Liệu việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đổi tên quốc gia thành Türkiye có phải là điều chưa từng có tiền lệ của thế giới? Và, lý do thực sự đằng sau việc "trùng tu" tên gọi là gì?
Không phải. Trước Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước khác cũng đã đưa ra quyết định thay đổi tên gọi quốc tế. Đôi khi là vì lý do chính trị, số khác là nhằm đánh dấu sự chuyển biến trong lịch sử thuộc địa hoặc là nhằm bảo vệ hình ảnh dân tộc.
Thay đổi tên quốc gia đi kèm với những phức tạp: cập nhật quốc hiệu được ghi trong các văn bản hành chính, biển số xe, đồng phục quân đội, tên đội tuyển quốc gia, thậm chí là đơn vị tiền tệ chính thức.
Thổ Nhĩ Kỳ
Vào tháng 6/2022, động thái đổi tên từ Turkey thành Türkiye của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn hướng đến việc quảng bá hình ảnh đất nước và khẳng định lại bản sắc dân tộc. Ngoài ra, việc thay đổi trên cũng cho thấy người dân cũng như chính quyền cảm thấy không hài lòng khi tên gọi của đất nước bị nhầm với loài gà tây - một từ ám chỉ "người ngốc nghếch".
Hà Lan
Hà Lan cũng đã "đại tu" hình ảnh quốc gia bằng cách xóa bỏ cái tên "Holland". Năm 2020, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ủy ban du lịch và chính quyền trung ương chính thức gọi đất nước này là "Netherlands".
Hiện tại, cái tên Holland chỉ gồm Bắc Holland và Nam Holland, 2 trong số 12 tỉnh của quốc gia châu Âu này.
Quyết định thay đổi tên gọi của chính phủ Hà Lan được cho là một phần của nỗ lực để thoát khỏi mối liên hệ giữa đất nước này với việc sử dụng chất kích thích mang tính giải trí và mại dâm hợp pháp - một yếu tố lôi kéo đông đảo khách du lịch đến thủ đô Amsterdam, tỉnh Bắc Holland.
Bắc Macedonia
Năm 2019, Cộng hòa Macedonia (mặc dù được công nhận là Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ) chính thức trở thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Ngược lại với một số lý do đơn thuần, động cơ lần này là chính trị.
Bắc Macedonia đã tìm cách cải thiện quan hệ với Hy Lạp, nhằm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Athens từ lâu đã tranh chấp quyền sử dụng tên gọi "Macedonia" với quốc gia láng giềng. Hy Lạp không chấp nhận bởi nó trùng tên với một tỉnh miền Bắc nước này. Ngoài ra, họ lo ngại việc sử dụng tên Macedonia có thể ngụ ý yêu sách đòi lãnh thổ với địa phương của mình.
Nội dung liên quan
Do đó, Hy Lạp muốn quốc gia Balkan này từ bỏ sử dụng tên gọi "Macedonia" trên mọi văn bản, giấy tờ chính thức, đồng thời đề xuất các tên như "Cộng hòa Vardar" hoặc "Cộng hòa Skopje" để thay thế. Nhưng sau các cuộc đàm phán kéo dài ba kỷ, cái tên đất nước Bắc Macedonia cuối cùng đã ra đời, song vẫn giữ nguyên cách gọi ngôn ngữ chính thức và người dân là "Macedonian".
Eswatini
Tháng 4/2018, Vua Mswati III đã đổi tên Swaziland thành Vương quốc Eswatini trong lễ kỷ niệm 50 năm giành độc lập từ Anh, như để ghi nhớ việc đất nước này thoát khỏi thời quá khứ thuộc địa. Nhà vua Mswati III cũng không hài lòng về việc "Swaziland" bị nhầm lẫn với tên gọi "Switzerland" của Thụy Sĩ, do bản thân hai nước này cũng có những điểm tương đồng: nước không giáp biển và có nhiều ngọn núi.
Eswatini là tên thời tiền thuộc địa của quốc gia châu Phi này, có nghĩa là "vùng đất của người Swazis" trong tiếng địa phương.
Czechia
Một lần nữa, quảng bá hình ảnh du lịch lại là nguyên nhân đằng sau quyết định đổi tên của Cộng hòa Séc. Năm 2016, chính phủ Séc chính thức đổi tên từ Czech Republic thành Czechia.
Cũng giống như tên chính thức của Pháp (France) là French Republic nên Czech Republic hoàn toàn có thể được gọi là Czechia. Và việc sử dụng tên rút gọn như trên cũng sẽ dễ dàng gắn lên các sản phẩm hơn.
Mặc dù EU, Liên Hợp Quốc và một số doanh nghiệp lớn đã chuyển sang sử dụng Czechia, nhưng cái tên này vẫn chưa được quốc tế biết đến nhiều. Có lẽ vì một lý do là Czechia quá dễ bị nhầm lẫn với Chechnya, một nước cộng hòa thuộc Nga.
Năm 2020, Thủ tướng Andrej Babis nói với báo The Wall Street Journal rằng ông không hề thích cái tên Czechia chút nào. Cụ thể, năm 2013, CNN đưa tin thủ phạm đánh bom ở cuộc thi marathon tại Boston, Mỹ là người Chechnya, đến từ Czechia. Điều này đã thổi bùng làn sóng chống người Czech trên mạng xã hội, buộc đại sứ Czech tại Washington khi đó phải công khai đính chính nhầm lẫn này.
Cabo Verde
Quốc đảo này nằm ở Đại Tây Dương cách bờ biển Senegal khoảng 700 km và đã đệ trình yêu cầu chính thức về việc đổi tên từ năm 2013.
Cabo Verde trước đây được gọi là Cape Verde. Đây là cách "Anh hóa" một phần của từ gốc tiếng Bồ Đào Nha "cabo verde", có nghĩa là "mũi đất xanh". Mặc dù không phải là một mũi đất nhưng quần đảo này nằm ngay bên ngoài điểm cực tây của lục địa châu Phi.
Đằng sau sự thay đổi tên này là các nguyên nhân rất thực tiễn. Bộ trưởng Văn hóa Cabo Verde tại thời điểm đó cho biết đất nước đang tìm kiếm một cái tên tiêu chuẩn hóa mà không cần phải dịch. Ông bày tỏ hy vọng từ "Cabo Verde" sẽ gợi lên những liên tưởng tích cực về mặt trời và biển cả và những con người hạnh phúc khi nhớ về đất nước này.
Sri Lanka
Giống như Eswatini, Sri Lanka cũng đổi tên vì muốn "bước sang trang mới" khỏi thời quá khứ từng là thuộc địa.
Mặc dù việc đổi tên quốc gia được thực hiện từ năm 1972 khi nước này độc lập khỏi sự cai trị của Anh, nhưng phải đến năm 2011, Sri Lanka mới bắt đầu xóa tên thuộc địa cũ là Ceylon khỏi các văn bản chính thức. Tuy nhiên, nhãn hiệu Trà Ceylon nổi tiếng vẫn được giữ lại đến ngày nay.
Cộng hòa dân chủ Congo
Cộng hòa dân chủ Congo ( Congo-Leopoldville, hay Congo-Kinshasa) cũng đã trải qua nhiều lần đổi tên. Từ năm 1885 đến năm 1908, nước này được gọi là "Nhà nước Tự do Congo" dưới sự cai trị của Vua Leopold II, Bỉ. Sau những lần đổi tên thành Belgian Congo (Congo thuộc Bỉ) và Congo-Leopoldville, nước này đã giành độc lập vào năm 1960.
Nhằm mục đích đánh dấu nền độc lập, quốc gia này lấy tên Cộng hòa Congo, vài năm sau đó là Cộng hòa Dân chủ Congo. Vào năm 1971, nhà độc tài Mobutu Sese Seko đổi tên nước thành Cộng hòa Zaire, có lẽ vì Zaire là tên gọi khác của sông Congo. Sau khi ông Mobutu mất năm 1997, quốc gia này lấy lại tên Cộng hòa Dân chủ Congo như trước.
Nguồn: TH&PL