Tại sao chúng ta không nhìn thấy lợi ích lâu dài mà chỉ nhìn ra những "bất lợi" trước mắt về vấn đề này?
Mới đây, Shark Linh (Thái Vân Linh) đã nêu ý kiến đề xuất rằng các công ty có thể cho bố em bé nghỉ thai sản 6 tháng tương đương với mẹ. Trong thời gian này, người đàn ông có thể chăm sóc vợ con và làm việc nhà, san sẻ bớt gánh năng cho người phụ nữ.
Chế độ thai sản dành cho bố em bé đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới bởi nhiều tác dụng tích cực, không chỉ cho phụ nữ mà còn cho cả nam giới. Tuy nhiên, áp vào tình hình Việt Nam lại gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng không phù hợp?
Định kiến: "Ở nhà hết rồi lấy gì ăn?"
Chia sẻ trong tọa đàm online "Phụ nữ khởi nghiệp", shark Linh cho rằng trong công việc, mọi thứ phải nên cân bằng giữa nam và nữ. Shark Linh đưa ra câu hỏi gợi mở: Tại sao phụ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng mà nam giới thì không? Một người chồng khi có vợ nghỉ thai sản sẽ phải làm khối lượng công việc gấp đôi bình thường.
Nữ "cá mập" bày tỏ quan điểm: "Đề nghị của Linh là công ty nên cho nam giới, người chồng nghỉ phép sinh luôn. Điều này có nghĩa rằng khi vợ nghỉ 6 tháng thì nam cũng có thể nghỉ 6 tháng. Trong thời gian đó, nam giới cũng có thể giúp rất nhiều việc ở nhà, giảm bớt mệt mỏi cho người mẹ."
Từ đó, vợ chồng có thể hỗ trợ qua lại, cân bằng với nhau - điều mà chế độ thai sản hiện nay chưa làm được. Theo quy định mới nhất tại Việt Nam, nam giới - đang đóng BHXH, khi có vợ sinh con được nghỉ việc từ 5-14 ngày tùy trường hợp. Tuy nhiên, việc kéo dài chế độ lên 6 tháng như nữ giới được cho là khó khả thi tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Trước đề xuất này của Shark Linh, cộng đồng mạng đã có một phen tranh cãi nảy lửa vì cho rằng... không cần thiết. Nhiều người đặt câu hỏi ngược lại: "Ở nhà hết rồi lấy gì ăn?" hay"Chắc thấy phụ nữ đẻ chưa khổ hay gì?". Thậm chí, ở phía phụ nữ còn thẳng thừng từ chối điều này vì không muốn phải vừa chăm con, vừa chăm thêm cả chồng trong 6 tháng thai sản: "Chắc tôi phát rồ lên mất!".
Tại sao lại cho rằng nam giới thì không thể nuôi con?
PensionBee - một startup quản lý tiền hưu trí trực tuyến, được sáng lập bởi Romi Savova và Jonathan Lister, là đại diện tiêu biểu ủng hộ và thúc đẩy chế độ thai sản 6 tháng cho nam giới.
"Tôi thực sự muốn tạo ra một công ty mà mọi người có thể là chính mình, không cần phải quá quan tâm đến giới tính, sắc tộc và khuynh hướng tình dục.
Tại các doanh nghiệp lớn, bạn phải giấu kín con người thật. Ở PensionBee, chúng tôi cho phép số ngày nghỉ sinh con bằng nhau giữa các ông bố và bà mẹ, với 6 tháng nghỉ phép hưởng 100% lương", Romi Savova cho biết.
Theo Catalyst, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các công ty cung cấp chế độ nghỉ thai sản và khuyến khích các ông bố mới nghỉ việc sẽ giúp phá bỏ định kiến giới truyền thống, mang lại lợi ích "khổng lồ" cho gia đình và đóng góp vào văn hóa hòa nhập.
Cụ thể do nam giới không mang thai, họ thiệt thòi hơn so với phụ nữ ít nhất 9 tháng trong việc xây dựng mối liên kết yêu thương với con mình. Họ dần dần chấp nhận để vợ mình chăm sóc và chơi đùa cùng con nhiều hơn, và vô tình càng khiến mình xa con hơn.
Chính vì thế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ông bố nghỉ phép lâu hơn sẽ gắn bó hơn với cuộc sống của con cái họ. Điều này có những lợi ích có thể chứng minh được: sự tham gia nuôi dạy con cái của cha làm giảm tần suất các vấn đề về hành vi sai phạm ở trẻ em trai và các vấn đề tâm lý ở trẻ em gái.
Hay như PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này rằng: "Việc các ông bố có thời gian ở bên con là một khía cạnh của nhân quyền/ bình đẳng giới ta thường hay bỏ qua".
Khi ta chủ động sinh con, cơ hội được chăm sóc, vui chơi, ôm ấp, hưởng thụ những phút giây hạnh phúc bên thiên thần bé nhỏ ấy là một trải nghiệm không gì có thể so sánh được. Trên đời liệu có bao nhiêu người cha có cơ hội và dám cho mình QUYỀN được yêu con, để được có cảm giác con mình choàng tay qua cổ, thơm tho, đòi được ôm ấp, được nó trao gửi sự tin cậy thương mến, được nó coi như vũ trụ, như bà tiên, như anh hùng, như bạn bè, như tất cả thế giới nằm gọn trong vòng tay?".
Nội dung liên quan
Tại sao lại cho rằng nam giới nghỉ thai sản là "gánh nặng" của phụ nữ?
Có thể, tâm lý này đã bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ rằng: "Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm". Tức đàn ông chỉ có thể làm tròn trách nhiệm ngoài xã hội, là một trụ cột gia đình còn phụ nữ thì phải biết chăm con, chăm chồng và cảm thấy "rất phiền phức" khi chồng ở nhà vì phải chăm thêm chồng.
Khuôn mẫu này dẫn đến hệ quả là định kiến giới trong việc ta đánh giá phụ nữ là luôn luôn xuất sắc hơn trong việc nuôi dạy con cái và đàn ông chỉ là những kẻ hậu đậu. Tuy nhiên, trên thực tế khi phụ nữ đã giỏi kiếm tiền như đàn ông thì ngược lại đàn ông cũng có thể nuôi dạy con cái tốt như phụ nữ. Quan trọng, họ có "muốn" hay không?
"Chúng ta cũng không nên vô tình đào sâu thêm khuôn mẫu/ định kiến giới. Tại sao? Vì dồn trách nhiệm trụ cột cho đàn ông cũng có nghĩa là tự nhận về mình áp lực và trách nhiệm của việc chăm con và việc nhà. Ta không nên quên là có tới 20% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Con số này ở Việt Nam lên đến 33%" - PGS.TS Nguyễn Phương Mai.
Các chuẩn mực xã hội đã tồn tại lâu đời cùng con người, họ luôn quy định nam giới phải mạnh mẽ hay buộc người phụ nữ phải đảm đang. Sau quá trình dài để hướng đến sự thay đổi thì phái nữ cũng dần có cho mình những bước chuyển mình nhất định, thì nam giới cũng cần hướng đến việc có một số những điều chỉnh trong nhận thức xã hội để mọi thứ được cân bằng.
Sự thay đổi cũng sẽ phải cần một khoảng thời gian rất dài trước khi mất dần hoàn toàn những ý kiến tranh cãi, hiện tại thì vấn đề nam giới phụ vợ trong nội trợ hay chăm sóc con vẫn đang chịu nhiều sự nhìn nhận tiêu cực. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là mỗi người cảm thấy thoải mái, hài lòng với những điều mình đang làm và mọi thứ xuất phát từ tình yêu thương dành cho nhau.
Nguồn: TH&PL