Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy những khủng hoảng khí hậu do nhu cầu tiêu dùng của con người.
Mới đây, buổi trình diễn BST Xuân/Hè của Louis Vuitton trong Tuần lễ thời trang Paris đã trở thành chủ đề được tìm kiếm và gây xôn xao trên mạng xã hội. Khi vốn đây cũng chỉ là một show thời trang thông thường thì bên cạnh phần trình diễn của các người mẫu bỗng xuất hiện một số cá nhân biểu tình gây náo loạn khu vực.
Theo đó thì những người này phản đối việc các show diễn thời trang đang lãng phí, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trên sàn diễn thời trang họ vươn cao lên những băng rôn với khẩu hiệu: "Tiêu dùng quá mức = Sự tuyệt chủng", tuy hành động có phần tiêu cực gây ảnh hưởng đến nhiều người nhưng cũng đặt ra vấn đề về ảnh hưởng của việc tiêu dùng quá mức trong xã hội phát triển ngày nay.
Những vấn đề được đặt ra với lối sống con người
Có thể nhìn nhận một thực tế rằng xã hội ngày càng hiện đại thì chất lượng môi trường càng suy thoái trầm trọng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales công bố, việc tiêu dùng của các hộ gia đình là nguyên nhân gây ra tác động lớn nhất của con người đến sự thay đổi của môi trường.
Giáo sư Tommy Wiedmann nhận định: "Kết luận quan trọng từ đánh giá của chúng tôi là chúng ta không thể chỉ dựa vào công nghệ để giải quyết các vấn đề môi trường tồn tại như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Mà chúng ta cũng phải thay đổi lối sống và giảm tiêu dùng quá mức, kết hợp với thay đổi cơ cấu".
"Công nghệ có thể giúp chúng ta tiêu thụ hiệu quả hơn, tức là tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, nhưng những cải tiến công nghệ này không thể bắt kịp với mức tiêu thụ ngày càng tăng của chúng ta", ông nói thêm. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nói rằng chúng ta phải giải quyết tình trạng tiêu dùng quá mức của mình thông qua các hành động cá nhân, tiêu thụ cần được giảm bớt bằng cách chuyển sang các sản phẩm mang tính bền vững.
Lối sống hiện đại đã đặt ra rất nhiều những vấn đề cần giải quyết, đặc biệt với tình trạng lãng phí của một số bộ phận con người hay chỉ đơn giản là những thói quen sinh hoạt cũng sẽ dẫn đến nhiều sự thay đổi của môi trường sống. Có thể mỗi hành vi nhỏ của con người chỉ là vô tình nhưng sẽ gây ra những tác động trực tiếp to lớn đến các vấn đề về môi trường và sự biến đổi.
Ông Manfred Lezen, Giáo sư Nghiên cứu Bền vững tại Đại học Sydney cho biết: "Một khi đối mặt với thực tế về tác động to lớn của hành động cá nhân đối với môi trường, nhiều người đã hoàn toàn phủ nhận. Những gì chúng ta nhìn thấy hoặc liên quan đến các vấn đề môi trường hiện tại chỉ là phần nổi của tảng băng cá nhân của chúng ta, đó là tất cả những thứ chúng ta tiêu thụ và sự tàn phá môi trường thể hiện trong những thứ đó tạo thành phần chìm của tảng băng trôi".
Sự phát triển cần đi đôi với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức
Chúng ta cần thoát khỏi nỗi ám ảnh về tăng trưởng kinh tế, bởi vì cách thức hoạt động của xã hội chúng ta hiện nay khuyến khích mọi người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt khi môi trường đã có những tín hiệu đáng mừng trong thời gian diễn ra Covid-19 thì khi mọi thứ ổn định nhu cầu của con người sẽ lại tiếp tục gia tăng, thậm chí còn có dấu hiệu vượt bậc hơn trước kia.
Theo tờ Guardian ở Anh, một nhóm 83 người giàu thế giới đã kêu gọi các chính phủ tăng thuế đối với những người giàu có để chi trả cho sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Họ yêu cầu "giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và thừa nhận rằng việc tăng thuế đối với những người giàu có và minh bạch hơn về thuế quốc tế là điều cần thiết cho một giải pháp lâu dài khả thi", nhưng liệu điều này có thể dẫn đến những sự thay đổi trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu?
Nền "Kinh tế xanh" vẫn chưa được xem là điểm ưu tiên của nhiều quốc gia nên trách nhiệm thay đổi không chỉ nằm ở bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mà là sự thống nhất đồng bộ của cả một quốc gia. Những chính sách môi trường mới, hiệu quả có thể bao gồm: các biện pháp như thuế sinh thái, đầu tư vào các dự án xanh, tái phân phối của cải, một tuần làm việc ngắn hơn…
Giáo sư Wiedman cho biết: "Chừng nào còn tăng trưởng cả về kinh tế và dân số thì công nghệ không thể theo kịp để giảm tác động, thì tác động môi trường tổng thể chỉ có tăng lên. Chúng ta thực sự cần bắt đầu quản lý nền kinh tế của mình theo cách bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tăng trưởng ít hơn, không hoặc thậm chí âm".
Điều này không có nghĩa là ta hướng đến sự suy giảm kinh tế hay đặt vào bối cảnh của sự hạn chế phát triển mà sẽ hướng đến những mục tiêu mang tính lâu dài hơn, đề cao sự quan tâm và giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Song đó thì các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng việc theo đuổi sự phát triển, sung túc cũng đáng để con người khao khát và hướng đến.
Call me TrendZ đưa bạn đi vòng quanh thế giới để nắm bắt những xu hướng thời trang - làm đẹp đang được Gen Z ưa chuộng trong thời điểm hiện tại. Từ phong cách ăn mặc, trang điểm cho đến những gương mặt có sức ảnh hưởng đến "gu" của thế hệ trẻ, Call me TrendZ sẽ cùng bạn khám phá!
Nguồn: TH&PL