Sự trở về bất đắc dĩ trong "đêm 30": Đó có thể là lựa chọn cuối cùng của họ!

Trước ngày thành phố áp dụng hình thức cuộc sống “bình thường mới” đã có hàng ngàn người kéo nhau về miền Tây tại các cửa ngõ với hy vọng được trở về với quê hương.

Sau những ngày tháng cố gắng bám trụ lại Sài Gòn, dường như nỗi lo về dịch bệnh không còn là mối bận tâm hàng đầu của những người lao động tại đây, mà đó là câu hỏi về cuộc sống khi phải tiếp tục chôn chân nơi đất khách. Đó là lý do khi Sài Gòn bắt đầu có những tín hiệu nới lỏng giãn cách thì đã có hàng ngàn người kéo về quê tại các trục đường chính.

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
"Đêm 30" đầy đặc biệt trong niềm hy vọng của nhiều người lao động

Hình ảnh về những con đường "nhộn nhịp" trong niềm hy vọng được trở về sau một chuyến đi dài khiến người xem không khỏi xúc động. Bởi những con người trong đám đông ùn ứ kia đều đã cố gắng hết sức cùng Sài Gòn vượt qua tất cả nhưng giờ đây dường như tiếp tục là điều không thể.

Không ai muốn bản thân trở thành kẻ tội đồ

Đây chẳng phải lần đầu tiên mà viễn cảnh này xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ. Khác với những lần trước là một dòng người "trốn chạy" trong nỗi hoang mang về ngày mai thì lần này là ôm trong mình những nỗi niềm hy vọng được trở về. Trong những náo loạn tại các chốt kiểm soát vào đêm cuối cùng thực hiện chỉ thị là tiếng la vang vọng như lời cầu cứu đến từ người dân: "Cho về đi, khổ lắm rồi".

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Nguyện vọng duy nhất của nhiều người là được trở về quê hương (Ảnh: VNExpress)

Chia sẻ về lý do về quê dù tình hình một số tỉnh miền Tây vẫn chưa ổn định, chị T nói: "Tại ở lại khó khăn lắm, chẳng có gì ăn hết, chỉ toàn ăn mì gói, thất nghiệp hơn 4 tháng nay mà không có tiền ăn uống gì". Có thể thấy tất cả đều là vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, đó đâu còn là những nỗi lo toan của riêng cá nhân họ mà còn là gia đình ở quê.

Giống như chị T, một người miền Tây xa xứ ở Sài Gòn cũng bộc bạch: "Cô làm phụ hồ, mấy tháng rồi cô chịu hết nổi nên cô phải về, nhà trọ cô còn thiếu người ta mấy triệu bạc nữa. Rồi tiền ăn cô cũng không có nữa, hỏi sao cô ở được". Nói tiếp trong nụ cười cố gượng: "Nguyện vọng của cô chỉ là về quê thôi, cho gì cô cũng không cần nữa, cha mẹ thì cũng điện khóc rất nhiều".

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Họ đâu chỉ ích kỷ vì lợi ích của bản thân mình khi đã cố gắng cùng Sài Gòn (Ảnh: Soha)

Trong mỗi câu chuyện khác nhau, ta mới thấy được họ đâu phải những con người vô tâm chỉ biết lo cho bản thân mình, họ cũng mang trong mình những nỗi sợ nên đều đã chấp hành nghiêm túc tất cả các chỉ thị tại thành phố. Họ không phải là "tội đồ" cho đất nước mà là sự mỏi mệt sau nhiều tháng gồng gánh cùng Sài Gòn, đó là con đường cuối cùng mà họ có thể lựa chọn.

Những giấc mơ đổi đời bỗng dang dở vì dịch Covid-19

Người ta có rất nhiều lý do để tha hương cầu thực ở khắp mọi nơi, nhưng chung quy vẫn là những giấc mơ về sự đổi đời. Họ đã cố gắng miệt mài làm việc trong suốt nhiều giờ liền để đổi lấy những đồng lương gửi về quê nhà, cũng vì dịch Covid-19 mà đời sống bà con vô tình rơi vào cảnh bế tắc "Về không được, ở cũng không xong".

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Hình ảnh đoàn người trước ngày tiếp tục thực hiện chỉ thị giãn cách trước đây (Ảnh: Zing)

Nhìn khung cảnh những gia đình có con nhỏ, hay những người trẻ và cả một số người ở độ tuổi xế chiều đợi chờ trong đêm quả thật là khung cảnh chẳng ai mong muốn sẽ xảy ra. Cuộc sống xa xứ vốn đã khó khăn nay lại chồng chất thêm bởi lệnh giãn cách xã hội liên tục kéo dài. Tất cả mọi vấn đề dường như trở nên bé nhỏ lại so với những khoản chi tiêu và một số khoản nợ mà họ phải gánh phải.

Một sinh viên vô tình kẹt lại ở Sài Gòn, bày tỏ quan điểm của mình: "Em là sinh viên chỉ có một mình mà ở lại còn gồng gánh không nổi. Người ta là những gia đình có con nhỏ cũng chỉ vì chịu đựng không nổi nữa mới về quê, chứ đâu ai muốn bất chấp mạng sống của mình chỉ để về quê trong thời điểm này".

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Mọi thứ vật chất trở nên phù du, nguyện vọng trở về mới là thực tế

Đa phần những con người nhập cư đến đây đều xem thành phố là một "phao cứu sinh" cho những cơ hội mới, tất cả đều là vì hoàn cảnh và đâu đó còn là sự lựa chọn. Nhưng điều mà ta dễ dàng thấy được là cuộc sống của người lao động chưa bao giờ là đơn giản. Khi ranh giới của sự sống và cái chết trở nên mong manh thì dường như mọi vật chất đều là phù dù, nguyện vọng được trở về mới là thực tế.

Hãy đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để sẻ chia

Ngay thời điểm nhạy cảm này đừng dùng câu nói về sự ích kỷ hay vô ý thức để trách móc nhau trên mạng xã hội bởi ai cũng có những nỗi niềm riêng. Tất cả đều mang trong mình nỗi lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhất là khi đã chứng kiến quá nhiều những đau thương của Sài Gòn nhưng đừng vì điều này mà công kích hay chỉ trích họ.

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Đoàn người kéo nhau về quê trong sự hướng dẫn của Chính quyền

Hãy dừng việc dùng lời lẽ nặng nề để nói về lối sống của nhau vì chỉ khi ta trong hoàn cảnh của họ thì mới thấu hiểu hết những gì đã trải qua. Cũng đừng cho rằng những người ở tuyến đầu chống dịch đã bỏ quên nhiều người, bởi những áp lực mà những cá nhân đã gồng mình gánh phải là điều mà chẳng có ai có thể hiểu rõ.

Hơn ai hết họ là những con người đã bị tổn thương rất nhiều trong mùa dịch nên cần sự bao bọc và đồng cảm từ mọi người. Chúng ta vẫn luôn muốn sống hạnh phúc bên nhau thay vì những khổ đau đã qua nên hãy lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Đừng vì những suy nghĩ tiêu cực hay cảm xúc nhất thời để bày tỏ quan điểm khi bản thân còn may mắn có được cuộc sống tạm thời ổn định.

su tro ve bat dac di trong dem 30 do co the la lua chon cuoi cung cua ho - anh 0
Ngay thời điểm này chúng ta cần sự đồng cảm nhiều hơn thay vì chỉ trích (Ảnh: Dân Trí)

Sâu trong thâm tâm họ thật sự không muốn phải như vậy nhưng đó lại là con đường duy nhất mà người lao động có thể lựa chọn sau mấy tháng trời gồng gánh vì cuộc sống bình yên ở Sài Gòn. Hãy dừng việc trách móc hay nặng lời với bất kể cá nhân nào mà dành sự quan tâm, san sẻ nhiều hơn và đợi chờ sự giải quyết từ những cơ quan có thẩm quyền.

Dòng người đổ về quê ngày Sài Gòn giãn cách thêm 1 tháng: "Về không được, ở cũng không xong..."

Sáng đầu tiên "bình thường mới" tại TP.HCM: Đường xá rộn ràng, các chốt được dỡ bỏ hoàn toàn

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ