Sống trong khu phong tỏa và là người sản xuất smart-content trong mùa dịch, chị Ái Phương đã gửi gắm với những chia sẻ về khoảng thời gian ở nhà giãn cách xã hội.
2 tháng 4 ngày qua,
Đó là khoảng thời gian tôi chôn chân ở nhà.
Mọi thứ xung quanh tôi từ có màu hy vọng đã chuyển sang thất vọng rồi nhuốm màu stress vì phải ở nhà quá lâu. Và tôi còn tận mắt chứng kiến nhiều ca F0, người thân gia đình đi cách ly và thậm chí là xung quanh nhà có những người hàng xóm "ra đi không kịp nói lời từ biệt".
Nội dung liên quan
Là một người làm nghề giải trí, tiêu chí đầu tiên của tôi là "phải giải trí". Cuộc sống mỗi người đều có những khó khăn, vất vả thì nhiệm vụ của tôi trong công việc là mang đến nụ cười có ích, giúp mọi người xả stress và thỉnh thoảng khiến họ đồng cảm, có rơi nước mắt cũng là những giọt nước mắt tích cực.
Bản thân tôi cũng có khuynh hướng như thế nên thường mang những cái khó khăn, sợ hãi của mình thành sự châm biếm hay trào phúng, vì mình tự cười được là tự vượt qua được.
Nhà tôi nằm trong khu phong tỏa, và cũng gặp khó khăn giống như những cư dân khác, có lo lắng, có sợ thiếu lương thực… Hẻm nhà tôi vẫn có thể ra vào bằng lối khác nhưng chính lúc này, tôi cảm nhận sâu sắc cái gọi là tình làng nghĩa xóm.
Mọi người nhận được gì từ chỗ phát rau củ từ thiện cũng chia sẻ với gia đình tôi. Đến việc mua ổ bánh mì, tưởng chừng đơn giản cũng trở thành khó khăn. Thế là 1 người mua được tầm 10 - 15 ổ rồi chia đều cho các hàng xóm.
Cứ vậy, nhiều nghĩa cử đáng yêu xuất hiện trong mùa giãn cách. Có lẽ sau lần này, tôi đã có cái nhìn khác về những hàng xóm của mình.
Thời điểm hiện tại, ngành nghề nào cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng giải trí từ đầu mùa dịch đã xác định không thể ghi hình tập trung nên cả công ty Đông Tây Promotion chứ không riêng gì team của tôi phải tính toán rất nhiều format, phương án để đảm bảo vẫn có show phát sóng.
Ngay từ khi có thông báo work from home, tôi tự lên plan cho bản thân để cuộc sống ở nhà không nhàm chán và phải hữu ích. Mỗi buổi sáng, tôi vẫn dậy sớm như thường lệ, tự nấu ăn cho mình và con rồi tranh thủ thời gian học cách ăn eat clean để giữ sức khỏe, tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Đúng giờ, tôi sẽ bắt đầu những cuộc họp của mình về format mới của các show, rồi lên plan ghi hình như thế nào nếu xảy ra trường hợp A, B… và thậm chí đã có chương trình tính đến trường hợp E để chạy đua với Chỉ thị của Chính Phủ.
Buổi chiều là thời gian tôi duyệt file và lại tiếp tục họp bởi chương trình vẫn phải lên sóng, bằng cách này hay cách khác. Cuối ngày, tôi sẽ tập thể dục sau khi hoàn thành báo cáo công việc. Vài ngày trong tuần, tôi đăng ký học online để tự nâng cấp bản thân, đồng thời để giết thời gian.
Team của tôi chỉ vài người nhưng vẫn tự làm được mini show Radio 15Hz (lên khung sườn, biên tập, edit, dựng file) để tạo content hoàn toàn mới trong mùa dịch với những chủ đề như Sài Gòn mùa yêu xa, Sài Gòn mùa này có ổn không?.
Smart Content là việc cần làm để thích nghi với thời cuộc. Không làm được show lớn, ghi hình với hàng trăm khán giả, chúng tôi linh hoạt chuyển sang học hỏi những Tiktoker hay Youtuber ghi hình với một ekip siêu gọn nhẹ, kết hợp kho tài nguyên sẵn có của công ty thì mọi khó khăn đều được giải quyết.
Cái khó duy nhất là sau khi ra được ý tưởng và format phù hợp, cần có sự hợp tác của nghệ sĩ, chấp nhận đồng ý tham gia cùng mình.
Ở phim trường, mọi thứ sẵn sàng trước khi nghệ sĩ đến phim trường, bây giờ đến việc làm âm thanh ánh sáng, quay phim họ đều phải tự chuẩn bị trước khi on set.
Tôi về DatViet VAC từ khi mới tốt nghiệp Đại học và gắn bó với rất nhiều chương trình như 2 mùa Vietnam Idol, So you think you can dance, Ơn giời cậu đây rồi, Người Bí ẩn… Và dĩ nhiên không thể thiếu "đứa con tinh thần" 7 nụ cười xuân của team tôi.
Tôi có nhiều kỷ niệm với 7 nụ nhưng đáng nhớ là những lần ăn sinh nhật mình trên phim trường. Khán giả thấy nghệ sĩ lầy lội, đối với ekip sản xuất họ cũng không tha. Năm nào mọi người cũng chúc mừng tôi bằng nhiều kiểu, mà khi kết thúc thì không một bác tài xế taxi hay xe ôm nào dám chở tôi về nhà.
Nội dung liên quan
Mỗi lần ghi hình xong, ai cũng ngán ngẩm vì "phim trường như chiến trường" cho nghệ sĩ lẫn ekip đều lầy lội như nhau.
Các chương trình tôi làm đều như đứa con của mình. Trong thời điểm khó khăn này, tôi có thể sản xuất Tần số 15 và Radio 15Hz, đó là hai chương trình có nhiều kế hoạch sản xuất và thay đổi chóng mặt nhất đến thời điểm hiện tại.
Với Tần số 15, chúng tôi đã hoàn thành 5 MC link, 4 clip ca nhạc chỉ trong 1 ngày trước khi thực hiện giãn cách.
2 tháng 4 ngày chưa đến công ty, tôi nhớ không khí làm việc. Nhiều bạn trong team còn trêu tôi rằng "sợ bị cưa ghế nên cứ đòi lên công ty giữ ghế". Nhưng thật sự, tôi muốn lên lau chùi, sắp xếp dọn dẹp lại, và dán ở bàn làm việc dòng chữ "Make New Chapter Better".
Sài Gòn ơi, mau khỏe nhé!
Ái Phương,
Điều hành sản xuất 7 nụ cười xuân.
"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL