Khi dịch Covid-19 kéo dài, nhiều ngành nghề trong đó có giải trí đã linh động chuyển sang hình thức online, vậy sẽ có những điều khác biệt gì?
Để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả cũng như thích nghi với việc giãn cách xã hội dài ngày, nhiều chương trình như Nhanh như chớp, Lạ lắm à nha, Ca sĩ bí ẩn, Bí kíp vàng… đều đã chuyển sang hình thức ghi hình online.
Không chỉ có sự khác biệt về cách ghi hình, phần dựng hậu kỳ cũng có sự thay đổi để đảm bảo chất lượng chương trình khi lên sóng ở mức tốt nhất có thể.
Nội dung liên quan
Những ngày làm hậu kỳ "dã chiến"
"Nhân sự hiện gần 30 thành viên, mỗi tuần có 10 - 15 chương trình lên sóng nên việc điều phối nhân sự khá nhiều.Trước đây, khi còn làm offline ở công ty, chúng tôi có thể trao đổi trực tiếp với nhau nhưng hiện chỉ có thể liên lạc qua các ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại" - chị Khánh Ly, trưởng phòng hậu kỳ của Đông Tây Promotion chia sẻ với .
Làm hậu kỳ "dã chiến", mọi người vẫn phải tuân thủ theo lịch làm việc như bình thường. 8h sáng, chị Khánh Ly sẽ bắt đầu tìm các thành viên trong team, ai chưa có mặt sẽ được "đánh thức" để chuẩn bị bắt đầu công việc.
"Chúng tôi sẽ họp vào 9h sáng hàng ngày để nắm được tình hình sản xuất các show, bàn về format show thay đổi từ ghi hình phim trường thành ghi hình online tại nhà các nghệ sĩ rồi lại tổng hợp để phổ biến cho anh em trong team.
Dựa vào lịch tổng nhận được, tôi lập một bảng kế hoạch hậu kỳ rồi tạo từng group riêng để phân bổ cho nhân sự dựng, trao đổi format, kết nối với biên tập và sản xuất. Nhưng lịch thì ôi thôi, 'xoay chuyển như vũ bão' để chạy kịp với chỉ thị giãn cách nên lịch ghi hình cũng thay đổi theo, có khi thay đổi theo tuần có khi còn đổi theo từng ngày.
Lịch mà thay đổi thì nhân sự hậu kỳ lại thay đổi, ví dụ tới ngày đó bạn sẽ nhận source ghi hình của show này để dựng, nhưng lùi lịch ghi hình thế là lại phải ba chân bốn cẳng bay sang chép source để hỗ trợ cho chương trình khác." - chị Ly chia sẻ.
Nội dung liên quan
Thời gian qua, khán giả đã dần quen thuộc với những smart-content lên sóng từ ekip Đông Tây Promotion. Trường Giang làm MC Nhanh như chớp, trò chuyện với dàn khách mời như Hari Won, Duy Khánh, Puka, S.T Sơn Thạch… hay nghệ sĩ kiêm luôn cả làm âm thanh ánh sáng để quay hình.
Vì ghi hình online, team dựng sẽ nhận file từ các nghệ sĩ nhưng thời điểm này, mỗi người làm việc ở một nơi khác nhau nên việc gửi file, kết nối giữa các team rất khó khăn, source gửi về cũng không đồng nhất.
"Như trước đây, VTR sẽ lấy source từ camera man ngoài phim trường, còn giờ là từ nghệ sĩ và người chơi. Mọi người cũng chỉ có thể ghi hình bằng smartphone, máy chụp hình sẵn có rồi up file, gửi link cho ekip.
Rồi sau đó là sync file, các bạn VTR cũng làm từ xa, nếu gấp quá thì các bạn dựng tự sync luôn để kịp tiến độ.
Có một khó khăn khá lớn là ngày trước, biên tập cắt dựng ở công ty có thể truy cập để lấy source master luôn nhưng bây giờ work from home (làm việc tại nhà - PV), file thì nặng nên mọi người phải chuyển đổi video, gửi cho biên tập cắt nội dung xong gửi lại project cho dựng nên mất khá nhiều thời gian cho việc gửi file qua lại." - chị Ly cho biết.
Trong giai đoạn này, team dựng sẽ chia thành 2 nhánh, 1 nhánh làm việc 3 tại chỗ ở công ty và 1 nhánh work from home.
2 nhánh này sẽ làm việc song song với nhau, người làm việc ở nhà sẽ dựng offline khoảng 70% thời lượng còn nhân sự ở công ty chịu trách nhiệm vừa dựng offline 30% thời lượng vừa xuất file gửi đi xử lý âm thanh, chỉnh sửa với biên tập và sản xuất, nhận feedback của đài rồi lại chỉnh sửa để cho ra sản phẩm cuối cùng.
"Lịch ghi hình của sản xuất kéo dài nguyên tuần thế là việc final với dựng nhiều khi phải lọ mọ đêm hôm. Nhiều đêm mình vừa ngủ vừa nghe ting ting trong các group công việc" - chị Ly nói.
"Làm từ xa nhưng vẫn phải như ngồi sát nhau"
Nói về những khó khăn khi làm hậu kỳ "dã chiến", trưởng phòng hậu kỳ của Đông Tây Promotion cho biết có rất nhiều, làm từ xa nhưng vẫn phải như đang ngồi sát nhau. Lịch thay đổi liên tục, show này hỗ trợ show khác, thay đổi format cho phù hợp… và chưa tính đến nhiều nhân sự đang ở khu phong tỏa.
Vì lần đầu thực hiện smart-content, mọi người phải lên mạng tìm hiểu các show thế giới ghi hình theo format online như thế nào để học hỏi, áp dụng, từ việc chia khung hình, kết nối và chuyển cảnh, liên kết nội dung…
"Khung hình và màu sắc source gửi về không đồng nhất nên phải điều chỉnh rất nhiều. Việc lấy file cũng khó khăn hơn vì dung lượng video lớn, nghệ sĩ không phải ai cũng rành về cách gửi file nên phải hướng dẫn.
Một vấn đề lớn với các bạn làm việc tại nhà là file thì lớn còn mạng internet thì chậm, có khi download cả mấy tiếng. Đang tải mà rớt mạng thì thôi, xác định 'yêu lại từ đầu'. File nặng quá, xử lý bằng máy tính ở nhà cũng sẽ rơi vào tình trạng 'chờ tí để máy tính xử lý'.
Các bạn làm việc ở công ty thì sẽ chạy qua chạy lại đủ các máy để gửi source, gửi xong là quên luôn mình đang định làm gì, ý tưởng mới nghĩ ra đâu mất rồi ta, não ơi em quay lại nào" - chị Ly hài hước kể.
Riêng về những nhân sự làm việc 3 tại chỗ ở công ty, mọi người được hỗ trợ từ A đến Z chuyện ăn uống, ban giám đốc cũng gửi đồ ăn như trái cây, nước uống, mực khô…
"Mà ở công ty thì không thể đầy đủ như ở nhà, ngày trước là chăn ấm nệm êm, bây giờ phải ngủ túi ngủ dưới sàn nhà. Đi tắm phải chờ nhau đến lượt hoặc cứ vắng là tranh thủ chạy ù đi.
Tâm lý mùa này cũng rất quan trọng, cứ hàng ngày nghe tin nhà bạn này phong toả, nhà bạn kia có người nghi nhiễm bệnh, những bạn camping chỉ biết gọi điện về cho người thân. Ví dụ như trường hợp một bạn dựng đang làm việc thì người thân gọi điện thoại báo mẹ ở nhà nghi nhiễm bệnh mà không về được…
Thế là lại hỏi thăm, khích lệ tinh thần cho mọi người, ban giám đốc cũng có nhiều buổi giao lưu online để nói chuyện, chia sẻ và động viên".
Nguồn: TH&PL