Lô tô và drag queen là biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+.
Mỗi khi nhắc đến những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, câu trả lời cho thắc mắc "họ làm gì trong xã hội đầy kì thị?" có thể là từ buôn gánh bán bưng cho đến bác sĩ, kĩ sư. Nhưng trên hết, lô tô và drag queen chính là những nghề nghiệp đặc trưng gắn liền với tên tuổi của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam.
Nhân dịp Pride Month, tháng tự hào của cộng đồng LGBTQ+ là thời điểm để kể lại câu chuyện và tôn vinh quá trình gắn bó của lô tô, drag queen và những người đang theo đuổi bộ môn này.
Nơi "chứa chấp" những mảnh đời "lạc loài"
Dọc theo những con đường sông nước miền Tây, sự yên bình của một vùng quê về đêm như được tắt đi bởi những tiếng hát của các cô đào lô tô. Xuất phát từ gánh cải lương, lô tô từ vị trí một "món ăn lót dạ" cho khán giả nay đã độc lập trở thành một văn hóa đặc trưng của những người thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Nội dung liên quan
Theo trưởng đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, Lộ Lộ cho rằng "lô tô xuất phát từ những năm kháng chiến chống Pháp". Những người hát lô tô đảm nhận vai trò hoạt náo để câu giờ cho các nghệ sĩ cải lương. Đến một thời điểm, lô tô đủ mạnh và tách ra thành một bộ môn nghệ thuật riêng biệt.
Lúc ấy, lô tô vẫn chưa xuất hiện bóng dáng của người chuyển giới cho đến những năm 70-80 của thế kỷ trước. Lô tô trở thành một "ngôi nhà" để những người có xu hướng chuyển giới hoặc đã chuyển giới đến để kiếm sống giữa xã hội "nhiều kì thị" lúc bấy giờ.
Cô đào lô tô La Kim Quyền miêu tả cuộc sống của đoàn lô tô hơn 20 năm về trước chỉ bằng ba chữ "thật khó khăn". Được tiếp xúc với lô tô từ sớm, "cô Mén" La Kim Quyền đến với lô tô khi nhận ra bản thân là người của cộng đồng LGBTQ+ và bản thân cô thuộc về những con số lô tô.
La Kim Quyền dưới đòn roi và la rầy từ gia đình vì giả nữ, cô quyết định bỏ nhà theo đoàn hát lô tô: "Đối với một người mới như Quyền, cuộc sống bấy giờ không hề êm ả. Mình không có tiền đóng giường nên không có chỗ ngủ. Mỗi ngày đi hát chỉ kiếm được 15 nghìn, Quyền phải đi mua đồ si đa với duy nhất 5 bộ đầm mặc diễn".
Nội dung liên quan
Cụm từ "bỏ nhà theo đoàn lô tô" có lẽ vận vào cuộc đời của đa số cô đào lô tô lúc bấy giờ. Họ là những người bị "xiềng xích" bởi ánh mắt kì thị của xã hội, sự cấm đoán của gia đình và trong chính thân xác họ đang mang.
Vio Hồ, một người mẫu gen Z nổi bật của cộng đồng LGBTQ+ ví lô tô là "ước mơ đời đầu mà những anh chị từ xưa có thể chạm tới, được làm chính mình, thoả đam mê với tình yêu nghệ thuật, yêu ánh sáng sân khấu, làm những điều mang niềm vui cho người khác".
Như những thước phim trong "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", khán giả có góc nhìn chân thật về đời sống lô tô của không chỉ các cô đào chuyển giới mà còn là những người dị tính, gọi chung là những kiếp người "trôi sông lạc chợ".
Bộ phim khắc họa rõ nét những thăng trầm của một đoàn lô tô hoạt động liên tỉnh vào thời kì khó khăn. Cho dù điều kiện còn khắc nghiệt với họ, những cô đào lô tô luôn cố gắng để có thể cống hiến tài năng và đam mê sân khấu bằng những màn trình diễn váy áo lộng lẫy, không xa hoa nhưng chỉn chu và bài bản.
Những lần bị sự kì thị của xã hội quấy rối, con người trong đoàn lô tô sống tạm bợ, tính cơm theo ngày với hy vọng được thở của chính giới tính thật. Từ đó, lô tô trở thành một nền văn hóa, hay nói đúng hơn là xã hội thu nhỏ của cộng đồng LGBT lúc bấy giờ.
Song, với sự phát triển của xã hội và ảnh hưởng to lớn của truyền thông đại chúng, điển hình như bộ phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", cộng đồng LGBT nói chung và lô tô nói riêng dần chạm đến lòng rung cảm của công chúng. Chính niềm đam mê sống chết của các cô đào và cái nhìn thoáng hơn của xã hội, lô tô đã tự tạo nên một tia sáng dẫn đường đến sự phát triển mạnh mẽ như hôm nay.
Lối rẽ từ lô tô, drag queen thống lĩnh hộp đêm
Sau khi tung hoành một khoảng thời gian dọc theo mọi miền đất nước, lô tô chợt rơi vào "khoảng lặng". Lý do đến từ cuộc sống quá cơ cực và khắc nghiệt của lô tô lúc bấy giờ, đã có nhiều người "bỏ của chạy lấy người" rời khỏi đoàn lô tô như một chuyến đi "cầu thực" lúc bấy giờ.
Thế hệ khán giả trẻ không còn mấy mặn mà với lô tô, sân khấu vẫn tiếng nhạc nhưng vắng tiếng người. Một số cô đào chuyển giới ráng chèo chống đoàn lô tô với trăm miệng ăn ngày nào cũng phải đành gãy gánh, như chị Phụng.
Khi đó, người ta rủ nhau tụ điểm vui chơi sáng trọng hơn, náo nhiệt hơn, đó là các hộp đêm, vũ trường. Tại thế giới "nightlife", hình bóng của cộng đồng LGBTQ+ tiếp tục xuất hiện nhưng không tạp kỹ và hát hò. Drag queen để nói đến các nghệ sĩ nam hóa trang nữ và hát nhép theo nền nhạc.
Họ trang điểm cầu kì và ăn mặc lộng lẫy một cách thái quá, trình diễn những vũ điệu sôi động trên nền nhạc Âu Mỹ. Và như thế, drag queen là ngã rẽ hành trình của bộ môn nghệ thuật lô tô đại diện cho cộng đồng LGBTQ+.
Gia Kỳ - nghệ sĩ drag queen đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ rằng: "Kỳ bắt đầu làm drag queen tại những show diễn nhỏ của cộng đồng LGBTQ+ những năm sau 2010. Sau đó, một anh bầu từ Singapore về Việt Nam đã tạo nên những nhóm drag queen nhỏ để diễn ở các tụ điểm quán bar". Thời điểm mà drag queen xuất hiện tại Việt Nam cũng là lúc lô tô thịnh hành hơn bao giờ hết với xấp xỉ trăm đoàn "đại bang" khắp cả nước.
Song, ánh hào quang của lô tô không còn sáng chói nữa, đó là lúc drag queen lên ngôi. Về hoạt động drag queen giai đoạn 2017 - 2018, Gia Kỳ bộc bạch: "Đó là thời kì hoàng kim của drag queen, một đêm mà Gia Kỳ phải chạy 6 - 7 quán bar dọc theo đường Đồng Khởi chỉ với 1 hóa trang duy nhất, vì không có thời gian để hóa trang lại."
Theo đó, theo những người trong cộng đồng LGBTQ+ như La Kim Quyền cho đến Gia Kỳ, hơi hướng drag queen len lỏi vào từng nền văn hóa khác nhau dưới nhiều thức như hát phản xuyến của Trung Quốc, và tại Việt Nam là lô tô. Mãi đến khi truyền thông phát triển, văn hóa drag queen chính thống mới được du nhập vào Việt Nam để trở thành một nhánh riêng biệt và độc lập của cộng đồng LGBTQ+.
Nội dung liên quan
Cho đến nay, drag queen phổ biến tại các hộp đêm cũng như trên truyền thông báo chí. Tuy chỉ là một nghề nghiệp trả lương bằng sự thỏa mãn đam mê, nhiều người vẫn lựa chọn bộ môn này để cống hiến cũng như sống với chính những mong ước chôn sâu trong tâm tư họ.
Ví dụ điển hình là nam ca sĩ Thanh Duy Idol, là một ca sĩ thành danh, anh vẫn chọn con đường drag queen để thể hiện tính cách cá nhân dù biết rằng thu nhập sẽ không bằng ca sĩ chuyên nghiệp.
Khi nhận được câu hỏi về sự kết hợp giữa lô tô và drag queen, cô đào lô tô gần 25 năm kinh nghiệm - La Kim Quyền chia sẻ: "Quyền đang diễn lô tô cho đoàn và sẽ có một vài đêm diễn kết hợp trình diễn tiết mục drag queen. Những đêm có tiết mục drag queen thực sự khán giả rất đông, nghẹt cứng ngắc. Quyền mong mỏi sân khấu sẽ có nhiều sự kết hợp giữa lô tô và drag queen để khán giả có những tiết mục đa sắc cũng như thu hút người xem cho đoàn"
Hiện tại, khi lô tô "lột xác" kèm theo sự trỗi dậy của drag queen, khán giả nhiều cơ hội nhìn thấy hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ màu sắc và đầy sức sống trên sân khấu với trường lộ lô tô - drag queen.
Nguồn: TH&PL