Chỉ vài tháng đầu năm 2022, mạng xã hội xuất hiện muôn vàn câu hot trend khiến "người chơi hệ tối cổ" đôi khi phải "dừng khoảng chừng là 2 giây" để tra "Gu Gồ".
Với sự phát triển và sức lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội, các câu nói ấn tượng có thể nhanh chóng trở thành trend và được giới trẻ sử dụng trong thời gian dài. Bằng sức sáng tạo "không tưởng", các Gen Z bắt trend thần tốc và khiến các câu nói này viral khắp cõi mạng.
Cùng điểm lại các câu hot trend đầu năm 2022 để "thoát vai người tối cổ".
Nội dung liên quan
Aiss, chết tiệt, cái thằng chết tiệt này, mày đang làm cái quái gì vậy hả?
Trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc True Beauty do Việt Nam lồng tiếng, câu thoại: "Vì mình quá thích cậu rồi, phải làm sao phải làm sao, cậu cười tươi lên đi, cậu thấy vậy có được không" vô tình gây bão.
Bởi nó vốn là một bài hát dễ thương nhưng khi được Việt hóa lại nghe rất "kỳ cục". Netizen liên tục la ó, đòi trả lại bản gốc, và dần, câu thoại này trở thành trend, được netizen sử dụng một cách hài hước.
Sau đó, một "idol Tóp Tóp" đã làm clip "cà khịa" những bộ phim lồng tiếng Hàn Quốc. Từ đây, câu: "Aiss chết tiệt, cái thằng chết tiệt này mày đang làm cái quái gì vậy hả, haiz chết tiệt" trong clip của anh được lan truyền mạnh mẽ, gây bão mạng xã hội.
Nội dung liên quan
Ét ô ét...
Đây thực chất là cách gọi Việt hóa của từ SOS trong tiếng Anh, nghĩa là Save Our Soul (cứu lấy tâm hồn tôi). Ngoài ra, bàn sâu hơn về cụm SOS thì ban đầu nó có nghĩa là Save Our Ship, tức dùng để cấp cứu những tàu thuyền gặp nạn trên biển. Còn thời nay, chữ này chủ yếu được dùng trong cả những trường hợp cấp bách, khẩn cấp.
Nguồn cơn của trào lưu "ét o ét" hài hước này được cho là xuất phát từ kênh "Tóp Tóp" của Bà Toạn Vlog. Trong clip, khi được hỏi là: "Cô bị ép đúng không? Hãy ra ký hiệu đi", người phụ nữ trong clip đã nhìn vào camera và nói "Ét o ét, ét o ét" (tức là SOS).
Đồng chí tlinh, lên đồ
Câu "Đồng chí tlinh lên đồ" là đoạn lyric của rapper Gen Z RZ Mas trong bài Siren, được công chiếu từ tháng 5/2021. Nhưng đến dịp Tết Nguyên đán 2022, đoạn nhạc này mới được viral mạnh mẽ.
Khi người người nhà nhà xúng xính áo quần đi chơi, bài nhạc này được sử dụng trong các clip biến hình trên "Tóp Tóp". Từ đó, nó trở thành câu trend mà giới trẻ ai nghe cũng hiểu.
Những thằng khác ngại tán em, tại ngán anh
Câu nói này xuất phát từ một đoạn clip biến hình của Thông Soái Ca. Trong bài, anh sử dụng nhạc nền, hiệu ứng thay đổi trang phục kèm câu nói ấn tượng. Lập tức, nó trở nên viral, được nhiều người làm lại theo nhiều phong cách khác nhau.
Thậm chí, các "idol Tóp Tóp" ở Việt Nam, Châu Á cũng đu trend này. Tên tuổi Thông Soái Ca từ đây cũng được nhiều người biết đến.
Chúng tôi chỉ là anh em nương tựa
Cuối tháng 3/2022, Hiền Hồ bị tung loạt bằng chứng cặp đại gia U60, làm tiểu tam phá hoại gia đình người khác. Ông Hồ Nhân - người bị cho là cặp kè với Hiền Hồ sau đó đã trả lời với truyền thông rằng họ chỉ là "anh em nương tựa, giúp đỡ nhau lúc khó khăn".
Ngay lập tức, từ khóa "anh em nương tựa" chiếm sóng các diễn đàn. Những người chơi hệ "hít drama" sử dụng nó như một lời chế giễu cặp đại gia - tiểu tam đang làm cõi mạng ầm ĩ.
Mùa xuân, hoa nở, là vì em
Bản nhạc "hot trend" này được "idol Tóp Tóp" Phát Trần kết hợp giữa nhạc nền bài hát You'll Get Over It do DJ John thể hiện và câu nói: "Thì ra, mùa xuân, hoa nở, là vì em" do anh tự ghi âm. Đây là bản nhạc được anh dùng để thực hiện clip dành tặng bạn gái.
Ban đầu, nền nhạc này được sử dụng để ghép nhiều hình theo nhịp nhạc. Sau đó Thư Thor thấy bản nhạc "quá cuốn" nên đã biên đạo và chỉ một thời gian ngắn đã trở thành xu hướng được netizen hưởng ứng tích cực.
Tôi không ghi âm, ông Yên không ghi âm, vợ ông Yên càng không ghi âm, vậy ai là người ghi âm? Chị Phương
Những đoạn clip Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga phản biện trước tòa trong vụ án tình - tiền với đại gia Cao Toàn Mỹ gần đây được "đào" lại. Chỉ sau vài ngày, các câu nói của Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 viral khắp mọi nơi.
Từ "Tóp Tóp" sang Facebook, câu: "Tôi không ghi âm, ông Yên không ghi âm, vợ ông Yên càng không ghi âm, vậy ai là người ghi âm? Chị Phương" trở thành trend, được netizen biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau làm ai cũng bật cười.
Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề
"Ô dề" được cộng đồng mạng biết đến qua clip của tài khoản @linda_hoang với lời thoại: "Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá là nó ô dề..." và gương mặt trang điểm dày cộm. Clip đã được chủ tài khoản đăng tải lên mạng xã hội vào tháng 12/2021 nhưng đến tháng 3/2022 nó mới được nhiều người biết đến và trở thành xu hướng.
Cư dân mạng sử dụng từ "ô dề" để diễn tả những sự việc, sự vật đang được làm quá, lố lăng hay chỉ mức độ vượt qua chuẩn ban đầu. "Ô dề" thực chất là sự "đọc lái" của từ "over" có nghĩa là vượt qua, quá mức trong tiếng Anh.
Cho em order một ly trà đào lại tất cả số tiền đã tiêu/ matcha đá xay nát chuyện tình đôi ta...
Từ một thử thách đặt thức uống theo cấu trúc "tên + tính từ + cụm từ gây cười" của một fanpage, cư dân mạng đã biến tấu ra muôn vàn caption hài hước. Cấu trúc này được netizen sử dụng khi trò chuyện, bình luận trong bài của nhau, nhiều "idol Tóp Tóp" còn sử dụng nó để quay clip.
Hiện tại, những mẫu câu như "cho em order một cốc trà đá anh ra khỏi đời em", "trà đào cam sả xì-chét" được giới trẻ ưa chuộng, sử dụng rộng rãi.
Để làm gì? Có mặt để làm gì?
Trong một chương trình truyền hình thực tế, với tư cách là huấn luyện viên, siêu mẫu Hà Anh đã có phát ngôn: "Để làm gì, có mặt để làm gì" sau tình huống thí sinh thể hiện quá chán. Câu nói của siêu mẫu lập tức viral khi show này được phát sóng.
Nhiều "idol Tóp Tóp" đã chế lại theo nhiều phong cách khác nhau. Với sức "sáng tạo vô biên", clip này được ghép vào tình huống: Khi sếp kêu tăng ca, khi bạn rủ đi chơi, khi không muốn đi làm...
Hiện các câu nói trend này được netizen sử dụng rộng rãi, biến tấu lại theo nhiều hình thức, từ hài hước đến cà khịa... xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội.
Nguồn: TH&PL