Đừng nhầm lẫn khái niệm phim Việt vươn tầm quốc tế và phim Việt chiếu ở quốc tế.
Những ngày vừa qua, netizen không ngừng tranh cãi về việc phim Nhà Bà Nữ của Trấn Thành được gắn cho danh xưng mỹ miều là "phim Việt vươn tầm quốc tế". Sở dĩ có danh xưng này là vì sắp tới, Nhà Bà Nữ sẽ được đem đi chiếu ở nhiều quốc gia như Mỹ, Newzealand. Tuy nhiên, chính vì dùng từ "vươn tầm quốc tế" khiến cho khán giả cảm thấy ekip đang cố đánh bóng chất lượng vượt bậc của phim.
Đồng ý Nhà Bà Nữ đang thu về lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Nhưng việc đi chiếu nước ngoài, toàn kiều bào xem thì không phải là "vươn tầm quốc tế". Phim Việt vươn tầm quốc tế là những phim được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao, điểm số tốt trên các chuyên trang uy tín và giành được các giải thưởng tại các Liên hoan phim danh giá.
Gần nhất là Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thắng giải cao nhất tại LHP Ba Lục Địa. Hay trước đó có Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của Oscar. Xích Lô cũng chiến thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice. Một vài bộ phim kể trên mới chính là ví dụ chuẩn xác cho khái niệm "phim Việt vươn tầm quốc tế".
Những phim như Nhà Bà Nữ, Bố Già hay Chị Chị Em Em 2 chỉ chiếu vài cụm rạp ở nước ngoài. Đa số là các rạp nhỏ, phục vụ cho kiều bào. Dù các phim này đi nhiều liên hoan phim trên thế giới thì cũng chỉ là hình thức mua bán, đăng ký phim thông thường. Chỉ thực sự khi được công nhận và giành giải, đó mới là lúc phim Việt được quốc tế quan tâm.
Việc gắn mác vươn tầm quốc tế liên tục khiến một bộ phận khán giả ảo tượng về vị trí phim Việt trên thị trường điện ảnh nước ngoài. Bản chất của các liên hoan phim thực ra là chợ phim, một hình thức của trao đổi, mua bán. Hàng năm các liên hoan phim đều gửi thư mời đến từng quốc gia để cử đại diện gửi phim. Quan trọng là từng đạo diễn có muốn mang phim đi quảng bá hay không.
Người viết từng làm việc 4 năm ở Mỹ, có cơ hội theo dõi và so sánh mỗi khi một phim Việt được ra mắt ở xứ cờ hoa. Phía nội địa, nhà làm phim và người trong nghề hết mực ca thán, xem đây là "tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt".
Trên thực tế, các phim Việt này chỉ chiếu giới hạn ở khu vực tập trung đông người Việt, chỉ người Việt đi xem là chính. Giả sử rạp có 14 phòng chiếu, thì các phim ngoại (gồm cả phim Ấn, Hàn,... chứ không riêng phim Việt) đều chiếu ở các phòng gần cuối, nhường vị trí đẹp cho phim Hollywood.
Tưu chung lại, hãy gạt bỏ đi khái niệm "vươn tầm quốc tế" với phim Việt được chiếu ở nước ngoài. Không chỉ các phim lớn mà hiện tại vô vàn các phim ngắn của nhiều nhà làm phim trẻ cũng được mang ra khỏi khu vực. Quan trọng, phim được đánh giá cao về nội dung, giành được giải thưởng uy tín tại các liên hoan phim lớn, đó mới là lúc phim Việt "vươn tầm quốc tế".
Nguồn: TH&PL