Thủ tướng cho rằng việc học ngoại ngữ ngày nay đang thực hiện rất máy móc.
Theo Thanh Niên đưa tin, sáng 12/1, phát biểu tại hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thiết thực xoay quanh việc tham mưu cho Chính phủ cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp.
"Tôi đọc hồ sơ thấy anh nào cũng có chứng chỉ tiếng Anh, nhưng khi hỏi anh có khỏe không thì lại bảo quê ở chỗ này… Tóm lại là nó rất hình thức, Bộ Nội vụ cắt giảm thế này nhiều người rất hoan nghênh". Đây là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nghiệm vụ năm 2022.
Ông chia sẻ: "Ngoại ngữ rất cần thiết, tôi cứ nói mãi phong trào thanh niên gắn với cái chung chưa chắc đã huy động được sức mạnh tổng hợp. Khi phát động phong trào phải gắn với lợi ích quốc gia, gắn với các đối tượng cụ thể thì các phong trào đó mới sống được. Ngày xưa tại sao "3 sẵn sàng, 3 đảm đang" sống mãi bởi nó thực chất, đi vào cuộc sống".
Thủ tướng cho rằng, nếu cả nước học ngoại ngữ thì rất tốt, học tin học cũng rất cần, bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh môi trường… đó là các phong trào gắn với quốc gia, gắn với con người cụ thể. Nhưng hiện nay, việc học ngoại ngữ lại đang thực hiện rất máy móc.
"Lẽ ra ở khu vực có người dân tộc thì phải học tiếng dân tộc để lăn lộn, hiểu người ta thì lại bắt phải có chứng chỉ là tiếng Anh. Tôi đọc hồ sơ thấy anh nào cũng có chứng chỉ tiếng Anh, nhưng khi hỏi anh có khỏe không thì lại bảo quê ở chỗ này… Tóm lại là nó hình thức, Bộ Nội vụ cắt giảm thế này nhiều người rất hoan nghênh. Tiếng Anh thực sự là rất cần, nhưng phải sát với thực tiễn", Thủ tướng phát biểu.
Trên thực tế, định hướng tuyển sinh Đại học năm 2022 cũng thay đổi phương thức bằng chứng chỉ ngoại ngữ để đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh nhưng cũng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn.
Năm 2021, học sinh sở hữu IELTS từ 5.0 có cơ hội giành lợi thế trong xét tuyển thẳng tại hơn 30 đại học. Tùy từng trường, chứng chỉ ngoại ngữ thường được xét kết hợp với: điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm học bạ hoặc ưu tiên điểm xét tuyển (thí sinh có IELTS được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn).
Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn, để rộng cửa vào đại học. Nhiều giáo viên và chuyên gia lo ngại, việc này gây bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ.
Nguồn: TH&PL