"Sống hai cuộc đời" không chỉ là quyền lợi mà còn là con dao hai lưỡi.
Sự trỗi dậy của bộ môn drag queen và cú "chuyển mình" của lô tô kéo theo bước phát triển tích cực của cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam. Khi những ánh nhìn kì thị đã bớt nặng nề, con người sống dưới màu cờ lục sắc có nhiều cơ hội để thể hiện bản sắc cá nhân và hòa nhập cùng xã hội.
Nội dung liên quan
Những ngày qua, công chúng trở nên xôn xao với hình tượng "phụ nữ" của Thanh Duy Idol khi anh quyết định theo đuổi bộ môn nghệ thuật drag queen với nghệ danh là Delilah. Đáp trả những đồn đoán về việc chuyển giới, anh cho biết bản thân định dạng giới tính của mình là nam nên sẽ không chuyển giới vì "muốn sống hai cuộc đời".
Trong khi câu chuyện về nguyện vọng "sống cuộc đời thứ hai" đang thu hút sự quan tâm của công chúng, xã hội dấy lên câu hỏi: "LGBTQ+ sống hai cuộc đời, vậy con người nói chung có thể sống nhiều cuộc đời hay không?".
Nội dung liên quan
Mưu cầu hạnh phúc được xem là yếu tố quyết định cho quyền được sống một, hai hay nhiều cuộc đời của con người, không chỉ cộng đồng LGBTQ+. Ngay cả hiện nay, bộ môn giả nữ drag queen cũng đã có sự góp mặt của nhiều bản dạng giới từ nam, nữ dị tính, đồng tính nữ, người chuyển giới, queer… chứ không còn chỉ riêng dành cho người đồng tính nam, miễn họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với công việc này.
Không nhất thiết "sống hai cuộc đời" sẽ nói về việc con người sở hữu nhiều bản dạng giới và sống đúng với bản dạng giới trong tùy hoàn cảnh, mà có thể về công việc, đời tư hay là sở thích. Họ có thể trông như một vị bác sĩ chăm chỉ và kỷ luật vào ban ngày nhưng lại sống đời nghệ thuật bằng những tác phẩm hội họa kinh điển như trường hợp của họa sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hải.
Điển hình như những ký giả, bên ngoài họ vẫn là những người cha, người mẹ, người con,... của gia đình nhưng lại là "chiến thần" sống trong các bài báo với ngôn từ sắc bén, hay kèm theo đó là một sở thích nghệ thuật có thể đưa họ vào trạng thái hạnh phúc.
Liên Hợp Quốc từng tuyên bố và nhấn mạnh: "Mưu cầu hạnh phúc là một mục tiêu cơ bản của con người". Do đó, dù sống một hay nhiều cuộc đời đi chăng nữa, con người đều có chung một điểm đến mang tên hạnh phúc.
Không thể nào nhận xét một người đang sống cuộc đời tốt hay xấu vì chính họ mới là người có thể hiểu và thấy hạnh phúc với chính quyết định của mình. Song, sống như thế nào để trở nên có ích và đóng góp cho xã hội, tối thiểu là không phạm pháp hay vi phạm pháp luật, lại là bài toán khó của "những cuộc đời còn lại".
Câu chuyện "muốn sống hai cuộc đời" của Thanh Duy là con dao hai lưỡi khi vừa truyền cảm hứng tích cực đến những người mắc kẹt trong vỏ bọc da người nhưng lại trở thành cái cớ của các thành phần bất hảo. Khi ranh giới giữa biến chất và truyền cảm hứng trở nên mong manh hơn bao giờ hết, người ta vịn vào quyền lợi "sống nhiều cuộc đời" để trình diễn những mặt tối bên trong như điều hiển nhiên.
Đầu năm 2021, dư luận đã từng xôn xao với Bùi Văn Lĩnh như một trường hợp mượn quyền lợi "cuộc đời thứ hai" để trốn lệnh truy nã suốt 14 năm. Sau khi bị chính quyền ra lệnh truy nã, tên trùm ma túy Hải Phòng đã bỏ trốn thân phận lúc bấy giờ để sống cuộc đời thứ hai mang tên Bùi Phương Linh nhờ vào phương pháp phẫu thuật chuyển giới.
Trường hợp khác vào đầu năm 2022, một nhà sư với nghề buôn nhang (hương) liên tỉnh bị bắt giữ vì hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả tài liệu của cơ quan, sử dụng tài liệu giả của cơ quan. Theo đó, nhà sư bị bắt bởi những lỗi lầm mà "cuộc đời thứ nhất" mang tên Trần Văn Biết đã gây ra cho xã hội. "Cuộc đời thứ hai" dường như bị lợi dụng với vai trò là "tấm áo choàng" che đậy tội ác của những tên tội phạm.
Ngay cả với lĩnh vực nghệ thuật, người ta cũng đã vô tình hoặc cố ý tố lên mong muốn "sống cuộc đời thứ hai" như cách để rũ bỏ trách nhiệm người cha, người chồng của cô đào Lệ Liễu trong tác phẩm điện ảnh "Lô Tô".
Từ đó, con người có quyền được sống một, hai hay nhiều cuộc đời miễn rằng cuộc đời của họ ít nhất không vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tự do không đi cùng công bằng cho nên sự tự do "sống cuộc đời khác" cần được con người tiết chế trong những chuẩn mực hướng đến những giá trị nhân văn.
Câu chuyện "sống cuộc đời thứ hai" như Thanh Duy không phải là vấn đề mới mẻ nhưng đáng được xã hội quan tâm, chú ý để tránh tình trạng vi phạm ranh giới giữa biến chất và truyền cảm hứng.
Nguồn: TH&PL