Ths. Phan Quốc Dũng và niềm trăn trở về những mảng xanh của núi rừng

Tốt nghiệp 2 bằng thạc sĩ của châu Âu ở tuổi 25, Phan Quốc Dũng vẫn chọn về với núi rừng với một tình yêu to lớn dành cho thiên nhiên.

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với anh Phan Quốc Dũng, câu nói làm tôi trăn trở nhiều nhất chính là: "Để có một bạn trẻ nào đó nói với mình là bạn ấy quan tâm đến môi trường thì hiếm lắm!". Điều này làm tôi ngạc nhiên, bởi vì tôi nghĩ Gen Z đang là thế hệ có tầm nhận thức về vấn đề môi trường tốt nhất và chính họ sẽ có đủ khả năng để cải tạo nhiều vấn đề môi trường trong tương lai. Nghe hơi vĩ mô, nhưng thực chất tôi đã tin như vậy!

Và tôi chính là một trong số những Gen Z "hiếm hoi" dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về môi trường. Đó là lý do tôi cảm thấy hào hứng với cuộc trò chuyện lần này cùng anh Phan Quốc Dũng - người có niềm đam mê và một tình yêu rừng cháy bỏng. Hiện tại, anh là cán bộ hiện trường của dự án phát triển toàn diện chuỗi giá trị Tre Việt Nam. 

ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0

Năm 2018, anh từng là thủ khoa kép Đại học Lâm Nghiệp, sau nhiều lần giành các học bổng ngắn hạn ở nhiều quốc gia trên thế giới, anh đã chinh phục thành công học bổng du học toàn phần ERASMUS MUNDUS trong vòng 2 năm với bậc học thạc sĩ. Sau đó anh đã tốt nghiệp Thạc sĩ song bằng EU ngành Quản lý rừng nhiệt đới, Rừng và sinh kế. Năm 2021, anh trở về nước và đang công tác cho ngành lâm nghiệp Việt Nam đến nay. 

picture

Phan Quốc Dũng

Sinh năm 1995 - Thạc sĩ song bằng EU ngành Quản lý rừng nhiệt đới, Rừng và sinh kế

"Rừng vàng, biển bạc" đã không còn đúng nữa rồi!

Chào anh Phan Quốc Dũng, tại sao anh lại chấp nhận gắn bó với công việc “ăn với núi, ngủ với rừng” đầy khó khăn như thế?
Để nói về sự bắt đầu của niềm đam mê, có lẽ là do hồi nhỏ mình sống ở vùng ngoại ô, cũng có một số dịp được bố mẹ dắt đi vườn quốc gia Ba Vì ở Hà Nội. Lần đầu tiên mình đứng ở trong một môi trường mà có nhiều cây xanh bao bọc như vậy, và mình thì nhỏ bé trong không gian đó. Nhưng mình không cảm thấy "choáng ngợp" mà yêu thích trải nghiệm đó nhiều hơn.

Ở giai đoạn chọn ngành, chọn nghề mình quyết định thi vào trường Đại học Lâm nghiệp để có cơ hội để tiếp xúc với những gì mình thích. Trong quá trình học tập, mình được đi khá nhiều nơi, đa phần là các khu vực miền núi ở phía Bắc. Mình đi với mục đích học tập, trải nghiệm đến những vùng đất có núi rừng.

Đam mê mình theo đuổi hơi ngược hướng so với giới trẻ. Giờ đa phần các bạn thích làm công việc kiểu thành phố xô bồ, vui vẻ nhưng mà về cơ bản cuộc sống và công việc của mình hiện tại lại ở trong rừng khá nhiều. Nhưng mình cảm thấy "sướng", chứ không thấy khổ.
Lúc đó anh có nghĩ nghề này sẽ kiếm ra tiền không hay chỉ chọn vì đam mê thôi?
Thời điểm mình phải chọn ngành chọn nghề đã cách đây 10 năm. Lúc đó, mạng xã hội chỉ mới du nhập vào Việt Nam, không hề có một hội nhóm nào để chia sẻ các thông tin liên quan đến học tập, thi cử, ngành nghề và việc làm như Gen Z bây giờ. 

Mình cảm giác hồi xưa, mọi người chọn ngành chủ yếu do gia đình sắp đặt, hai là sẽ đi theo con đường mình thích. Còn nếu như không thể đi theo con đường mình thích thì chỉ vào đại một trường nào đấy để có bằng đại học thôi.

Việc mình chọn trường Đại học Lâm Nghiệp, ít ra nó đã phù hợp với sở thích của mình. Có chăng sau này ra trường, nếu có thành công hay không thành công thì mình vẫn không hối tiếc vì ít nhất mình đã thích nó. 
Làm việc với núi rừng một thời gian dài, đến bây giờ anh nghĩ như thế nào về sự có hạn của "rừng vàng, biển bạc"?
Thật ra những câu tục ngữ, thành ngữ của người xưa có rất nhiều câu đúng tuy nhiên cũng có rất nhiều câu không thực sự đúng cho lắm. Và câu “rừng vàng biển bạc” là một trong số đó.

Câu này có nghĩa là khi bạn không kiếm được tiền ở thành phố thì bạn có thể về rừng để chặt một cái cây hay đánh bắt một con cá là "đào" ra tiền. Nhưng rừng hay biển đều không phải là oxi hay tài nguyên vô hạn.

Rừng bây giờ không còn là rừng tự nhiên nữa, đa phần là sau khi đã chặt phá, khai thác rồi thì mọi người sẽ trồng bù lại bằng những cây công nghiệp để lại tiếp tục khai thác. Nhưng cá rồi cũng sẽ hết, cây rồi cũng sẽ hết, nếu như chúng ta thật sự khai thác quá mức và không nghĩ đến tương lai thì có thể 20 - 30 năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ không hề biết đến rừng tự nhiên là như thế nào nữa...
ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0
Nhưng anh có nghĩ chính Gen Z sẽ là thế hệ tiềm năng trong việc nhận thức tốt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn "rừng vàng, biển bạc"?
Thật ra, sinh viên trường Đại học Lâm Nghiệp ngày xưa rất đông nhưng một vài năm trở lại đây thì số lượng sinh viên không còn nhiều nữa. Có thể là do định hướng của phụ huynh hiện đại bây giờ đã khác, hoặc do các bạn ấy không còn quan tâm đến những vấn đề này.

Để có một bạn trẻ nào đó nói với mình là bạn ấy rất quan tâm đến môi trường, đến rừng và biển thì mình thấy hiếm lắm. 

Nhưng mình tin là nếu Gen Z được truyền cảm hứng và thực sự quan tâm đến vấn đề này thì các bạn ấy sẽ là những nhân tố rất là nổi bật để giúp lan tỏa thông điệp đến cho mọi người. 

Ví dụ vào năm 2019 có cháy rừng ở Úc, thời điểm đó cũng có rất nhiều những clip ghê rợn về việc sinh vật rừng chết, rừng cháy đỏ lửa,... mình thấy Gen Z cũng rất quan tâm và chia sẻ nhiều. Tuy nhiên 1 - 2 tuần sau đó, rừng nước ta ở Nghệ An cũng cháy rất lớn, nhưng lại ít có ai nhắc đến. Vấn đề quan trọng ở đây là có thể các bạn quan tâm đến môi trường nhưng chưa đủ, các bạn chưa thực sự nghĩ đến những cái hiện hữu ngay xung quanh mình. 

Người khác "bỏ phố về rừng", mình thì "bỏ phố giúp rừng"

“Bỏ phố về rừng” có phải là một công cuộc chạy trốn phố thị?
“Bỏ phố về rừng” tức là những bạn đã có cuộc sống ở thành phố, nhưng rồi vì áp lực quá nên mới bỏ lên rừng thì đó mới đúng là định nghĩa của cụm từ này. 
Đa phần là những người trung niên một chút, người trẻ cũng có, họ là những người đã trải qua công việc văn phòng ở thành phố lớn, sau 2 - 3 năm áp lực công việc thì người ta mới bắt đầu bỏ để về tìm sự bình yên. 

Còn bản thân mình, câu chuyện “bỏ phố về rừng” nghe cũng khá tương đồng, nhưng mà vì tính chất công việc nên mình mới về với rừng, với núi. 
Nhưng sự "trốn chạy" của anh lại rất có ích...
Đúng, cái này thì mình hoàn toàn đồng ý. Vì đa số các bạn “bỏ phố về rừng” để phát triển những dịch vụ như homestay, farming,... họ tận hưởng và sống cho bản thân nhiều hơn. Còn giá trị mà họ mang lại sẽ không nhiều bằng những người làm lâm nghiệp hiện tại.

Đó là những người chấp nhận rời xa thành phố để về với rừng nhưng không vì mục đích cá nhân mà vì mục đích chung của cả cộng đồng. Họ mong muốn mang những thông tin, kiến thức, cập nhật đến cho người dân để giúp họ hiểu được hơn vai trò cũng như là sự ảnh hưởng của rừng đến với đời sống. 

Cho nên mục đích của những người chọn bỏ phố về rừng để làm gì lại có khía cạnh khác nhau. Mình không nói riêng mỗi mình mà mình nói chung với tất cả những người làm ngành lâm nghiệp - họ đều là những người rời xa thành phố để về những vùng núi và mang lại những giá trị cho xã hội.
ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0
Là một người trẻ từng đi đến 20 quốc gia trên thế giới, anh có so sánh như thế nào về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng của các quốc gia khác so với Việt Nam?
Để nói về số đông ở Việt Nam, có thể chùng ta biết thừa đến những thông tin phải bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định,... Tuy nhiên trong những nhóm bạn đi ra công viên thì đâu đó vẫn còn khá là nhiều nhóm còn tụ tập ăn uống và để luôn những túi rác ở đó chứ không dọn. 

Còn những nước mà mình đã đến là quốc gia đã phát triển nên ý thức đã trở thành hệ thống. Ở các nước này thì họ đã phân loại rác từ trong các hộ gia đình, họ còn có những máy tái chế ở trong siêu thị. Và hàng loạt những việc làm thiết thực để người dân tự ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Ví dụ chai nước ở Việt Nam bán với giá 5 nghìn, nhưng chai nước ở nước ngoài lại bán giá 6 nghìn. Trong đó có 5 nghìn tiền nước và 1 nghìn tiền vỏ chai. Sau khi mình mang vỏ chai đến thì sẽ nhận lại được 1 nghìn. Còn nếu không mang vỏ chai lại thì bạn sẽ chấp nhận “trả giá” với việc mua một chai nước đắt hơn so với bình thường. 

Ở Việt Nam thì mình chưa nghe đến thông tin có máy đổi rác lấy tiền. Nhưng có rất nhiều những nhóm bạn trẻ, tổ chức người ta cũng có những hình thức tương tự như đổi rác lấy cây xanh. Tuy nhiên nó chỉ thu hút được một bộ phận nhất định thôi chứ không thể nào tạo được một sự lan toả lớn. Bởi vì không phải ai cũng thích cây xanh, vì khi người ta đổi rác thì sẽ mong muốn nhận được tiền, đó là nhu cầu phổ biến. 

Du học cũng giống như được nhảy khỏi miệng giếng

Là một thợ săn học bổng chính hiệu, theo anh học sinh, sinh viên ở Việt Nam cần làm gì để có thể giành được những học bổng tốt? 
Mình nghĩ có 3 yếu tố chính mà các bạn cần xây dựng lộ trình rõ ràng ngay từ năm nhất đại học. 

Thứ nhất là phải đảm bảo được điểm GPA cao nhất có thể, thì cơ hội giành học bổng sẽ rộng mở hơn.

Thứ hai, phải tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều nhất có thể và vai trò của mình trong các hoạt động đó phải có sức ảnh hưởng lớn. Vì ở phương tây người ta cần tìm những bạn sinh viên toàn diện, vừa học giỏi, vừa năng nổ để có thể kết nối cộng đồng, chứ không cần những bạn mọt sách. 

Thứ ba, phải tạo nhiều mối quan hệ với các thầy cô và bạn bè nhiều nhất có thể. Vì họ chính là một bộ lọc nhất định để bạn biết được những chương trình nào phù hợp nhất với chuyên ngành của mình, thay vì mình phải lên google tìm kiếm quá nhiều chương trình lan man. 
Thời điểm trước đây, hầu như sinh viên du học đều nhờ học bổng và auto giỏi. Còn bây giờ đã không còn chuyện du học về nước là được “trải thảm” bởi vì tỉ lệ du học tự túc quá cao và làm giảm chất lượng của sinh viên đi du học. Anh nghĩ như thế nào?
Đối với quan điểm của nhà tuyển dụng ở thời điểm hiện tại thì họ vẫn đánh giá cao hơn những bạn đi du học bằng học bổng. Sòng phẳng thôi, bạn bỏ thời gian, bỏ công sức, bỏ trí tuệ ra để giành lấy suất học bổng đó thì bạn phải hơn những người bỏ tiền ra để đi du học.

Đó là đầu vào của việc du học, còn lại người ta cũng phải nhìn nhận rằng là trong quá trình du học thì kết quả cuối mà bạn nhận được là gì? Bạn học được gì? 

Sẽ có hai tiêu chí để họ đánh giá tuyển dụng. Một, nguồn bạn đi du học là gì? Hai, kết quả bạn đi du học là gì? Dù du học tự túc hay bằng học bổng thì chúng ta vẫn phải nhớ rằng du học sinh đều phải sang để học tập thì hãy cố gắng để giành được kết quả tốt nhất có thể. 
ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0
Nhiều bạn nói đi du học là để trải nghiệm giáo dục quốc tế, tiếp xúc văn hóa và cải thiện ngôn ngữ,... Nhưng có phải cứ đi du học là sẽ đáp ứng được tất cả những trải nghiệm tuyệt vời này?
Cái này chính xác. Bởi vì khi đã du học thì lúc này cụm từ “chủ động” mới phát huy tác dụng. Nếu là sinh viên Việt Nam thì mình sẽ không nói đến vấn đề chủ động nữa bởi vì đa phần các bạn đều rất năng động và tích cực trong việc phát triển bản thân.

Tuy nhiên khi sang nước ngoài, đó là một môi trường mới, các bạn phải học cách thích nghi và sinh tồn. Nhiều bạn rơi vào trường hợp bị động và không còn chủ động như khi ở Việt Nam nữa.

Tấm bằng IELTS các bạn có đôi khi không giúp được cho các bạn trong việc giao tiếp. Điều này dễ khiến các bạn bị cô lập trong lớp học, dần dần bị cô lập trong chính thành phố ấy.
Từng du học ở khá nhiều quốc gia trên thế giới, vậy điều quý giá nhất mà anh nhận được là gì?
Giá trị mà mình nhận lại được chính là góc nhìn. Nó vô hình thôi nhưng mà khiến cho bản thân mình trở thành bản thể hoàn hảo hơn so với mình hồi trước.

Giống như câu chuyện “ếch ngồi đáy giếng” chúng ta hay nói. Hồi xưa mình chỉ loanh quanh ở môi trường trong nước thôi nên mình sẽ không hiểu được cách thức hoạt động, cách thức vận hành của thế giới như thế nào. Sau khi đã nhảy được lên miệng giếng, phóng được tầm mắt ra xa hơn một chút thì mình nhận ra rằng là không phải nước ngoài cái gì cũng tốt, và không phải Việt Nam cái gì cũng xấu.

Giống như hồi xưa các bạn ấy thường hay nghĩ là cứ phải đi du học thì mới trưởng thành và phát triển. Nhưng không, sau khi mình đi và trải nghiệm du học xong rồi thì mình mới nhận ra là nó còn phụ thuộc bởi rất nhiều yếu tố chứ không phải mỗi việc là mang cái mác sinh viên ở nước ngoài về là “oai”.
ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0
Vậy công thức để thành công đối với anh là gì?
51% chủ động + 29% sự chăm chỉ + 15% động lực bản thân + 5% may mắn. 

Tại sao lại có công thức đấy, bởi vì mình tin rằng có rất nhiều người giỏi nhưng mà người ta không thể thành công được vì thiếu đi sự may mắn. May mắn không thể chỉ 1% hay 2% được mà nó sẽ nhiều hơn, đối với mình chiếm đến 5%.

Còn sự chủ động tại sao lại chiếm đến 51% vì nó không thể là câu chuyện 50 - 50, nếu chủ động thì tôi thành công còn không chủ động thì thất bại. Mình phải để hẳn 51%, bởi vì nếu muốn thành công thì phải chủ động trong tất cả mọi việc.
Cảm ơn anh Phan Quốc Dũng vì cuộc trò chuyện này!
ths phan quoc dung va niem tran tro ve nhung mang xanh cua nui rung - anh 0

Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực. 

Nữ Gen Z làm bất động sản: 'Có nhan sắc thì dễ chốt sale, nhưng...'

Bboy Lê Hiếu (B4): 'Mình đang thành công bằng nhảy múa, tại sao phải dừng?'

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ