Theo chân 10x đi "phát quà" khắp Sài Gòn: Tình người len lỏi từng hẻm nhỏ giữa dịch bệnh

Sài Gòn giãn cách nhưng chẳng giãn lòng, những món quà được trao đi, những nụ cười được gửi lại.

Sài Gòn hai tháng qua phải gồng mình với cơn bạo bệnh Covid-19, chẳng ai có thể dửng dưng đứng ngoài giông bão. Từ những bác sĩ tuyến đầu, các bạn tình nguyện viên, công an và nay là bộ đội. Ai cũng đang từng ngày chiến đấu với dịch bệnh, cố gắng đẩy lùi dịch, đằng sau đó là những hậu phương vững chắc, là những chiếc lá lành đang góp phần mình ôm ấp những chiếc lá "chưa lành".

"Không thể làm ngơ được, ai nhờ là mình giúp, giúp được người ta là mình vui"

Gen Z một thế hệ hay bị gắn mác là những đứa trẻ vô lo vô tư trước "thế sự", nhưng cô bạn Huỳnh Nhi lại chọn mình một việc làm hướng đến cộng đồng, hướng đến mọi người. Ở tuổi đôi mươi, cô bạn đã cùng những đồng đội của mình rong ruổi khắp Sài Gòn sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 

Ấn tượng nhất khi theo chân cô bạn sinh năm 2000 này, chính là những bức hình ghi lại khoảnh khắc người dân nhận được đồ cứu trợ. Những ánh mắt lấp lánh niềm vui, từ hẻm nhỏ này đến hẻm nhỏ khác, không phân biệt người già, người trẻ, phòng trọ hay vỉa hè, đã chứng minh rằng, tình người vẫn còn ở đó - giữa dịch bệnh lắm đau thương! 

Cô bạn vừa đi học vừa hoạt động tình nguyện, bắt đầu từ những điều bình dị hằng ngày diễn ra trong cuộc sống. Nhi cùng với bạn bè kết nối tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn và cả những người xem đường phố là nhà, nơi trú ngụ dài hạn. 

Huỳnh Nhi chia sẻ: "Quỹ của mình mở được hơn 1 năm. Ban đầu thành lập vì mình thấy người vô gia cư tội nghiệp quá. Mình nghĩ những nơi bảo trợ còn có nhà hảo tâm biết đến, còn người vô gia cư họ yếu thế, không ai quan tâm tới thì họ phải làm sao. Nên mình lập Quỹ."

Quỹ được duy trì và làm việc siêng suốt trong thời gian một năm dài, anh em trong nhóm luôn cảm thấy vui và có thêm động lực khi thấy người ta có cái ăn cái mặc, nỗi lo bữa cơm, miếng ăn cũng được vơi đi phần nào. 

Dịch bệnh ập đến Sài Gòn, người nghèo, người vô gia cư đã khổ này chồng chất hơn nữa trong cái khổ. Nhi cũng chẳng thể nào ngồi yên nhìn hoàn cảnh "kẹt cứng" những tháng qua của Sài Gòn, của người dân mảnh đất hoa lệ này. 

"Đến mấy tháng nay thành phố mình dịch căng thẳng, mình nghĩ nếu ai cũng sợ thì ai sẽ là người giúp đỡ những người cần giúp? Bình thường họ là lao động nghèo đã khó khăn lắm rồi, giờ thêm dịch, phong tỏa các thứ họ lại càng khổ hơn. Không thể làm ngơ được, nên mình quyết định kiêm luôn việc giúp cho những hộ lao động khó khăn, bị phong toả. Ai nhờ là mình giúp, giúp được người ta là mình vui lắm rồi".

Sài Gòn giãn cách nhưng chẳng giãn lòng, những món quà được trao đi, những nụ cười được gửi lại là những gì mà Nhi cùng đồng đội luôn cảm thấy ấm lòng khi đi qua từng con đường, góc hẻm của thành phố. 

Thành phố này người giàu rất nhiều và người nghèo cũng không ít. Nhưng giữa họ luôn có sợi dây gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong lúc dịch bệnh hoành hành thì bất cứ ai cũng trở thành người thân, máu mủ ruột rà, mỗi món quà được trao đi như một điều diệu kỳ nhỏ bé giữa cơn giông lớn.

"Trời ơi ! Sao người ta khổ quá" 

Suốt một năm qua trên hành trình thiện nguyện của mình, Nhi luôn thầm cảm ơn vì có gia đình ở phía sau ủng hộ với những gì bạn làm. Đợt dịch lần này, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào, gia đình cũng có chút lo lắng cho bạn vì công việc hiện tại. Gia đình, dòng họ luôn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để Nhi làm công việc này. 

"Ban đầu thì ba mẹ và dòng họ có hơi bất ngờ vì nghe nói chủng mới này lây nhanh, gia đình cũng sợ, nhưng vì mình cương quyết quá nên chỉ nhắc mình cẩn thận thôi chứ không phản đối gì cả. Ba mẹ còn động viên, bảo giúp được ai thì cứ giúp, vì mình còn trẻ. Dòng họ cô bác cũng vậy, biết được tin mình ra tuyến đầu hỗ trợ bà con cũng động viên nhiều".

Khó khăn và thử thách là đều không thể tránh khỏi vì bản thân còn rất trẻ, việc tìm kiếm nguồn tài trợ đến cả việc xác nhận thông tin người cần giúp. "Khó khăn mình gặp là việc quá nhiều. Vừa thống kê danh sách MTQ, vừa xin giấy thông hành, vừa tính toán mua hàng, tìm chỗ giá hợp lý, vừa nghe đt tiếp, vừa xác minh... rất nhiều việc cần làm. Có khi mình mất ngủ luôn…"

Dù việc có lúc nhiều, khó khăn vẫn còn ở phía trước, thành phố kiểm soát chặt chẽ, việc giúp đỡ mọi người cũng dừng lại nhưng chưa bao giờ Nhi có ý định từ bỏ. Cứ mỗi lần có quà được phát tới tay người dân, cô bạn lại vui khi thấy những ánh mắt của trẻ đám trẻ được nhận quà, nhìn ông cụ rơm rớm nước mắt hạnh phúc. Nhi và đồng đội vui vì biết họ được đầy đủ, được no bụng. 

Đó cũng là động lực để cô bạn vực dậy và làm tiếp. Nhi biết đây là con đường mình chọn nên dù có khó khăn thì cô nàng cũng sẽ vui vẻ đón nhận và bình thản giải quyết. 

"Miễn sao bà con được no bụng là mình yên lòng. Mình thấy khó khăn là 1 cơ hội giúp mình rèn luyện bản lĩnh hơn. Giống như tiêm vaccine vậy, khó khăn bây giờ giúp mình tập trận, sau này cuộc đời có gửi cho mình khó khăn lớn hơn mình cũng không sợ nữa, vì mình có "kháng thể" rồi".

Dẫu cho phố xá mất đi cái nhộn nhịp thuở nào - thì đâu đó trong từng con hẻm, lằn đến từng ngách, từng xẹt vẫn biết bao nhiêu con người đang ngày đêm miệt mài gửi trao tình yêu thương. Họ gửi tấm chân tình để giúp Sài Gòn chóng khỏe, để từng con người bấu víu lấy mảnh đất này không bị bỏ lại phía sau.

Những hình ảnh này có lẽ cũng giúp tất cả chúng ta tin vào ngày mai, tin vào mảnh đất này, tin vào tình người của dân Sài Gòn, dân thành phố nghĩa tình, chẳng bao giờ mất đi chất riêng. Sài Gòn sẽ sớm trở lại với sự ồn ào vốn có của riêng mình, Nhi sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình thiện nguyện, lại ghé qua những con đường, gặp gỡ và trao yêu thương.

"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!

Nhật ký chống dịch: "Thất nghiệp, không kiếm ra tiền thì mình góp sức cho Sài Gòn"

Tình nguyện viên 17 tuổi: Hơn 2 tháng đạp xe đi chống dịch, có lần xém "ngủ" trên cầu Sài Gòn

Các con hẻm Sài Gòn vốn im lặng nay rộn ràng và ấm áp đến lạ thường

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ