Các chuỗi karaoke mong muốn lớn nhất hiện nay là sớm được mở lại cơ sở kinh doanh, với hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn.
Khi chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 ngày 11/10 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim... đã kỳ vọng sẽ sớm được đón khách trở lại. Nhưng đến thời điểm hiện nay, các cơ sở kinh doanh karaoke vẫn chưa thể được mở cửa trở lại.
4 đợt dịch diễn ra với hơn 4 lần phải đóng cửa, chỉ mới mở lại được hai tháng, phải tiếp tục đóng cửa đến hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo sẽ sớm được hoạt động trở lại. Các chuỗi karaoke đã cố gắng gắng gượng suốt thời gian qua bằng việc bán bún thịt nướng, bán rau, cơm văn phòng,...
Những chuyển đổi công việc để duy trì kinh tế vẫn không thật sự đem lại hiệu quả và giải quyết được bài toán về chi phí mặt bằng, nhân viên cùng nhiều vấn đề khác.
Mấy ngày qua, hệ thống karaoke ICOOL ở TP.HCM gây "sốt" trên mạng xã hội Facebook với đoạn quảng cáo: "ICOOL trong tầm tay bạn" đúng nghĩa đen nhé, ICOOL mở dịch vụ ship trọn bộ dàn máy tận nhà chỉ từ 2.900.000đ cho 3 ngày (đã bao gồm trọn bộ thiết bị, lắp đặt…).
Đặc biệt, giảm ngay 20% tiền thức ăn nếu khách hàng sử dụng dịch vụ này". Các chuỗi karaoke đã thực hiện rất nhiều biện pháp chữa cháy khác nhau để có thể cầm cự, không phải rơi vào cảnh bị xoá sổ vì dịch Covid-19.
Anh Trung Anh (Chủ karaoke Hoàng Hà) cho biết mùa dịch vừa qua gia đình và cơ sở kinh doanh của mình đã gặp rất nhiều khó khăn, đã phải xoay sở nhiều để có thể vượt qua mùa dịch.
"Việc đóng cửa Karaoke trong thời gian dài như thế này ảnh hưởng nặng nề tới nguồn kinh tế, không có nguồn thu nhưng vẫn phải lo về chi phí lãi ngân hàng , tiền học hành online của con cái,…hàng tháng vẫn phải chi trả, phải lo rất nhiều thứ".
Các chi nhánh, karaoke nhỏ lớn đều rơi vào tình trạng kiệt quệ, đành phải đóng cửa. Xét chung thị trường, ngành karaoke có thể bị xóa sổ. Trên các tuyến đường lớn nổi tiếng nhiều chuỗi karaoke, mọi thứ vẫn khép cửa im lìm suốt thời gian dịch diễn ra.
"Hộ nhà mình kinh doanh karaoke theo mô hình nhỏ nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn, mình phải vay mượn, nhờ đến sự giúp đỡ của phường. Mình chỉ mong dịch sớm ổn định, karaoke được mở cửa trở lại.
Đến nay các ngành nghề thiết yếu quán xá ăn uống, cafe, cắt tóc,…đã dần hoạt động trở lại nhưng ngành nghề giải trí karaoke, bar, vũ trường vẫn chưa có thông tin gì cả, mong dập dịch ổn định và hoạt động trở lại. Những ngành nghề không thiết yếu sẽ an toàn cho người dân và mọi người sẽ đi vui chơi giải trí không phải lo nghĩ về dịch bệnh lây nhiễm nữa".
Đó cũng là nỗi lòng của anh Trường (quản lý karaoke INice) chia sẻ: "Mình mong chuỗi karaoke sẽ sớm được mở cửa trở lại, anh em nhân viên mình đa số là trụ cột trong gia đình. Giờ Sài Gòn bình thường mới, nhưng cuộc sống của mình thì vẫn như trong dịch, mình mong được xem xét để mở cửa, không thì lại phải tìm việc khác mất thôi".
Bên cạnh các chủ quán, hộ kinh doanh, các bạn trẻ cũng nao nức mong đợi rạp phim, karaoke được mở cửa trở lại. Chia sẻ về việc này, Hoài Thương (20 tuổi, TP. Thủ Đức) cho biết: "Mình rất mong được đi karaoke vì đó là hình thức giải trí của mình và team, tụi mình cùng câu lạc bộ văn nghệ nên rất thường xuyên đến karaoke, 5 tháng qua mình đã không được đi, rất mong chờ ngày mở cửa".
Khác với Thương, cô bạn Diệu Hiền lại có những lo lắng nếu karaoke mở cửa lại, do tình hình dịch bệnh chỉ mới ổn, ca bệnh vẫn còn nên sợ sẽ bị lây nhiễm khi các loại hình giải trí mở cửa. "Mình chưa thật sự yên tâm khi mở cửa lại vào lúc này, mong dịch bệnh sẽ không còn nữa để mọi thứ được thật sự trở lại, ai cũng được yên tâm đi học, đi chơi".
Nguồn: TH&PL