Những cú ngã trên các sàn diễn dần trở thành "đặc sản" của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (AVIFW) và là thước đo đánh giá về "bản lĩnh người mẫu"?
Có thể nói, câu chuyện vấp ngã của người mẫu trên sàn diễn đã tạo nên tên tuổi của AVIFW. Ban đầu có thể là do lỗi từ thiết kế sàn diễn, lỗi kỹ thuật của BTC hoặc vì trang phục quá cồng kềnh. Nhưng theo thời gian, công chúng mặc nhiên và (có lí do) để bối rối vì mỗi năm tần suất té ngã - đứng lên đầy... thần thái lại xuất hiện dày đặc. Vì cứ sau mỗi cú té rồi đứng lên, báo chí lại gắn ngay chữ "bản lĩnh" cho người mẫu.
Nội dung liên quan
Không ngoại lệ, Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2022 tiếp tục phục vụ khán giả đặc sản những màn té ngã của các người mẫu. Từ Thuỳ Tiên, đến Vũ Thu Phương hay Diệp Bảo Ngọc đã có những sự cố thu hút nhiều sự quan tâm của người xem.
Việc người mẫu vấp ngã và đứng dậy tiếp tục phần trình diễn luôn nhận được những tràng pháo tay cổ vũ và lời động viên từ khán giả. Đây được xem là "cánh tay" vô tình dìu bước người mẫu hoàn thành phần trình diễn sau các lần vấp ngã.
Nội dung liên quan
Trước đó, Tuần lễ Thời trang Việt Nam đã không ít lần chiêu đãi khán giả bằng những màn vấp ngã của các siêu mẫu như Lan Khuê hay Võ Hoàng Yến. Sau mỗi cú ngã, các người mẫu luôn tiếp tục hoàn thành phần trình diễn trong sự tung hô "bản lĩnh sàn diễn" của khán giả và báo chí.
Cánh truyền thông luôn dành sự ưu ái khi liên tục đưa tin về những người mẫu bị vấp ngã. Khán giả trở nên phóng khoáng với những tràng pháo tay liên hồi. Bỗng nhiên, sự cố "vốn không nên có" này được mệnh danh thành "những cú ngã truyền thông" cho Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam nói chung và sự nghiệp của các người mẫu "vấp té" nói riêng.
Nội dung liên quan
Từ đó, thần thái của các người mẫu dường như trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi cú té. Không biết từ khi nào, sự cố vấp ngã lại trở thành thước đo bản lĩnh của người mẫu trên sàn diễn thời trang.
Tuy nhiên, nếu xét về bản lĩnh sàn diễn, các người mẫu hoàn thành xuất sắc và không "dính" phải những cú ngã thì mới thực sự là bản lĩnh. Dù trang phục có khó hay gặp những sự cố như rơi giày, một người mẫu bản lĩnh đều có cách xử lý chuyên nghiệp để tiếp tục trình diễn trên sàn, thay vì tạo ra màn "té ngã" để nhận tràng pháo tay (nếu cố ý).
Biết rằng sự cố là điều không mong muốn, song, câu chuyện té ngã tại vị trí First-face và Vedette được đảm nhận bởi các tên tuổi lớn là không hợp lý trong việc đánh giá bản lĩnh của một người mẫu. Nếu tiếp tục theo lối mòn, tiêu chuẩn đánh giá về nghề người mẫu sẽ vẫn chỉ nằm ở mức "mì ăn liền" qua những "cú ngã truyền thông.
Thay vào đó, khán giả và cánh báo chí dường như "nợ" những người mẫu hoàn thành tốt và không té ngã nhiều hơn những tràng pháo tay và lời cảm ơn khi đã góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp trên sàn diễn.
Nguồn: TH&PL