuổi vị thành niên ta đã từng chán ghét bố mẹ, muốn rời xa cái nhà mà ta cho là gò bó, khuôn phép, để rồi khi ta đủ lớn, đủ hiểu chuyện thì cũng là lúc cha mẹ đã già.
Dàn diễn viên quen quen mà lạ lạ
Với những cái tên thân thuộc của phim Việt như má Ngọc Giàu, Việt Anh, Trấn Thành, Lan Phương, Lê Giang, Hoàng Mèo, La Thành, AQuay, Lê Trang, Quốc Khánh, đã tạo nên một cái xóm Giàu Sang Phú Quý quen ơi là quen ở Sài Gòn. Thế nhưng, không vì vậy mà bộ phim trở nên kém hấp dẫn, ngoài quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu Bố Già ''bơm'' hẳn một lượng lớn diễn viên trẻ cân những vai có sức nặng, đặc biệt là Tuấn Trần, bé Ngân Chi.
Lựa chọn diễn viên phù hợp là một trong những chìa khóa khiến cho bộ phim trở nên ăn khách. Mỗi nhân vật một tính cách một câu chuyện đã tạo nên một Bố Già điện ảnh đặc biệt. Tuấn Trần đã thể hiện khá tròn trịa vai diễn của mình, Quắn đại diện cho thế hệ trẻ luôn yêu thương cha mẹ, luôn muốn mang lại cho cha một cuộc sống tốt nhưng lại chưa biết cách thể hiện.
Cô bé Bù Tọt do Ngân Chi thủ vai với lối diễn xuất dễ thương, hồn nhiên nhưng sâu thẳm trong trái tim cô bé là tình thương với Ba Sang. Bù Tọt là bước ngoặt cuộc đời của Quắn từ một chàng trai trẻ bất ngờ trở thành ba của đứa em gái nuôi.
Bối cảnh đậm chất ''đời'' và kỹ thuật quay phim lột tả chân thực cuộc sống quen thuộc mà ai cũng đã thấy
Bối cảnh được xây dựng trong một cái xóm nhỏ quen thuộc tại Sài Gòn mà ai sống tại thành phố này cũng đã từng thấy. Một cái xóm lộn xộn từ đầu phim đến cuối phim, từ đánh nhau chửi nhau, ăn tiệc cùng nhau nhưng cũng yêu thương lẫn nhau. Bối cảnh đậm chất Việt là một trong những yếu tố ăn khách mà Bố Già sở hữu được.
Hơn thế, chúng ta không thể quên yếu tố kỹ thuật quay phim đã lột tả chân thực câu chuyện mà biên kịch muốn truyền tải. Những cú máy oneshot được đạo diễn tận dụng triệt để trong những tình tiết quan trọng của phim. Điển hình là mở đầu bộ phim cú máy trải dài từ đầu xóm đến cuối xóm, đòi hỏi người quay phải cực kỳ cẩn thận và khéo léo, vì đây là những cú máy khó về mặt lột tả nội dung lẫn kỹ thuật, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người quay, người diễn.
Ngoài những cú máy oneshot nhanh, bộ phim cũng đã khai thác những góc quay ngang ở cuộc đối thoại giữa ông Ba Sang và Quắn, phân đoạn này giữa hai nhân vật có một khoảng cách như khoảng cách thế hệ, cả hai đều có những lý lẽ riêng chẳng thể hiểu được đối phương.
Bố Già phiên bản điện ảnh là một trong những bộ phim đáng xem, nếu bạn là một trong những tín đồ phim gia đình Việt. Bộ phim nói lên những điều đã cũ nhưng một cách đặc biệt, không chỉ là sự hài hước, thân thuộc mà còn là sự nghiêm túc và mới mẻ trong cách làm phim.
Vốn dĩ chúng ta hay nhớ đến mẹ như một người luôn đồng hành trên chặng đường trưởng thành, nhưng đôi khi vô tình quên mất vẫn có một người đàn ông đã nâng niu ta từng bước chân đầu tiên, luôn nỗ lực vì tương lai của các ta. Hãy dành cho người đàn ông vĩ đại đó những điều tuyệt vời nhất như một lời cảm ơn!
Nguồn: TH&PL