Không phải tự dưng các câu nói văng tục, từ ngữ kém duyên được tiêm nhiễm vào đầu của trẻ trong độ tuổi mới lớn.
“Không có lửa thì sao có khói”
Không khó để bắt gặp những cảnh tượng học sinh ung dung văng tục tại các quán trà sữa, lề đường hay thậm chí trước cổng trường. Bất chấp không gian, thời gian và môi trường xung quanh, miễn là thấy thoải mái, lứa học sinh hiện nay rất thoải mái và phóng khoáng trong cách sử dụng ngôn từ dẫn đến hành vi ứng xử không đúng chuẩn. Đặc biệt trên không gian mạng xã hội, học sinh còn sử dụng các từ ngữ thô bạo và xúc phạm đến cả danh dự người khác mà không bao giờ nghĩ đến tác hại của nó.
Vậy nguyên nhân bắt nguồn từ đâu mà chuyện học sinh văng tục "hay như hát" được diễn ra?
Nội dung liên quan
Bước vào thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển như hiện tại, chuyện những đứa trẻ vừa sinh ra đã được tiếp cận với điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã không còn quá xa lạ. Đôi khi có những đứa trẻ đã dần tạo thành một thói quen xấu, phải được xem các chương trình giải trí, ca nhạc thiếu nhi trên điện thoại thì quá trình ăn uống mới diễn ra nhanh gọn.
Nhưng đâu phải ba mẹ nào cũng có thời gian để trông chừng con của mình, họ luôn có những công việc riêng cần phải giải quyết vì thế trẻ nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin phản khoa học, nghe được những lời nói văng tục đến từ các YouTuber. Đặc biệt là những buổi livestream ngẫu hứng của họ cũng dễ phát ngôn thiếu kiểm soát, dần dần trẻ con sẽ học theo, hơn hết trẻ con dưới 3 tuổi đang trong giai đoạn "bắt chước" nên sẽ học theo các hành vi của người lớn mà không phân biệt được đúng sai.
Ngoài ra các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook còn là nơi để "phô diễn" mọi drama trong đời sống. Dưới những tài khoản không tên, không ảnh họ có thể xúc phạm và chửi nhau vô tội vạ. Càng ngày các thông tin tiêu cực hay những đoạn clip thách thức, khơi mào cuộc chiến được viral nhiều hơn khiến không gian mạng trở nên tiêu cực và ngập tràn từ văng tục, hành vi ứng xử sai lệch với văn hóa Việt.
Không chỉ thế, môi trường sống xung quanh cũng ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận và ứng xử của học sinh. Trong chuyện tình cảm, cãi vả là điều không thể tránh khỏi, đôi khi các bậc phụ huynh lớn tiếng và phát ngôn ra những câu văng tục, trong lúc nóng giận mà không để ý đến con cái.
Từ đó các đứa trẻ đã bị tiêm nhiễm những thói quen xấu này và sử dụng nó trong vô thức. Đến khi trở thành học sinh cấp 2, cấp 3 thì tiếp cận nhiều hơn vì tiếp tục bị tác động bởi bạn bè đồng trang lứa.
Đâu đó trong lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 hiện tại, họ nghĩ việc sử dụng các ngôn ngữ "độc lạ" này như một trào lưu. Không chỉ văng tục khi nói chuyện trực tiếp với nhau, các bạn trẻ còn viết tắt những từ nhạy cảm trên mạng xã hội để đùa giỡn, lăng mạ hay công kích một người khác.
Học sinh hiện tại còn văng tục bằng những từ tiếng Anh, mang hàm ý về những chuyện 18+ thoải mái và rất vô tư, đây là biểu hiện của vấn đề tiếp thu văn hóa ngoại lai nhưng không có chọn lọc, dẫn đến sự lệch lạc trong tư tưởng và hành động.
Ngày trước, học sinh có lời lẽ kém văn hóa sẽ bị phạt rất nặng, chỉ cần vô ý phát ngôn những lời kém duyên là đã bị nhắc nhở, khiển trách đôi khi là "ăn đòn". Còn hiện tại mạng xã hội tràn lan với đủ kiểu người, trong đó nhiều người chửi thề, ăn nói kiểu chợ búa khiến người trẻ học theo và chưa có một giới hạn hay nhiều quy luật để can ngăn tình trạng này.
Tưởng bình thường, thực chất rất-bất-thường
Đừng bình thường hóa chuyện sai trái, khi văng tục chửi thề càng được phổ biến nó đang chứng tỏ chất lượng giáo dục của cả quốc gia đang bị suy giảm. Ngoài ra vấn đề ứng xử của con người nó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và hành động, tất cả là một mối quan hệ thống nhất chỉ cần có một yếu tố tác động thì có thể chi phối hành vi của con người.
Đôi khi các bạn học sinh nghĩ rằng chuyện văng tục chỉ là một câu đùa giỡn, hài hước và pha trò. Nhưng thực chất nó không vui như chúng ta tưởng tượng, đôi khi nó sẽ trở thành nguồn cơn của sự phẫn nộ dẫn đến các cuộc ẩu đả.
Việc văng tục làm cho tiếng Việt ngày càng méo mó, đồng thời khiến tư duy, nhận thức về cuộc sống ngày càng lệch lạc. Văn hóa học đường càng bị ảnh hưởng trước tình trạng học sinh văng tục ngày càng diễn ra một cách trầm trọng hơn, ngôn từ tục tĩu mà học sinh sử dụng cũng ngày càng gia tăng.
Nói chuyện bằng ngôn ngữ tuổi teen là cách giải tỏa stress trong cuộc sống, nhưng mọi thứ cần phải có chừng mực và trong một giới hạn nhất định. Đừng để "cái miệng kiện cái thân" và để ngôn từ đi quá xa sẽ hậu quả sẽ khó lường.
Vì thế, để ngăn chặn những phát ngôn tiêu cực, lệch lạc về tư tưởng và văn hóa, nhà trường và phụ huynh cần phải quản lý và kiểm soát con cái chặt chẽ hơn. Ngồi xuống và trò chuyện cùng các bạn trẻ để nhận thức đúng đắn và học cách giao tiếp, ứng xử có văn hóa.
Giáo dục trẻ phải kết hợp từ ba phía gia đình - nhà trường - xã hội, nhưng cốt lõi chính là ba mẹ phải làm gương cho con nhỏ. Phụ huynh cần phải cùng với nhà trường và xã hội để dạy dỗ và chấn chỉnh những hành vi sai lệch trong tư tưởng và cách ứng xử kém văn hóa của các bạn trẻ.