Tập làm văn kiểu mẫu: Xin lỗi!

Hôm nay chuyển qua bàn luận cách làm văn xin lỗi sao cho... có lời xin lỗi.

Ai cũng từng trải qua một tuổi thơ với "công thức tập làm văn", ví dụ như: Tả con vật em yêu thích. 

Bài làm: "Nhà em nuôi rất nhiều loại động vật, nhưng mèo là loài em yêu quý nhất".

Từ cách mở bài như vậy, có thể dễ dàng linh động qua các dạng đề: Loài hoa yêu thích/Loài cây yêu thích/Món đồ chơi yêu thích...

Bài văn nào cũng cần nhất là mở bài. Phần mở bài phải làm sao cho suôn mượt mới dễ dẫn dắt người đọc vào thân bài.

Vậy, nếu đề bài là Lời xin lỗi, thì sao?

tap lam van kieu mau xin loi - anh 0

Công thức xin lỗi dành cho… bất kỳ ai

Dạng 1: Ngắn gọn, vào vấn đề

Tôi + thông tin về "tôi" + xin lỗi + lý do + xin rút kinh nghiệm

Ví dụ: Tôi là A, năm nay 12 tuổi, nhà ở bến sông. Hôm nay tôi muốn gửi lời xin lỗi vì đã lỡ giấu dép của bạn B khiến bạn B mất thời gian tìm kiếm. Tôi xin hứa sẽ rút kinh nghiệm, không tái phạm.

Dạng 2: Cao cấp

Lưu ý: Đây là cấu trúc truyền thống, vị trí các thành tố có thể thay đổi linh hoạt để phù hợp với mục đích sử dụng. Nhưng phải đảm bảo đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

Mở bài: (Vẫn là) giới thiệu về bản thân.

Thân bài:

  • Một đoạn giải thích là tóm tắt lại tình hình: Sự im lặng của em trong nhiều ngày qua không phải vì né tránh, em chỉ mong muốn dành sự tôn trọng riêng tư cho tất cả những người có liên quan. 
  • Một đoạn kể khổ để khơi gợi lòng trắc ẩn: Hơn cả là khi chuyện bắt đầu xảy ra, em đã quá suy sụp và khủng hoảng tinh thần. Cho đến bây giờ, em mới tạm bình tĩnh và ổn định tinh thần để có thể nói ra những suy nghĩ của bản thân. 
  • Nhận sai nhẹ nhàng lần 1: Mấu chốt của vấn đề chính là sai lầm của bản thân em khi để mình rơi vào một mối quan hệ mang nhiều tai tiếng. Giờ đây em phải đối mặt và gánh chịu. 
  • Dùng quá khứ để phủ nhận gián tiếp cáo buộc: Những thông tin xung quanh, dù đúng hay sai thì việc giải thích không còn quan trọng ở hiện tại nữa. 
  • Nhận sai nhẹ nhàng lần 2: Em xin nhận lỗi về bản thân và gửi lời xin lỗi chân thành đến tất cả những người vì chuyện này mà bị ảnh hưởng.
  • Xin lỗi: Xin lỗi khán giả, những người biết và yêu mến em.
tap lam van kieu mau xin loi - anh 0
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Fine Art America)

Kết bài: Đã là văn xin lỗi, cái kết phải thật hoành tráng, thấm đẫm nước mắt

Tôi biết + một lỗi nào/ góc cá nhân cần được tôn trọng + cảm xúc của người xem + cảm xúc tột độ của bạn + lời chào thân ái/ quyết thắng/ nước mắt/ mong tha thứ.

Ví dụ: Là người trẻ, em cảm thấy mình có phần chưa chín chắn trong suy nghĩ và ứng xử, dẫn đến nhiều hệ lụy không lường trước được. Em rất mong được sự thông cảm, bao dung và lòng trắc ẩn của tất cả mọi người. Mong dư luận không đào sâu để không gây ảnh hưởng đến những người có liên quan.

Lời xin lỗi không có giá trị

Tất nhiên rằng từ hồi học tiểu học trong môn tập làm văn đã có những bài tập kiểu: "Kể về lời xin lỗi đáng nhớ nhất cuộc đời em", "Em nghĩ thế nào về ý nghĩa của lời xin lỗi?". Căn nguyên của những bài tập này không chỉ ra rằng là ai đó cần xin lỗi khi phạm lỗi, mà còn cần phải xin lỗi một cách chân thành và thật tâm nhất, cùng với một-cam-kết-ngầm, rằng sẽ không tái phạm nữa, chẳng hạn!

tap lam van kieu mau xin loi - anh 0
Ảnh minh hoạ (Nguồn: inc.com)

Nhưng văn mẫu chép chung dễ để lại ấn tượng: chép lấy chép để cho có, sáo rỗng, vô hồn, "chữa cháy" để khỏi bị đánh 0 điểm vì tội để giấy trắng.

Đặc biệt, có những lời xin lỗi thiếu giá trị khi xin lỗi chưa đúng người. Ví dụ, cô A gây ra lỗi với cô B, nhưng lại đi xin lỗi người C, D, E,... vậy là đã xin lỗi chưa?

Xin lỗi là một nghệ thuật, và người xin lỗi cần phải hội tụ nhiều yếu tố như: Khéo léo, đủ thuyết phục, chân thành và đúng người.

Xin lỗi, nói thì dễ, nhưng đã nói đúng chưa mới là vấn đề quan trọng.

Đừng biến lời xin lỗi trở thành một “cụm từ miễn phí”!

Ồn ào tình ái của Hiền Hồ: Đâu chỉ phụ nữ, đàn ông cũng có một phần trách nhiệm!

'Nữ tướng' Sơn Kim Group nói gì sau khi Hiền Hồ xin lỗi?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ