The Flu (Đại Dịch Cúm) có thể xem là phiên bản ''điện ảnh hóa'' cho tình hình căng thẳng trong thời điểm đáng quan ngại trên thế giới hiện nay.
Tuy sử dụng motif cũ giữa hàng loạt bộ phim thuộc cùng thể loại Disaster Film (Phim thảm họa) nhưng The Flu (Đại Dịch Cúm) vẫn tạo nên một lối đi riêng cho mình, có sức hút lớn đối với khán giả, đặc biệt hơn trong bối cảnh thực tế hiện nay.
The Flu - khắc họa một Budang thất thủ trước sự lây lan dịch bệnh
The Flu (Đại Dịch Cúm) là bộ phim xoay quanh câu chuyện kể về sự bùng phát của một chủng loại virus lây lan qua đường hô hấp H5N1 đột biến gây chết người trong vòng 36 giờ kể từ khi ủ bệnh, làm quận Budang của thành phố Seongnam, Hàn Quốc - nơi có dân số của gần nửa triệu người rơi vào tình trạng bế tắc, hỗn loạn.
Mối quan hệ giữa nữ bác sĩ chuyên khoa nhiễm In-hae (Soo Ae) và con gái của cô Mi-reu (Park Min-ha) với anh chàng đội trưởng đội cứu hộ Ji-goo (Jang Hyuk) là "xương cột sống" tạo thành diễn biến xuyên suốt của câu chuyện trong bộ phim.
Bối cảnh xuất hiện đầu tiên của The Flu mở ra trong một khoang của container - nơi vận chuyển người lao động trái phép đến Hàn Quốc. Ở một diễn biến khác, "cái duyên" giữa Ji-goo khi cứu In-hae ra khỏi vụ tai nạn là "mắt xích" quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của Mi-reu trong cuộc sống sau này của Ji-goo.
Dịch bệnh bắt đầu bùng phát và lan rộng khi hai kẻ buôn người ở Budang phát hiện và bị lây nhiễm vi rút từ toàn bộ người lao động trái phép trong container đã mất, duy chỉ còn cậu bé nhập cư người Philippine Monssai - người có kháng thể với dịch bệnh đã chạy thoát.
Vì là loại virus lây nhiễm qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan chóng mặt khắp Budang với những triệu chứng sốt, ho, xuất huyết dù chỉ là "điện ảnh hóa" lên những vẫn khiến người xem cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của loại dịch bệnh này.
Chỉ trong 40 phút đầu tiên, đạo diễn Kim Sung-su đã không mất thời gian dài dòng để dẫn phim, thay vào đó đi vào luôn cốt truyện chính. Khán giả sẽ được theo dõi một câu chuyện ngắn gọn nhưng hoàn chỉnh, từ việc virus có nguồn gốc từ đâu, triệu chứng như thế nào, cách xử lý vấn đề của đội ngũ y tế và chính phủ ra sao, tâm lý của người dân đối với dịch bệnh thế nào... Nhịp phim nhanh khiến bầu không khí trong phim luôn diễn ra trong căng thẳng, hồi hộp và lo lắng.
Hai tiếng chưa bao giờ là đủ đối với một tác phẩm xuất sắc như The Flu
Bối cảnh phim có tính ẩn dụ, thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau: Một Budang tươi sáng, yên ả vô tình tiếng còi xe cứu thương đã phá vỡ không gian yên bình đấy dự báo cho một thảm họa sắp đến, một khu cách ly u tối, khói khử khuẩn tràn ngập khiến người xem cảm thấy "ngộp" như chính vấn đề đội ngũ y tế và chính phủ đang phải đối mặt và một Budang đang dần sáng hơn với phát súng đầu tiên khi đã tìm ra vaccine khi thành công nào cũng đi cùng với sự mất mát.
Phim có nhiều góc quay đại cảnh rất đẹp, kỹ xảo tạm ổn và phần thiết kế bối cảnh, tạo hình nhân vật thật sự xuất sắc. Việc hóa trang cho các nhân vật bị nhiễm bệnh trong The Flu khiến làm người xem cảm thấy "rùng mình" trước sự nguy hiểm của nó. Cách xây dựng mạch phim nhanh khiến người xem khó lòng có thể rời mắt và bị cuốn vào phim suốt 2 tiếng đồng hồ.
Phim Hàn Quốc nói chung và The Flu nói riêng rất thành công khi biết cách lấy đi cảm xúc cho khán giả và một điều tạo nên sự thành công này chính là việc lựa chọn âm thanh một cách chuẩn xác, hợp lý. The Flu đã làm tốt việc này khi tạo ra được một bối cảnh hỗn loạn, chen chúc, xô đẩy nhau vì đại dịch khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.
Phim xoay quanh câu chuyện giữa ba nhân vật In-hae (Soo Ae), Ji-goo (Jang Hyuk) và Mi-reu (Park Min-ha) nên The Flu thành công không thể không nhắc đến dàn diễn viên thực lực đã tạo những những "khoảnh khắc'' rất đắt giá cho phim. Dàn diễn viên phụ cũng có những màn xuất hiện khiến khán giả "nhớ mặt chỉ tên" dù thời gian xuất hiện rất ít.
Tình cảm đan xen khiến khán giả "khó xử" không biết nên đánh giá là đáng thương hay đáng trách
Tình cảm gia đình thiêng liêng giữa In-hae và Mi-reu là điều vô giá. Khoảnh khắc cô bé Mi-reu dang tay bảo vệ mẹ trước nòng súng của quân đội: "Không được bắn mẹ cháu", có thể được xem là chi tiết đắt giá nhất của bộ phim. Mặt khác, hành động của bác sĩ In-hae lấp liếm cô con gái đã bị lây nhiễm dù chính In-hae là người hiểu rõ nhất được sự nguy hiểm của nó như thế nào thực sự khiến người xem vừa đáng thương, vừa phẫn nộ khi mang trên vai trọng trách của một người mẹ, vừa là một người bác sĩ.
Nhưng có lẽ chỉ những ai làm cha mẹ rồi mới hiểu được khi con mình đang ở bờ vực sinh tử và liệu rằng nếu đặt bạn vào trong bối cảnh của In-hae thì bạn có đủ dũng cảm để hi sinh con mình vì lợi ích chung của xã hội không?
Không chỉ có tình cảm gia đình mà tình cảm giữa những con người xa lạ với nhau như Ji-goo với Mi-reu, tình cảm tổng thống Hàn Quốc với người dân của họ: "Bất luật thế nào cũng không được nổ súng vào người dân. Ông không nhìn thấy đứa trẻ sao, toàn bộ những con người đó đều là Quốc dân của tôi."
Những nhân vật, những câu chuyện được kết nối với nhau bằng tình cảm. Tình cảm giữa người với người trong mọi hoàn cảnh khó khăn trở nên ấm áp hơn bao giờ hết, The Flu cũng như thế. The Flu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khiến người xem cảm thấy xã hội này dù như thế nào thì vẫn luôn tốt đẹp và ý nghĩa đến thế.
Kết
Tóm lại, The Flu mang lại cho khán giả rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ căng thẳng lo lắng, cho đến sợ hãi, bất lực, phẫn nộ, cảm động rồi đến hạnh phúc... Đây thật sự là một tác phẩm hay cho dòng phim thể loại thảm họa này của điện ảnh Hàn Quốc mang đến cho người xem nhiều suy nghĩ xoay quanh câu chuyện phòng chống và xử lý dịch trước khi nó trở thành thảm họa đại dịch.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người. Thông qua tuyến bài Reply Covid-19, CineON sẽ giới thiệu đến độc giả những tác phẩm truyền hình và điện ảnh có chủ đề dịch bệnh. Đây là những thước phim đầy chân thực, nhằm người xem nâng cao nhận thức về những vấn đề xoay quanh dịch bệnh.
Nguồn: TH&PL