Nhà trọ - nơi "cứu cánh" duy nhất của nhiều bạn sinh viên trong những ngày dịch bệnh khó khăn này.
Chẳng có một thống kê nào cho biết cụ thể ở Sài Gòn có bao nhiêu nhà trọ, nhưng trong bụng ai cũng biết, không đâu nhiều nhà trọ bằng Sài Gòn. Bởi lẽ, nơi đây ôm vào lòng rất nhiều những người con thập phương từ khắp mọi nơi đến để học tập, sinh sống và lập nghiệp. Nên là nhà trọ, ký túc xá, khu chung cư,... cứ thế mọc lên như nấm ở cái đất Sài thành gần như chật hẹp này.
Sinh viên và nhà trọ, từ bao giờ đã trở thành hai hình ảnh gắn liền với nhau. Có lẽ, vì nhà trọ luôn là lựa chọn tối ưu của nhiều bạn trẻ khi quyết định xa nhà để lên Sài Gòn theo đuổi ước mơ. Và cũng chỉ có nhà trọ mới là nơi "cứu cánh" duy nhất của các bạn trẻ ấy trong những ngày dịch bệnh khó khăn này.
Vậy cuộc sống của một sinh viên tại phòng trọ sẽ diễn biến như thế nào khi "mắc kẹt" lại Sài Gòn suốt 3 tháng qua, và sẽ... thêm 1 tháng nữa?
"Không khí ảm đạm, ai ở phòng đó, thỉnh thoảng giúp đỡ qua lại..."
K.O. - một nữ sinh viên năm cuối hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu Đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ với , K.O. cho biết bạn đã "mắc kẹt" lại Sài Gòn khoảng hơn 2 tháng nay. Dù gia đình gọi về nhà rất nhiều nhưng bạn vẫn ở lại vì nỗi lo sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho gia đình và địa phương của mình.
K.O. cho biết: "Trước đây xóm trọ mình đông vui lắm, đặc biệt là mỗi buổi tối khi tất cả đều đi làm về, mọi người thường tập trung nói chuyện, đùa giỡn, nướng thịt,... Còn hiện tại chỉ tầm 12 phòng bị kẹt lại Sài Gòn, họ cũng không đi làm được nên không khí cũng ảm đạm hơn, ai ở phòng đó vì hạn chế tiếp xúc".
Những dãy nhà trọ san sát nhau, nhưng đều trong tình trạng "khóa cửa cài then" một cách ảm đạm. Dẫu vậy, tuy phòng ai nấy ở nhưng khi có gì đó "ngon ngon" đều chia sẻ cho nhau mỗi người một ít. "Chủ nhà trọ mình dễ thương lắm, cô chú không chỉ giảm tiền phòng cho mọi người mà còn hay tặng gạo, trứng và cả rau củ quả,... Mấy bạn 'phòng hàng xóm' thì cũng hay hỏi thăm, giúp đỡ nhau khi cần".
K.O cho biết, dãy phòng trọ này đa số là sinh viên và người mới đi làm, hiện tại đều đang tạm nghỉ vì dịch. Tất cả đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có bạn chỉ biết ăn khô cả tuần, rồi mì gói triền miên,... Nhưng ai nấy cũng vui vẻ, lạc quan và tích cực để cùng nhau vượt qua mùa dịch khó khăn này.
May mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác, dù mắc kẹt lại Sài Gòn nhưng K.O vẫn có công việc để làm qua hình thức Work From Home mùa dịch. Chia sẻ với , cô bạn cho hay: "Hiện tại chi phí sinh hoạt của mình là do mình tự lo lấy, ba mẹ cũng hay hỏi mình có đủ tiền xài không? Nhưng mình thì vẫn đủ sức để tự lo cho mình được, để ba mẹ đỡ vất vả.
"Ba mẹ mình, tính ra cưng chiều mình lắm ấy chứ. Trước đợt giãn cách đầu tiên ba mẹ có gửi mình thực phẩm như khô, thịt, cá, rau,… đủ để mình ở trọ mà không cần ra đường. Mình cũng san sẻ được một ít cho mọi người ở đây nữa" - K.O. chia sẻ.
Chỉ có tích cực mới giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này
K.O vốn là một người trẻ năng động với đôi chân cuồng xê dịch và thích đi đây đó, thậm chí là trong công việc hay học tập cô bạn cũng chọn ra quán cà phê, trà sữa để ngồi hơn là "giam mình" trong bốn bức tường tại căn trọ nhỏ.
"Mấy ngày đầu Work From Home, mình như muốn phát điên lên vì bức bối và ngột ngạt. Khoảng 1 tuần sau đó mình mới bắt đầu quen với guồng sống này và tìm cách làm quen với điều đó. Rồi mình chợt nhận ra, làm việc ở nhà cũng có nhiều điều thú vị".
Mình thì không thích sự rảnh rỗi lắm, một ngày ở nhà mình còn làm nhiều hơn so với ở công ty. Buổi sáng thì mình dậy lúc 7h nấu đồ ăn sáng. Sau đó thì làm việc, chuẩn bị đồ ăn trưa. Rồi nghỉ ngơi và tiếp tục làm việc đến chiều thì ăn xế. Sau đó chuẩn bị đồ ăn tối. Làm việc xong thì mình tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn uống. Đặc biệt mùa dịch này mình tập thói quen đọc sách và tập thể dục để nâng cao kiến thức và sức khỏe.
Đặc biệt vào thứ 7, chủ nhật mình không làm việc thì mình với bạn cùng phòng "set up" lại mọi thứ để có background chụp hình tại nhà. Hoặc nấu trà sữa, làm trân trâu,…. Nói chung tụi mình luôn kiếm việc để làm cho cuộc sống luôn mới mẻ và vui vẻ" - K.O. tâm sự.
K.O cho biết, một ngày cô bạn gọi về cho ba mẹ từ 1-2 cuộc gọi video để ba mẹ bớt lo lắng về cuộc sống của mình tại Sài Gòn. Có lẽ, ngoài căn trọ ra thì gia đình chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của nhiều bạn sinh viên "đơn thân" tại Sài Gòn lúc này.
"Mình thì không thấy bị mất kết nối với gia đình hay các mối quan hệ xung quanh đâu. Hiện nay công nghệ 4.0 rồi, nhớ hay muốn tám chuyện chỉ cần lập nhóm, call video với nhau là giải tỏa được hết. Tụi mình hay bày trò như hát karaoke online, chơi game online để gắn kết.
Biết bao nhiêu thứ để nói với nhau chứ không phải toàn những tin tức tiêu cực về Covid-19, nên 2 tháng qua mình thấy không nhàm chán lắm. Mình nghĩ chỉ có tích cực mới giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sài Gòn cố lên nhé!" - K.O. chia sẻ.
Nhà trọ là vậy, nơi giúp người ta có một chỗ để che mưa, che nắng và cả ngả lưng ngủ yên sau một ngày dài học tập, làm việc mệt mỏi. Dù có chật hẹp một chút, ẩm thấp một chút và tạm bợ một chút,... nhưng chính những đứa trẻ thập phương như K.O. luôn biết ơn và trân trọng chính nơi đã cho mình chỗ ăn chỗ ở trong suốt 4 năm dài Đại học.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn thế này, dù cho đó chỉ là căn phòng nhỏ bé với 4 bức tường nhưng chính nhà trọ và tình yêu thương giữa người với người sẽ giúp tất cả vượt qua nghịch cảnh.
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL