Đôi lời tâm tình cho Sài Gòn ngay lúc này cùng với chủ nhân hot Instagramer Ở đâu cũng chụp (@odaucungchup). Người thừa nhận mình "lụy tình" Sài Gòn.
Yêu một người, yêu luôn cả thành phố.
Hay thương chốn đó rồi mến tình người, từng con hẻm và cả từng tiếng rao "Bánh mì nóng đây. Bánh mì đặc ruột đây"?
Sài Gòn chơn thành trong từng ngóc ngách
Vậy mà có một người, dù không sinh ra ở Sài Gòn nhưng yêu nơi đây hơn cả gã si tình một bóng hồng nào đó. Tình yêu không thể thốt ra thành lời, anh đành gửi vào những tấm ảnh đăng tải trên Instagram @odaucungchup. Đằng sau lăng kính đó, là Nguyên Bùi, chàng blogger say mê Sài Gòn hơn cả... người yêu.
Hy vọng đâu đó sẽ có người hiểu Sài Gòn như cách anh say đắm.
Điều gì khiến anh thực hiện dự án "Sài Gòn chơn thành"?
Hiện tại thì đâu đâu cũng cách ly, ở trong các khu phong tỏa và không thể ra đường nên mình mong muốn vẫn có thể làm một điều gì đó, dù nhỏ cũng được để đóng góp cho xã hội. Mình muốn lan tỏa những điều tích cực, để cho mọi người ở Sài Gòn có niềm tin chống dịch.
Cũng như mọi người để hiểu hơn những công việc cực khổ của các bạn tình nguyện viên ở tuyến đầu.
Ngoài những gì đã thể hiện qua nét vẽ và hình ảnh, anh nghĩ Sài Gòn thế nào là chơn thành?
Mỗi ngày, mọi người đều có thể thấy được những việc "chơn thành" của Sài Gòn qua cái tình người luôn hiện hữu ở đây, từ những việc nhỏ nhất.
Ví dụ gần nhất là mình sống trong chung cư, khi một ai đó lỡ gặp khó khăn gì về thực phẩm về thuốc thang này nọ thì chỉ cần lên tiếng trong một cái group chat nhỏ của người dân trong khu. Thế là mọi người đã sẵn sàng giúp đỡ nhau rất là nhanh chóng.
Và rộng hơn, ngoài xã hội, vẫn có rất nhiều tổ chức tình nguyện cũng như những người rất đời, họ sẵn sàng đóng góp sức mình, chia sẻ những nỗi đau cùng với những người dân Sài Gòn đang gặp khó khăn.
Gần đây có một cái anh rất dễ thương là Lâm Ống Húc. Sự "chơn thành" hiện rõ trong hành động rong ruổi từ con đường này đến con phố kia để tặng bánh cho người nghèo. Chính những điều nhỏ xíu đó khiến mình cảm thấy Sài Gòn là nơi giữ lửa cho tình người.
Chỉ vậy thôi đã khiến mình lâng lâng và vui sướng khi đọc được những thông tin hay những hành động đẹp. Sài Gòn luôn chơn thành, luôn đẹp dẫu cho thế nào đi nữa.
Nội dung liên quan
Yêu Sài Gòn đến thế, dự án nào của anh về Sài Gòn khiến anh tâm đắc nhất?
Đó là khi đợt dịch đầu tiên bắt đầu, nó cho mình một quãng nghỉ, để có thể làm mới lại đầu óc. Và tình cờ lúc đó mình nảy sinh ra nhiều ý tưởng. Mình khai thác một loạt về góc nhìn văn hóa và những điều rất Sài Gòn như con hẻm, nhà cổ, bảng hiệu xưa...
Cũng may mắn, năm ngoái dịch không bùng mạnh như bây giờ, nên sau khi đợt giãn cách đó mình có thời gian để xây đắp lên cho dự án nhỏ. Từ những chủ đề đó đã cho mình thêm những kiến thức và hiểu về Sài Gòn.
Vì khi mình đã có ý định hay mong muốn thì nó là động lực để thúc đẩy mình phải làm nhanh và trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Mình hay nói những lúc đi đó đây để bắt khoảnh khắc là đi săn, để có thêm hưng phấn trong việc tìm ra những góc chụp mới.
"Mình nhớ cảm giác dạo các con đường Sài Gòn mà không sợ gì hết
Sài Gòn dạo này quen với yên tĩnh rồi, không còn thấy đường phố đông đúc náo nhiệt nữa. Ai muốn ngủ thì muốn, chứ Sài Gòn ngủ... thiệt không quen. Người ta vốn quen với một Sài Gòn phải chạy đôn chạy đáo, đi sớm về khuya, bươn chải nhưng vẫn phải vui chơi, cười nói, ăn uống khắp chốn và phải sống hạnh phúc. Lòng thầm nghĩ, ráng thêm chút nữa thì Sài Gòn sẽ khỏe lại ngay thôi.
Giữa lúc Sài Gòn "bệnh" thế này, anh thấy người Sài Gòn thế nào?
Người Sài Gòn luôn khiến cho mình nể phục nhiều, bởi, trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn đứng lên. Mình cảm giác là mọi người vẫn mạnh mẽ và có một tinh thần lạc quan. Mọi người vẫn luôn có niềm tin là Sài Gòn sẽ khỏe bệnh nhanh.
Thật ra thì khó nói vì mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau nhưng mà tựu trung lại thì ai cũng mong Sài Gòn mau khỏe. Một phần nữa là ý thức của mọi người khá là tốt trong vấn đề chống dịch và đặc biệt mình rất cảm kích những bạn tuyến đầu - các y bác sĩ và các bạn tình nguyện viên. Mình nhìn vào những điều họ làm hằng ngày thì lại càng biết ơn và nể phục, bởi sự hy sinh của họ quá lớn.
Anh nhớ điều gì nhất ở Sài Gòn lúc chưa có dịch bệnh?
Bản thân là một người hay rong ruổi ở Sài Gòn nên mình nhớ cái cảm giác được dạo khắp các con đường mà không phải sợ cái gì hết.
Nhớ những cái nụ cười, ánh mắt của các cô chú bán hàng quán rong ở khắp nơi - một đặc trưng của Sài Gòn, vừa đa dạng, vừa bắt mắt.
Mình có để ý là mọi người đều có thể nấu những món ăn đó ở nhà nhưng mỗi người đều thèm cảm giác ăn hàng. Họ mong muốn được ăn lại vị của những người bán hàng quen thuộc cũng như là cái cảm xúc khi được ăn ở vỉa hè một cách thoải mái.
Nhiều người xem Sài Gòn là nơi kiếm sống mưu sinh, lúc Sài Gòn bệnh ai cũng rời đi. Nếu là anh, anh sẽ chọn gì?
Mình không phải là người con của Sài Gòn, chỉ như bao người khác, mình đến đây để mưu sinh. Nhưng may mắn là cũng có kinh tế ổn định một xíu nên mình mong được ở lại chiến đấu, cùng trải qua giai đoạn khó khăn này với Sài Gòn.
Mỗi người mỗi cảnh, những người mà họ phải bỏ về quê thì hoàn cảnh của họ cũng đã tới đường cùng rồi nên mình rất thông cảm. Bởi không ai muốn điều đó xảy ra cả, nên mình cảm thấy rất thương. Ai cũng muốn về quê trong những dịp lễ tết để đoàn tụ với gia đình sau những lúc mưu sinh vất vả, chứ đâu phải về trong những cái hoàn cảnh khó khăn như thế này...
Giữa khoảng thời gian Sài Gòn tạm ngủ, anh nhận ra điều gì?
Ở một góc nhìn khác, dịch bệnh giúp chúng ta sống chậm lại và biết yêu thương bản thân nhiều hơn, có thời gian tập hiểu và nói chuyện với bản thân mình nhiều hơn, quan tâm về những vấn đề sức khỏe, yếu tố con người và cộng đồng nữa. Và cạnh đó, không phủ nhận chúng ra được cập nhật rất là nhiều kiến thức mới mẻ.
Ví dụ như mình hoặc bạn bè của mình bắt đầu tập thiền, thể dục rồi tự nấu ăn, trải nghiệm những cuốn sách yêu thích.
Sài Gòn, ở đâu cũng chụp!
Anh muốn chụp gì khi Sài Gòn hết dịch?
Mấy bữa nay mình cũng đang nghĩ tới, tưởng tượng một cái khung cảnh giống như là Việt Nam chiến thắng bóng đá vậy đó. Khi hoàn toàn hết dịch, người dân thoải mái hơn, trở lại một cuộc sống bình thường, tất cả mọi người vui sướng ào ra đường. Mình nghĩ chỉ cần nhìn thấy nhau là mọi người mỉm cười hạnh phúc.
Mình đang tưởng tượng trong đầu thôi, không biết sắp tới sẽ như thế nào. Nhưng mình nghĩ là ai ai cũng khát khao về nó.
Ngay câu đầu tiên trên trang của anh cũng đủ biết anh rất yêu quý Sài Gòn dù anh không phải là người con nơi đây. Điều gì ở Sài Gòn khiến anh dành trọn tâm tư đến thế?
Đầu tiên chắc là tuổi trẻ. Tuổi trẻ mình bắt đầu ở Sài Gòn. Sài Gòn dạy cho mình tự lập. Nơi đây cho mình quá nhiều cảm xúc nên mình muốn gắn bó một cách chân thành và dài lâu. Sài Gòn cho mình đủ mọi thăng trầm: 4 năm sinh viên, ra trường bươn chải, và chưa kể những mối tình.
Hoặc những việc rất đỗi bình thường như bữa ăn ở Sài Gòn, hàng quán cũng cho mình những cái trải nghiệm rất hay ho. Mấy lúc mưa bất chợt hay nắng bể đầu, những cuộc dạo chơi cũng đủ để mình thêm yêu nơi này.
Mọi kỉ niệm tuổi trẻ của mình, Sài Gòn đều gắn chặt. Lúc nào "mở bài" của mình trong cuộc nói chuyện với ai đó cũng sẽ nhắc đến Sài Gòn đầu tiên. Chẳng biết từ lúc nào, Sài Gòn luôn là nơi có chỗ đứng rất lớn trong trái tim mình.
Từ đâu mà Sài Gòn qua lăng kính của anh lại luôn khiến người khác cảm thấy quen mà lạ. Vì hầu như đó là những nơi qua lại mỗi ngày?
Người ta bảo là hình ảnh hay chụp ảnh cũng là một cái góc nhìn nghệ thuật, nên mình cũng dựa vào đó. Điều mình muốn miêu tả là nét chân thực nhất của góc nhìn đó chứ không phải muốn khoác cho nó một cái áo mới mẻ hay phải cố tạo ra sự hào nhoáng.
Mình muốn cho mọi người nhìn vô thì sẽ cảm thấy cái sự thân quen từ cái màu sắc cho đến những cái "moment" mà mình bắt gặp được. Nó rất đỗi đời thường.
Ai nhìn vào họ cũng sẽ nhận ra được những cái mood có sẵn trong đó và đều có thể hình dung được là nơi đó mình đã từng đi qua hay hành động đó mình đã từng làm ở giữa Sài Gòn rồi. Chẳng qua là dòng đời vội vàng quá nên đã quên mất nó hoặc là không có thời gian để nghĩ về nó nhiều.
Mình nghĩ mình là đứa có thể "remind" lại cho mọi người những cái khoảnh khắc đó, để mỗi người có thể trân quý hơn những điều mà họ bắt gặp ở Sài Gòn.
Giống như bạn có thể thấy những bức ảnh được chụp đăng lên social thì những bức ảnh của mình không phải là những bức ảnh phô bày kĩ thuật này, kĩ thuật kia. Nó chỉ đơn giản là giơ máy lên chụp lại khoảnh khắc đó. Kiểu như là ai cũng có thể chụp được, ai cũng có thể bắt gặp. Nó cũng có thể là điểm mạnh của mình, giúp mọi người dễ dàng nhận ra được sự đồng điệu trong bức ảnh.
"Mấy người có thương Sài Gòn giống tui hong?"
Lỡ ai có đang nhớ cảm giác kẹt xe ở Sài Gòn chắc cũng sẽ nhớ lắm những lúc "kẹt" trong sự hiếu khách, chân thành, yêu thương và đầy lòng bao dung.
Sài Gòn bao dung cho tất cả và sẵn sàng dang rộng bàn tay đón chào những con người tứ xứ tụ về. Để mưu sinh cũng được, để theo đuổi ai đó cũng được, để mơ mộng cũng được, Sài Gòn không trách. Vậy đó, làm sao mà không yêu, không thương cho được.
Nét đặc trưng nào của Sài Gòn khiến anh luôn cảm thấy vui khi nhắc đến?
Đầu tiên chắc phải là streetfood, điều thứ hai là con người, hai điều đó khiến mình thích thú nhất.
Món ăn khiến mình cảm thấy vui là vì mỗi ngày mình ra ngoài mình không sợ bị đói và sự đa dạng của món ăn làm cho mình cảm thấy nơi này trù phú, đáng sống.
Còn người Sài Gòn, điểm mình thích nhất là tính cách.
Người Sài Gòn ở đây là những người đang sống ở Sài Gòn, tất nhiên cũng có từ tứ xứ đổ về. Khi mà cùng nhau chấp nhận hoà mình sống chung ở một cái mảnh đất này thì mình cảm nhận được cái tình gắn bó của mọi người với nhau.
Họ san sẻ cảm xúc, chỉ bằng một nụ cười thôi cũng đã tặng nhau nhiều điều rồi. Họ không so đo cái thiệt cái hơn. Họ hào sảng, dung dị... Tất cả cho mình cảm giác: À, đây là nơi mình muốn gắn bó cả đời.
Âm thanh nào ở Sài Gòn anh cho là đặc trưng nhất?
Tiếng rao.
Mình nhớ tất cả các tiếng rao. Ấn tượng nhất là tiếng gõ của mấy chú bán hủ tiếu gõ.
Tình cờ hồi cấp hai lên Sài Gòn chơi ở nhà bà chị, tô hủ tiếu có 2 ngàn, còn được đem vô tận nhà. Đợi chừng mười phút là có tô hủ tiếu thơm lừng để trước nhà, rồi ăn xong cứ để tô đó người ta lại lấy.
Một góc ở Sài Gòn rất Sài Gòn trong mắt anh?
Mình thích nhất là khu Quận 5 - Chợ Lớn.
Sài Gòn có nhiều thay đổi nhưng mà khu Chợ Lớn đổi thay chậm nhất và nó khiến cho mình có nhiều hoài niệm. Khu này vẫn giữ được những cái nét về cơ sở hạ tầng trước đây, cũng như là con người vẫn giữ được cái lối sống nét rất xưa của Sài Gòn
Có ai từng nói với anh là bớt yêu Sài Gòn chưa?
Có chứ.
Thật ra mỗi người đều có cảm xúc riêng dành cho Sài Gòn. Giống như nhiều người bảo yêu Sài Gòn, thương Sài Gòn nhưng mà đâu phải tình yêu nào cũng giống nhau đâu. Nên anh mới đặt câu tu từ vui trên cái page của anh là "mấy người có thương SG giống tui hong" đó.
Kết thúc cuộc trò chuyện, hỏi Nguyên Bùi có một lời nói nào gửi cho Sài Gòn không. Anh bảo là chỉ hy vọng Sài Gòn mau khỏe, người Sài Gòn cố lên.
Nguồn: TH&PL