Tình làng nghĩa xóm đôi khi là một câu chuyện rất ý nghĩa, song cũng có thể là những lần phiến toái khiến ta phải “điên đầu”.
Khác với văn hóa nhiều nơi trên thế giới, tại nước ta thì xóm giềng được xem như một nếp sống quen thuộc đối với nhiều người, thậm chí người ta còn truyền tai nhau về câu nói: "Bán bà con xa, mua láng giềng rằng". Đúng là họ luôn là những người thân cận với chúng ta, san sẻ và giúp đỡ trong lúc những lúc khó khăn hay "tối lửa tắt đèn có nhau".
Tuy nhiên, câu chuyện thật sự gây ra nỗi ám ảnh chính là sự phiền toái mà những người hàng xóm mang lại, là khi mọi thứ chúng ta làm đều bị trở thành chủ đề để bàn tán và soi mói, hay những bữa tiệc ồn ào, náo nhiệt. Tất cả đều khiến vấn đề về những người hàng xóm trở thành chủ đề muôn thuở gây ra vô số tranh cãi, không chỉ trong ý kiến mà còn là những mâu thuẫn trong cuộc sống.
Nội dung liên quan
Karaoke trở thành nỗi ám ảnh trong suốt thời gian dài
Việc hát hò trong những con hẻm, góc phố hay những khu xóm làng không còn là chủ đề xa lạ, nó có thể xuất hiện trong một bữa tiệc nào đó hay một buổi ăn uống cùng gia đình. Tuy nhiên, điều đáng để nhắc đến là việc thường xuyên sử dụng loa với âm thanh lớn, khiến chúng trở nên phiền phức và ồn ào đối với nhiều người.
Thậm chí, nhiều gia đình còn sử dụng những giờ nghỉ trưa hay hát đến tận đêm khuya khiến cuộc sống của những người xung quanh gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Chia sẻ cảm nhận về những người hàng xóm ồn ào, Khải (TP.HCM) cho biết bản thân và gia đình luôn phải sống trong những sự căng thẳng và khó chịu, thậm chí mệt mỏi vì sự vô ý thức của hàng xóm.
"Mình thường đi học và làm về đến tận tối muộn, chỉ muốn có một không gian yên tĩnh để xem phim và nghỉ ngơi, nhưng dường như mọi thứ đều quá xa xỉ khi những người hàng xóm của mình hát karaoke rất ồn. Có thời gian vào mùa thi, mình thậm chí còn phải ra quán cafe hay qua nhà bạn để ôn bài vì nếu ở nhà chắc chắn bài vỡ sẽ bị ảnh hưởng", Khải tâm sự.
Cũng tương tự với Khải khi phải chịu đựng sự ồn ào từ hàng xóm, Mẫn (Cần Thơ) chia sẻ: "Mình thì cũng đồng ý việc có tiệc thì nên hát hò cho vui vẻ, xôm tụ nhưng không phải cứ có tiệc là hát đến tận khuya. Mình nhớ có hôm bên họ hát đến gần giữa đêm khiến người xung quanh ai cũng bất bình, dù có đứng ra xin lỗi nhưng mình thấy sau này họ vẫn cứ tiếp diễn".
Ý kiến chỉ là tạm thời, ý thức mới là điều quan trọng
Trong những sở thích, nhu cầu mang tính cá nhân tại một không gian chung thì ý thức là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ quyết định giới hạn của con người trong các hành vi và cân nhắc mọi thứ sao cho phù hợp hơn.
Chia sẻ về câu chuyện của mình, Khải nói: "Gia đình mình cũng đã nhiều lần qua góp ý, cũng như nhiều người phản ánh nhưng phía họ còn có thái độ mỉa mai, chỉ trích ngược lại người xung quanh".
Việc không lắng nghe người khác và chỉ biết nghĩ cho những mong muốn cá nhân mình khiến những người hàng xóm như vậy không có thiện cảm từ người xung quanh. Nhận thức hướng về chính mình đang khiến những mâu thuẫn bị đẩy đi xa và các mối quan hệ hàng xóm láng giềng dần trở nên có vấn đề.
Tương tự như cách giải quyết của Khải, gia đình Mẫn thậm chí còn nhờ đến sự hỗ trợ từ cán bộ phường, "Vì bên phía hàng xóm không có sự tiếp thu và sửa chữa nên có lần gia đình mình phải gọi cả mấy cán bộ phường xuống để làm việc và nhắc nhở họ, bởi tiếng ồn ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người xung quanh", Mẫn chia sẻ.
Nội dung liên quan
Tình làng nghĩa xóm buộc phải lựa chọn thích nghi?
Lựa chọn thích nghi và dung hòa sẽ là một giải pháp tối ưu nhất và hiệu quả nhất để tình cảm có thể được duy trì giữa những hàng xóm với nhau.
Khác với những cách giải quyết trên, Duyên (An Giang) chọn cách giải thích để mọi người cùng hiểu, "Gia đình mình bình thường sẽ im lặng nhưng có lần phía họ hát quá ồn, nên bên mình qua giải thích và thể hiện mong muốn họ sẽ tiết chế, trong những lần sau này thì gia đình hàng xóm cũng bắt đầu có những giới hạn nhất định".
Không phải lúc nào ta cũng nên gây gổ, mâu thuẫn hay tranh luận bởi đôi khi chúng chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Nếu giải quyết được thì cũng nên tìm cách, thay vì nhờ vào sự hỗ trợ các cơ quan bởi chúng có thể vô tình khiến những mối quan hệ hàng xóm láng giềng vô tình bị rạn nứt.
Đôi khi sự nhẫn nhịn và thông cảm cho nhau trong cuộc sống cũng có thể khiến những mối quan hệ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn, đồng ý là có những ảnh hưởng nhất định nhưng nếu nó không thường xuyên và đi quá giới hạn thì ta cũng nên chấp nhận để mọi thứ được dung hòa. Không phải người hàng xóm nào cũng tiêu cực, vẫn sẽ có những người tốt cần được chúng ta trân trọng hơn là việc đánh đồng tất cả.
Nguồn: TH&PL