Teamwork trở thành kỹ năng quan trọng đối với hầu hết các sinh viên, nhưng nếu không may chọn nhầm nhóm chỉ toàn những thành viên im lặng thì quả thật là điều rất đáng sợ.
Môi trường đại học luôn yêu cầu các sinh viên thực hành môn học không chỉ với việc tiếp thu kiến thức một chiều từ giảng viên, mà là tự nghiên cứu và cùng thống nhất đưa ra ý kiến. Có nhiều teamwork phục vụ cho các mục đích khác nhau, từ hoạt động học tập đến sinh hoạt tại trường thì vấn đề này trở nên không thể thiếu trong cuộc sống mỗi sinh viên.
Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào teamwork cũng có được sự sôi nổi và hiệu quả bởi vẫn còn một số các sinh viên vẫn thụ động trong làm việc nhóm. Thậm chí nhiều người cò tìm mọi cách để đẩy trách nhiệm vào người khác, không có bất kỳ sự đóng góp nào cho mà giữ thái độ im lặng trong toàn bộ các cuộc thảo luận.
Kẻ an nhàn, người gánh team "còng lưng"
Sự lựa chọn cho mình một teamwork với sự phân bổ nhiệm vụ đồng đều thật sự rất quan trọng, đó không cần là những thành viên quá giỏi chỉ cần là các cá nhân biết chủ động. Việc một số thành viên im lặng trong làm việc nhóm sẽ tạo nên sự mất cân bằng, khi một người phải gánh vác quá nhiều nhiệm vụ, trong khi số khác thì mọi thứ được nhẹ nhàng và hơn hết số điểm lại không có quá nhiều sự chênh lệch với nhau.
Thái độ im lặng trong teamwork cũng sẽ phần nào quyết định chất lượng của nhóm đó, nếu một nhóm chỉ một vài cá nhân thực hiện nội dung so với nhóm có được sự hăng hái trong công việc thì sự hiệu quả sẽ được phân định rõ. Bởi khi làm việc nhóm, quan trọng vẫn cần đến sự quan tâm và hỗ trợ đến nhau chứ không phải sự đùn đẩy trách nhiệm lên bất cứ cá nhân nào.
Một trong số những kỹ năng của làm việc nhóm là sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau nhưng điều này cần phải đi kèm với việc cá nhân chủ động, thay vì sự im lặng và thuận theo những quan điểm của đám đông. Đừng tự biến mình thành "cái bóng" trong một tập thể và lựa chọn an nhàn để nhận thành quả sau những cố gắng của người khác.
Chất lượng môn học giảm sút trầm trọng
Mỗi bài học đều có rất nhiều khía cạnh khác nhau để chúng ta hướng đến, thậm chí để khai thác chúng được sâu sắc hơn thì cần đến sự nhìn nhận trên nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nếu vấn để này chỉ có một số cá nhân thực hiện thì kiến thức sẽ vô tình đi theo hướng một chiều mà không có bất kỳ sự bàn bạc hay thảo luận nào cùng nhau.
Song đó chính là sự tiếp thu kiến thức bị hạn chế, việc không có được sự nghiên cứu và tìm hiểu để đóng góp ý kiến sẽ khiến bài học trở nên nhàm chán và rập khuôn theo tài liệu có sẵn. Chính vì điều này mà môn học mất đi sự thú vị, từ đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân một số người mà còn là kiến thức của tập thể.
Điều này cũng vô tình hình thành nên thói quen thụ động trong suốt quá trình học tập, đó là sự thiếu mất tư duy phản biện, không có được sự bảo vệ ý kiến của bản thân và im lặng nghe theo số đông… Trong quá trình teamwork, nếu ta có được sự tích cực thì những thói quen xấu này cũng sẽ dần được khắc phục vài cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.
Nguyên nhân sâu xa cho tất cả mọi xung đột
Chính sự khập khiễng trong phân công nhiệm vụ, đôi lúc cũng đã tạo nên sự bất bình ở mỗi thành viên khi số điểm cho ra là như nhau và nó hoàn toàn không xứng đáng với công việc một số cá nhân đã đóng góp. Chính điều này cũng đã tạo nên những xung đột trong nhóm làm việc với nhau, kể cả là đi đến mâu thuẫn nghiêm trọng.
Đáng nói hơn là trong quá trình làm việc, nhiều cá nhân lựa chọn im lặng nhưng đến lúc công việc được diễn ra thì họ lại đưa ra hàng loạt những câu hỏi phản biện, đóng góp ý kiến như vai trò là một người lãnh đạo. Đây là vấn đề mà nhiều nhóm trên đại học đã gặp phải, tất nhiên không ai lại muốn làm việc thêm lần nữa với những cá nhân có thái độ tiêu cực như vậy.
Sự rời rạc trong quá trình làm việc nhóm sẽ khiến nhóm rơi vào tình trạng mất cân xứng, thiếu đi sự liên kết để cùng nhau phát triển. Vấn đề đã khiến teamwork không được đi đúng với tinh thần là cùng nhau làm việc mà ở đó chỉ còn những xung đột lẫn nhau trong nhiều khía cạnh của vấn đề, từ đó sự thiếu trách nhiệm trong việc chung cũng được hình thành ở một số cá nhân.
Mâu thuẫn dễ dẫn đến nguy cơ mất mối quan hệ
Trong quá trình làm việc thì không chỉ có công việc mà còn là mối quan hệ bạn bè xung quanh nhưng im lặng sẽ khiến sự gắn kết giữa các thành viên trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Điều này sẽ tạo nên khoảng cách rất lớn, khiến mỗi cá nhân không hiểu được ý nhau và không thể giải quyết được mâu thuẫn khiến mọi rủi ro cũng xuất hiện.
Trong môi trường đại học, ta rất khó để có thể làm được mọi việc một mình, nó đòi hỏi sự gắn kết giữa những người bạn lại với nhau. Nhưng khi vào làm việc nhóm mâu thuẫn đến từ sự thụ động sẽ rất dễ dàng khiến chúng ta đánh mất đi một mối quan hệ bởi sự bất đồng trong tính cách của nhau dẫn đến hàng loạt những mâu thuẫn và ấm ức.
Một nhóm không thể đạt được chất lượng khi những tranh cãi và mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết, đôi khi những tình cảm cá nhân cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc thiếu đi sự gắn kết. Tuy nhiên, trong mọi teamwork khi đã chấp nhận cùng nhau làm việc thì hãy hướng đến mục tiêu chung đã đề ra và có tinh thần trách nhiệm cao với mọi người.
Nguồn: TH&PL