Sáng tạo sai nội dung: Chuyện cũ sao phải nói hoài?

Hiểu sử "nửa mùa", nhiều tài khoản TikTok đã nhầm lẫn nữ phạm nhân phạm tội cấp độ 1 thành nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu.

Sáng tạo sai nội dung: Chuyện cũ sao phải nói hoài?

Lệch lạc kiến thức 

Cộng đồng mạng truyền tay nhau đoạn clip nữ phạm nhân mang tội ác cấp độ 1 với nụ cười tươi rói trước phiên tòa xét xử. Điều khiến netizen hoảng hốt là hàng loạt tài khoản vào xin chia buồn, bày tỏ lòng biết ơn vì nghĩ đó là Võ Thị Sáu.

Các bạn trẻ người trước nối đuôi người sau để bình luận nhưng câu như "Võ Thị Sáu yên nghỉ", "tiếc thương anh hùng Võ Thị Sáu"... Họ coi đây như một trào lưu tỏ lòng thương tiếc, ghi nhớ công lao của người đã hy sinh vì đất nước. Nhưng cái lòng hướng về cội nguồn này chỉ thể hiện được sự thiếu sót trong cách tiếp thu kiến thức và nhận biết vấn đề.

Một vài người biện minh rằng họ chỉ đùa. Số khác lại cho rằng thấy người ta bình luận như thế nhiều nên bắt chước. Chẳng biết đùa hay thật nhưng một bộ phận người dùng TikTok đã khiến nhiều người sợ hãi với hành động ca ngợi tội phạm như anh hùng Võ Thị Sáu. Mà nếu là một người học lịch sử chân chính và có khiếu hài hước thật sự, sẽ chẳng ai giỡn như thế này. Vì việc nhầm lẫn tội phạm với người có công với đất nước như thể tự bôi nhọ lịch sử hào hùng của cả dân tộc.

Sự nhầm lẫn giữa tội phạm với nữ anh hùng dân tộc là điều không thể chấp nhận được. Nhiều người thở dài thất vọng vì một bộ phận người trẻ Việt Nam học sử "nửa mùa", người Việt Nam nhưng một chút kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc cũng không có. 

“Trend" phản cảm, vì sao cứ bị nhắc?

Đây không phải là lần đầu tiên TikTok xuất hiện những trào lưu phản cảm như thế này. Khoe chân ngực, Tấm phản diện, Mua cho con chiếc còng tay... là những trào lưu khiến ai cũng phải lắc đầu vì độ phản cảm và dung tục.

Trào lưu gây nhức nhối nhất vẫn là Gia tài của mẹ. Với lời câu hát "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu", các TikToker lại thi nhau mặc sườn sám, cầm quạt phe phẩy để khoe vẻ mỹ miều. Một bài hát nói về lịch sử lại bị biến thành ca khúc để khoe nhan sắc do ba mẹ ban cho.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng xôn xao trước hàng loạt bình luận xuyên tạc chiến công của anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Trong phần bình luận, nhiều tài khoản TikTok cho rằng do Tô Vĩnh Diện bất cẩn nên mới bị pháo chèn chứ ông không thể nào tự nguyện hi sinh thân mình chèn pháo được. 

sang tao sai noi dung chuyen cu sao phai noi hoai - anh 0
Bình luận xuyên tạc chiến công của anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Chuyện đâu có mới, chuyện đâu có lạ mà sao TikToker vẫn để người khác nói hoài?

Nhắc hoài nhắc mãi cũng không hết chuyện, cộng đồng mạng chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước những trend phản cảm và những bình luận thiếu đạo đức, thiếu hiểu biết lịch sử Việt Nam.

Vì cái gì càng bị nói, càng dễ gây tranh cãi thì càng dễ phổ biến và nổi tiếng. Mạng xã hội là nền tảng gắn kết người với người. Đây cũng là nơi để giải trí và giao lưu. Nhưng không phải ai cũng đến với nơi này với mục đích đơn thuần như thế. Một số người coi mạng xã hội là nơi làm việc và sáng tạo chính là công việc. Nhưng đây không phải là một công việc dễ ăn.

TikToker "chuộc lỗi" - đủ hay chưa?

Khoan hãy bàn đến câu chuyện đúng hay sai, hãy chú ý đến kết quả và bài học sau trend này. Sau clip nữ phạm nhân, trend "Huyền thoại vùng đất đỏ Việt Nam" được hưởng ứng. Người dùng TikTok cho rằng đây trào lưu giúp người trẻ tiếp cận lịch sử nước nhà theo một cách mới lạ và gần gũi. Nhưng thật sự có mới và lạ? Có dễ tiếp thu và hiểu được lịch sử?

sang tao sai noi dung chuyen cu sao phai noi hoai - anh 0
Trend "Huyền thoại vùng đất đỏ Việt Nam" khiến cộng đồng mạng chú ý.

Chỉ với phần thoại:

"Các anh đào huyệt mộ cho tôi à? Tặng các anh bông hoa này. Cảm ơn các anh đã đào huyệt mộ cho tôi. Hôm nay đào huyệt nhỏ nhưng ngày mai phải đào một cái thật to. Đào một cái thật to để chôn tất cả những kẻ bắn tôi ngày hôm nay" và biểu cảm đanh thép, người xem sẽ học được gì? 

Đây chỉ đơn thuần là một cách tôn vinh công lao của Võ Thị Sáu nói riêng và những anh hùng dân tộc nói chung. Cùng lắm thì là lời xin lỗi có phần chân thành thay cho những thành phần thiếu hiểu biết. Còn về phần học, trào lưu này không đem đến nhiều kiến thức cho lắm.

Đó là xét trong phần tích cực của trend, bề mặt tiêu cực là thứ chưa nhiều người nói đến. Như Gia tài của mẹ, không ít người đã dùng nền nhạc mang đậm ý nghĩa lịch sử để làm những trò lố lăng, phản cảm.

Vậy các TikToker học được gì sau sự việc này?

Trước khi tạo trend, "đu" trend hay bình luận về bất kỳ thông tin, sự việc nào trên mạng xã hội, các TikToker cần phải kiểm chứng cụ thể vấn đề để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc cần phải tìm hiểu kỹ hơn nữa.

Bên cạnh đó, các TikToker hãy thử một lần nghiền ngẫm lịch sử Việt Nam để thấu và cảm được cái hay, cái tinh túy của sử nước nhà. Nhân đây, xin đề cử một số kênh TikTok hay ho về lịch sử Việt Nam: Lịch sử Việt Nam (@lichsuvn88), Lịch sử Việt NamVNVN (@lichsuvietnam469), Thích học sử (@thichhocsu)...

Mong rằng trong tương lai TikToker sẽ tạo nhiều trend bổ ích khác về lịch sử dân tộc để chứng minh đây không phải là một lời xin lỗi tạm bợ.

Chọn nhạc tạo trend - Ranh giới mong manh giữa sáng tạo và thiếu hiểu biết

“Mua cho con chiếc còng tay” - trào lưu cổ xúy loạn luân bị TikTok gỡ bỏ

Social Talk: Nội dung về loạn luân tràn lan, chuyện không bình thường đang được bình thường hóa?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ