Hàng ghế đầu (Front Row) dường như trở nên dễ dàng với những gương mặt không mấy quyền lực với nền công nghiệp thời trang Việt Nam.
Ngoài người mẫu, quần áo và thảm đỏ, những gương mặt quyền lực xuất hiện tại vị trí Front Row tại các sàn diễn thời trang luôn là đề tài nóng hổi của báo chí. Giấc mơ tham gia với vị trí khách mời bình thường tại các Tuần lễ Thời trang Quốc tế là điều có thể dễ dàng hiện thực hóa nhưng để được ngồi tại hàng ghế đầu là cả một quá trình dài.
Nội dung liên quan
Hàng ghế Front Row từ bao lâu nay đã tồn tại những quy tắc bất thành văn nên không phải ai cũng ngồi được vị trí này. Đây là lòng tín nhiệm và sự tôn trọng của ban tổ chức với những người có địa vị và tầm ảnh hưởng nhất định với ngành công nghiệp thời trang.
Mục đích khai sinh của Front Row vốn dành cho những phóng viên, biên tập viên của các tạp chí thời trang để chương trình có cơ hội được nhắc trên mặt báo. Ngoài ra, những người mua hàng sau khi show kết thúc, gọi là khách hàng thương mại, cũng được sắp xếp chỗ ngồi ở hàng ghế đầu.
Nội dung liên quan
Khi bước sang thế kỷ 21, cùng sự phát triển rộng rãi của internet và mạng xã hội. Front Row còn có sự góp mặt của các ngôi sao, blogger, fashionista và những người có ảnh hưởng (influencers) khác. Sự xuất hiện của họ thường đi kèm với mục đích thu hút truyền thông và "làm đẹp" cho bộ mặt chương trình.
Tuy nhiên, hàng ghế Front Row vẫn có những ranh giới rạch ròi cho từng nhóm người ngồi tại vị trí này. Với mức độ nổi tiếng và quyền lực càng cao, những tổng biên tập hay các ngôi sao lớn sẽ càng được ngồi ở giữa.
Phía đầu Front Row sẽ dành cho những khách hàng và phần cuối sẽ thuộc về cánh báo chí, biên tập viên thời trang vì cuối hàng ghế đầu thường là điểm dừng của các người mẫu. Từ đó, những cây viết thời trang có đủ thời gian để cảm nhận và đánh giá những thiết kế xuất hiện trên sàn diễn.
Vietnam International Fashion Week có thể nói là một trong những hoạt động thời trang đẳng cấp hàng đầu tại Việt Nam. Do đó, vị trí Front Row của tuần lễ thời trang Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng hơn những hàng ghế của những show diễn thời trang trước đó.
Nội dung liên quan
Tại Front Row, những gương mặt quyền lực như tổng biên tập tạp chí thời trang, tổng lãnh sự các nước đều được tọa vị tại đây. Tiếp theo, các ngôi sao có tầm ảnh hưởng nhất định như Đàm Vĩnh Hưng, Nam Trung, Anh Thư,... được sắp xếp ngồi trải dài trên hàng ghế đầu.
Với sự phát triển gần đây của TikTok, vị trí Front Row dường như được mở rộng hơn khi các TikToker cũng dần xuất hiện trên hàng ghế đầu. Họ được xếp vào nhóm đối tượng đáp ứng được mục đích thu hút truyền thông của vị trí Front Row.
Chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư công phu, sự xuất hiện của các TikToker không thua kém gì những celebs nổi tiếng tại Việt Nam. Phạm Thoại, Lê Bống hay Call me Duy là những gương mặt TikToker sáng giá khi mang lên những những bộ trang phục có concept và "độc lạ".
Sánh ngang cùng với những ngôi sao lớn, các TikToker cũng chiếm được những spotlight riêng cho bản thân và tạo được hiệu ứng truyền thông cho chương trình. Nổi bật là Phạm Thoại, những bộ trang phục mang bản sắc thời trang cá nhân của nam TikToker đã ghi dấu mạnh mẽ tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2022.
Ngoài ra, vị trí Front Row tại các show diễn không còn quá khắt khe như trước. Nhiều khách mời vẫn có cơ hội ngồi lên hàng ghế đầu quyền lực để thưởng thức show diễn, với điều kiện "miễn là ghế trống". Từ đó, bất kể ai cũng có thể đóng góp hình ảnh cho thành công chung của chương trình.
Đây được xem là bước "tiến hóa" của vị trí Front Row tại Việt Nam nói chung và quốc tế nói riêng. Bỏ qua những quy tắc "đã cũ", công chúng ngày nay, đặc biệt là gen Z, đã thiết lập lại trật tự mới của thời trang.
Sàn diễn trở nên màu sắc và đa dạng hơn, sự bình đẳng của con người trong thời được tôn vinh trong thời đại mới. Hàng ghế Front Row từ đó cũng được "nâng cấp" và tạo cơ hội cho nhiều người trẻ hơn trong những show diễn thời trang.
Nguồn: TH&PL