Ranh giới giữa sự tự do ngôn luận và tùy tiện xúc phạm người khác?

Trong những tháng gần đây, ta đã chứng kiến sự “nở rộ” của xu hướng livestream kéo theo đó là vấn đề suy giảm các giá trị văn hóa.

Hình thức livestream không còn xa lạ với những người dùng Internet khi nó có thể trở thành công cụ để kết nối con người với nhau, kể cả là phục vụ cho những mục đích khác về sáng tạo nội dung hay kinh doanh. Tuy nhiên, mặt trái cũng tồn tại khi nhiều người dần xem đây như một phương tiện để tùy ý công kích, bịa đặt hay dẫn dắt dư luận nhằm thu hút sự chú ý từ cộng đồng hay kiếm tiền từ những nội dung bẩn.

Một trong số những ồn ào có thể kể đến chính là xung đột giữa một nữ CEO cùng các nghệ sĩ trong rất nhiều những câu chuyện khác nhau. Chúng ngày càng trở nên biến tướng và đi xa cùng những tư tưởng lệch lạc khi không ngừng xúc phạm người khác, nhiều kẻ cũng nhằm tạo ra sự thu hút mà cũng đang mượn những mâu thuẫn này để không ngừng suy diễn và tạo dựng nên những câu chuyện vô căn cứ.

ranh gioi giua su tu do ngon luan va tuy tien xuc pham nguoi khac - anh 0
Mạng xã hội đang dần trở thành công cụ để con người có thể công kích và xúc phạm lẫn nhau (Nguồn ảnh: Accessible Law)

Trang cá nhân là của riêng nhưng không gian mạng là của chung

Nhiều người luôn cho rằng trang mạng xã hội là "ngôi nhà" của riêng họ nên không ngần ngại đưa ra những phát ngôn tranh cãi, vi phạm các giá trị về mặt đạo đức. Tất nhiên, khi mọi thứ nhận lại sự chỉ trích họ lại cho rằng những điều mình đang làm xuất phát từ những giá trị mà bản thân cho là đúng đắn.

Họ hoàn toàn quên mất việc những điều mà bản thân đang làm trên không gian mạng, dù dưới hình thức nào thì cũng sẽ có một ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Không chỉ là tạo nên những tranh cãi đúng sai thông thường, ở đó còn là những sự công kích nặng nề có thể đẩy nạn nhân vào những quyết định sai lầm hay tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của một người.

ranh gioi giua su tu do ngon luan va tuy tien xuc pham nguoi khac - anh 0
Mỗi người cần nhận thức được hành động của bản thân đều gây ra những ảnh hưởng đến cộng đồng (Nguồn ảnh: TechNadu)

Vấn đề còn chưa kể, không gian mạng với những thứ văn hóa độc hại này tồn tại còn khiến tư duy của những thế hệ trẻ dần trở nên lệch lạc, không tìm kiếm đến những sự giải quyết trực tiếp, mà mượn sự tranh cãi của cộng đồng mạng. Thậm chí, điều này còn gây ra tâm lý thù địch luôn muốn hạ bệ ai đó một cách vô đạo đức, thay vì tìm những cách giải quyết trong hòa bình.

Chúng ta cần nhận thức được mỗi hành động của bản thân trên không gian mạng, nhất là những người có tầm ảnh hưởng nhất định đều có những tác động lớn đến cộng đồng. Đừng vì sự ích kỷ trong tâm lý tiêu cực của bản thân mà vô tình bỏ qua những giá trị cốt lõi hay khiến những điều chính mình đang làm gây ra những hệ lụy xấu đến xã hội và cá nhân.

Nguyên nhân nào khiến các giá trị đạo đức ngày càng suy giảm?

Mạng xã hội là ảo, chính suy nghĩ về thực tế này khiến nhiều người bỏ qua những giá trị đạo đức và văn hóa vốn vẫn nên tồn tại trong một môi trường với một cộng đồng dễ bị ảnh hưởng. Họ có thể bất chấp mọi thứ để đạt được những danh vọng mà mình mong muốn, thậm chí là thực hiện những hành vi lố lăng, phản cảm và dung tục.

Đây cũng được xem là một lối sống ích kỷ của một bộ phận con người khi chỉ vì những mong cầu của bản thân mà bỏ qua những hậu quả đến người xem và cả xã hội. Đó còn chưa kể, nhiều người còn có những chiêu trò khác nhau lợi dụng lòng tin, sự tò mò từ dư luận để có những phát ngôn bừa bãi, không có văn hóa dưới những danh nghĩa cao cả.

ranh gioi giua su tu do ngon luan va tuy tien xuc pham nguoi khac - anh 0
Mối quan hệ ẩn danh thúc đẩy những hành vi tiêu cực của con người dần được hình thành (Nguồn ảnh: Medium)

Đáng nói là vẫn còn nhiều người ủng hộ cho những việc làm sai trái trên, họ cổ vũ và xem đó như một thần tượng, hình mẫu để mình noi theo. Càng có nhiều người xem và tán thành với hành động không đúng trên thì càng khuyến khích hành động đó lập lại ở mức độ cao hơn, thậm chí việc làm dù không có được sự đồng tình thì họ vẫn xem đó như một thú vui để tận hưởng.

Các giá trị về đạo đức ngày càng suy giảm trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều những nguyên do khác nhau, nhưng chung quy vẫn là nhận thức vẫn còn hạn chế của một bộ phận con người. Một phần để thỏa mãn những mục tiêu của bản thân, phần còn lại đến từ việc chưa hiểu hết được tính nguy hại đằng sau hành động mà bản thân mang đến cho cộng đồng, xã hội.

Cần bài trừ thái độ sống thiếu trách nhiệm trên không gian mạng

Những mối quan hệ ẩn danh đang nuôi dưỡng bản tích ích kỷ, vô trách nhiệm của con người, họ luôn mặc định trên môi trường này họ có thể phát ngôn và nêu lên những quan điểm của bản thân. Suy nghĩ này khiến những đoạn livestream, vô số bài viết với những nội dung tiêu cực như chửi bới, xúc phạm, thách thức nhau… vẫn luôn được tồn tại.

Tất cả những hành vi trên đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân, tổ chức và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Song đó, trong nhiều vấn đề thì không phải lúc nào pháp luật cũng có thể giải quyết được, điều quan trọng vẫn nằm bên trong ý thức của con người, cùng với đó là những giới hạn của bản thân trong vấn đề sử dụng và xem mạng xã hội.

ranh gioi giua su tu do ngon luan va tuy tien xuc pham nguoi khac - anh 0
Trách nhiệm trong việc bài trừ những tiêu cực trên không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cá nhân (Nguồn ảnh: Psychiatryadvisor)

Theo VietNamnet dẫn lời ông Trương Quốc Anh: "Tự do ngôn luận không có nghĩa là bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn và viết bất cứ điều gì bạn thích. Luôn luôn có một giới hạn". Việc nhận thức rõ ràng điều này sẽ giúp ta có được những chừng mực nhất định trong văn hóa ứng xử, biết đâu là những việc bản thân nên làm và đâu là những thông tin mà bản thân cần tiếp nhận hoặc bài trừ.

Trách nhiệm để giải quyết những vấn nạn tiêu cực trên không gian mạng không chỉ riêng của các tổ chức, Nhà nước hay Cơ quan có thẩm quyền, mà chúng cần được tồn tại ở mỗi cá nhân. Hãy biết cách dùng mạng xã hội để chúng là công cụ giúp ích và cải thiện cuộc sống con người, đừng để chúng trở thành "cái nôi" sản sinh ra vô số những giá trị lệch lạc và suy đoài.

Vụ nam sinh tự tử: Hãy “công bằng” với trầm cảm và dừng xem nhẹ sức khỏe tinh thần!

Mạng xã hội có đang biến việc "gạ tình" trở nên bình thường hóa?

Phương tiện truyền thông mạng xã hội có thể "bóp chết" lòng tự trọng của chúng ta?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ