Nhiều người vẫn than phiền ngày nay Tết không còn mang đến cảm giác so với khoảng thời gian trước, nhưng trên thực tế chỉ có con người đang dần thay đổi.
Cứ gần đến dịp Tết thì nhiều người trưởng thành thường có xu hướng cảm thấy ngày Tết không còn được trọn vẹn như ngày xưa hay đơn giản là không còn thấy được không khí vốn có ở thời gian trước, số khác thì lại ngán ngẫm và sợ hãi dịp xuân về. Tuy nhiên, thực tế thì chúng vẫn tồn tại ở đó mà chẳng có bất kỳ sự thay đổi nào, chỉ có con người ta dần có nhiều nhu cầu, cũng như nỗi niềm riêng khiến cách nhìn nhận về Tết với nhiều điều khác biệt.
Sau một năm mất mát và đau thương từ những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, điều này càng được nhận thấy rõ khi nhiều người cũng chẳng còn nhu cầu được về quê, không háo hức hay có mong muốn được mua sắm… Tất cả đều bị thay thế bởi những lo lắng về nguồn thu nhập sắp tới hay những nỗi bất an riêng với tình hình không chắc chắn của Covid-19.
Niềm vui khi nhỏ thay thế bởi nhu cầu của cuộc sống
Trẻ con thường rất dễ vui, dễ cười, cảm xúc cũng rất nhanh chóng nên dịp lễ tết đến chúng thường rất háo hức mà chẳng có bất kỳ sự lo nghĩ nào. Trong khi đó, người trưởng thành nhận thức được sâu sắc về hiện thực cuộc sống, với vô số những nhu cầu khác nhau đòi hỏi họ phải thực hiện để đáp ứng cuộc sống, những điều này đã khiến tâm trạng con người có nhiều sự thay đổi.
Những lo toan và bộn bề trong cuộc sống không phải thứ cảm xúc nhất thời có thể dễ dàng quên được, chúng chính là một quá trình dài, thậm chí là đeo bám con người đến hết cuộc đời. Đó là một sự thật phũ phàng trong cách sống của nhiều người, chính chúng đã làm chúng ta đôi khi quên mất những niềm vui nhỏ thường ngày hay đơn giản chỉ là một giây phút bình yên.
Cuộc sống càng hiện đại, con người càng xuất hiện nhiều nhu cầu khác nhau hơn trong cuộc sống, những giá trị cốt lõi từ lâu cũng dần mất đi. Tết cũng là một trong số đó, họ có quá nhiều mong muốn riêng cần theo đuổi thay vì một ngày Tết sum họp vỏn vẹn vài ngày, đôi khi cũng chẳng còn quá xem trọng ngày này và mong muốn chúng sớm qua đi để có thể tiếp tục lao động.
Đôi khi vì cuộc sống buộc họ phải tuân theo những điều như vậy, để có tiền mưu sinh nhiều người chấp nhận không về quê, du học sinh xa nhà không có điều kiện về quê ăn tết hay đơn giản là lương Tết gấp 3. Bên cạnh những mong muốn của con người, thì đâu đó là những hoàn cảnh cuộc sống với nhiều câu chuyện riêng biệt, nhưng đã cho thấy sự khắc nghiệt của thực tế cuộc sống.
Khi trưởng thành, chúng ta có nhiều sự bận tâm hơn
Dường như sau một năm dịch bệnh khó khăn vừa qua, điều này còn được nhận thấy rõ ở rất nhiều người, khi họ cũng chẳng còn mong muốn được đoàn tụ với gia đình vì nhu cầu "cơm áo gạo tiền". Với nhiều người thì Tết chỉ có vài ngày, nhưng khi trở về quê họ sẽ phải đối mặt với vô số những khoản tiền khác nhau, trong khi ở lại thành phố làm lại có thêm được nhiều hơn tiền lương.
Cuộc sống của người lớn vốn dĩ luôn là chuỗi ngày gắn liền với sự tính toán, bởi lẽ điều này mới có thể giúp họ tồn tại trước cuộc sống đầy khó khăn này. Theo một lẽ thường tình của cuộc sống hiện đại là con người ngày càng có ít niềm vui hơn, ngày tết cũng vì thế mà bị nhiều người bỏ quên trong cuộc sống tất bật hằng ngày.
Cái "vị" Tết của người trưởng thành cũng đi kèm với sự cô đơn và lạc lõng, mơ hồ về cuộc sống bản thân, cũng chẳng còn khoác cho mình cái vẻ vô tư, hồn nhiên để có thể vô lo vô nghĩ về cuộc sống phía trước. Không khí của những ngày cận Tết cũng quay quanh khối công việc chưa giải quyết xong nhưng quay đi ngoảnh lại thì tiếp tục hết một năm.
Đó còn chưa kể dịp Tết đến thì nhiều người phải đối mặt với vô số những câu hỏi "kém duyên" từ người xung quanh, những áp lực về tuổi tác, tiền lương hay việc yêu đương, lập gia đình… Tất cả đã khiến nhiều người có xu hướng tránh né ngày Tết như cách để bảo vệ bản thân mình và mượn cớ "Tết nhạt" để bao biện cho nỗi sợ ngày Tết của bản thân.
Tết vẫn ở đó, chỉ có con người đang dần thay đổi
Không khí Tết của những năm tháng trưởng thành sẽ luôn gắn liền với thứ gọi là trách nhiệm, mỗi năm mới đến là mỗi sự thay đổi hoàn toàn khác biệt nhau theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu tết thì vẫn ở đó, mà chỉ có con người đang dần "lớn lên" với rất nhiều những mong muốn cao lớn được ấp ủ, thay cho một cảm giác bình yên hay vui vẻ của ngày Tết.
Ta cảm nhận vị Tết khác đi rất nhiều hay liên tục trách móc tết nay lại nhạt hơn Tết xưa, nhưng tất cả lại đang đến từ cảm xúc của con người nhìn nhận về ngày lễ truyền thống này. Nhiều người thậm chí còn cho rằng những giá trị văn hóa này nên loại bỏ vì tốn kém và mất thời gian, nhưng họ lại quên mất rằng cách chúng ta tiếp nhận một vấn đề mới có thể quyết định được mặt tích cực và tiêu cực của nó.
Rõ ràng cái không khí se lạnh của tiết trời vào xuân vẫn ở đấy, hoa mai hoa đào vẫn đua sắc nở, trẻ em vẫn háo hức trên đường, chợ vẫn đông… nhưng cái không tròn đầy ở đây là thực tế chúng ta đã trưởng thành. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều người xem Tết là một dịp để họ có thể sum họp với gia đình sau một năm vất vả với công việc và cuộc sống, niềm vui đơn giản cũng chỉ là được về nhà và nhìn thấy những người mình yêu thương vẫn khỏe mạnh.
Tết trong lòng mỗi người là hoàn toàn khác nhau, có nhiều người chán ghét thì cũng có người háo hức, có thể thấy chúng nhạt nhưng số khác thấy hạnh phúc. Tất cả những dư vị của ngày Tết hay lựa chọn cách sống sẽ không giống nhau ở tất cả chúng ta, nhưng cần nhìn nhận để thấy rằng sau một năm vất vả thì đây là thời gian ta nên dành cho bản thân và gia đình.
Nguồn: TH&PL