Không còn là "bình hoa di động", những nàng hậu bây giờ càng ngày càng giỏi... toàn diện. Đặc biệt là những hoa hậu Gen Z!
Tối ngày 4/12, Nguyễn Thúc Thùy Tiên trở thành cái tên tiếp theo ghi danh mình trên bản đồ nhan sắc thế giới với chiến thắng đầu tiên tại cuộc thi Miss Grand International 2021. Chính thức đội vương miện nhan sắc lên đầu, Thùy Tiên như phá bỏ mọi định kiến về "hoa hậu" tồn tại trong một thời gian dài: Hoa hậu chỉ có "sắc" mà không có "thơm".
Nhưng không phải đợi đến khoảnh khắc lịch sử của Thùy Tiên thì chúng ta mới chính thức có suy nghĩ khác về những nàng hậu. Ít nhất là 3 năm trở lại đây, hoa hậu ngày càng được nhìn nhận về năng lực, trình độ và tính cách thay vì chỉ nhan sắc đơn thuần. Đặc biệt là những nàng hậu thuộc về thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 - 2005) lại càng tạo nên sự khác biệt và khẳng định mình nhiều hơn trên sàn đấu nhan sắc.
Danh xưng "hoa hậu", mĩ miều nhưng cũng nhiều định kiến
Hoa hậu - ngôi vị cao nhất tại các cuộc thi về nhan sắc là mục tiêu mà nhiều cô gái muốn đạt đến. Kèm theo đó, tiêu chí "tối cao" nhất là phải đẹp! Chính về thế, từ trước đến nay nhiều người đã có cái nhìn định kiến về các nàng hậu bằng cụm từ "bình hoa di động", "có sắc mà không có thơm".
Vào đầu tháng 10 năm nay, Tiến sĩ Đoàn Hương đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng khi đưa ra phát ngôn khá sốc "hoa hậu đúng là con điên, không ai lấy con điên làm vợ bao giờ".
Cụ thể, phát ngôn của tiến sĩ Đoàn Hương như sau: "Hoa hậu đúng là con điên, không ai lấy con điên làm vợ bao giờ. Thà lấy một bà vợ mũm mĩm xinh đẹp vừa đủ thôi, 3 điểm trên 5 thôi, rồi về nhà bà hàng ngày hầu hạ mình, cơm bưng nước rót hiền lành còn hơn con điên cả ngày chỉ xắn quần đòi túi Hermes, điên à. Cho nên Hoa hậu hôm nay là ế. Nên đi thi Hoa hậu cho vui thì được, chứ mơ về nghề Hoa hậu thì không có. Có một số nghề xốc nổi hào quang, tôi đề nghị các em vượt qua cái hào quang đó để thấy bản chất của nó, đừng đầu tư vào đấy…"
Dù sau đó, nữ tiến sĩ cho rằng phát biểu của bà bị bóc tách, cắt xén và chia sẻ khi chưa được người phát ngôn đồng ý. Nhưng dẫu biện minh ra sao thì câu chuyện "hoa hậu đúng là con điên" đã tạo ra một định kiến không tốt về các hoa hậu. Vì câu nói đã đã ngầm khẳng định: Hoa hậu chỉ có vẻ bề ngoài và đi với đại gia chứ không thể làm được gì có ích cho xã hội ngoài một danh xưng.
Hơn cả định kiến, khi một nàng hậu đăng quang cũng có không ít người đồn đoán bằng những cụm từ "khó nghe" như "dùng thân mua giải", hay những hoạt động vì cộng đồng sau khi đăng quang cũng bị cho là "làm màu để đánh bóng tên tuổi".
Như Hoa hậu Tô Diệp Hà - mỹ nhân xuất sắc nhận được chiếc vương miện Hoa hậu Tài năng từ cuộc thi Miss Vietnam Beauty International Pageant 2018 từng chia sẻ: "Danh xưng hoa hậu, mĩ miều nhưng cũng nhiều định kiến. Hoa hậu thì không bao giờ được phạm lỗi, không được phép sai, và tuyệt đối không được phát ngôn bừa bãi. Bản thân Hà là người trong cuộc nên hiểu rất rõ sức nặng của chiếc vương miện nó như thế nào".
Những hoa hậu Gen Z ngày nay đã khác!
Ban đầu tính chất của các cuộc thi chỉ đơn thuần là những người phụ nữ xinh đẹp diễu hành trên sân khấu, nhưng chúng dần có sự thay đổi theo thời gian để hướng đến các giá trị khác. Tiêu chí đánh giá cũng đi kèm tài năng và trí tuệ. Nếu trước kia chiến thắng một cuộc thi chỉ dựa trên hình thức bên ngoài thì giờ đây vẻ đẹp đó là năng lượng bên trong, đòi hỏi nhiều yếu tố hơn cho ngôi vị cao nhất.
Sắc đẹp chỉ còn là một phần trong các cuộc thi hoa hậu. Ngày nay, để có bản lĩnh bước lên sàn đấu nhan sắc, bên cạnh một nhan sắc có sẵn, thì các cô gái lại chăm chút hơn cho chiếc profile cá nhân của mình: Xuất thân từ một trường đại học top đầu cả nước, sở hữu một chứng chỉ ngoại ngữ cho ra trò, kể cả các bảng điểm phản ánh học lực cũng cần chỉn chu với những điểm A,... và còn hơn thế nữa. Thế thì mới gọi là hoa hậu.
Những tiêu chí để đánh giá hoa hậu ngày càng "khắc nghiệt" không phải để tạo nên một áp lực cho những cô gái, mà nói đúng hớn đó gọi là sự nâng tầm về sắc vóc và góp phần xóa bỏ định kiến về hai từ "hoa hậu".
Thùy Tiên là một ví dụ điển hình. Dù không có nhan sắc quá nổi bật so với các đối thủ nước bạn, nhưng nhờ có "trình độ" mà Thùy Tiên đã chinh phục được giải thưởng cao nhất tại Miss Grand International 2021. Trong hành trình chinh phục vương miện, nàng hậu sinh năm 1998 đã luôn gây được ấn tượng tốt với khả năng trình diễn tự tin, khả năng ngoại ngữ vượt trội và khả năng ứng xử tốt. Không những thế, cô còn được rất nhiều người yêu mến bởi tính cách thân thiện, hòa đồng với mọi người xung quanh.
Chiến thắng của Thùy Tiên là một "bài học" lớn để các nàng hậu Việt tiếp tục nối gót và biết mình "cần" gì để trang bị vũ khí đi thi đấu quốc tế. Để đánh giá được khả năng một hoa hậu có thể đăng quang hay không, người ta dần chuyển hướng sang trình độ ngoại ngữ của họ.
Tín hiệu đáng mừng là nhiều cuộc thi đang dần chuyển hướng tích cực khi đã lồng ghép vào những câu chuyện truyền cảm hứng về bản lĩnh của phụ nữ, kêu gọi bình đẳng hay rất nhiều những dự án để hỗ trợ cộng đồng. Tại nhiều cuộc thi hoa hậu thì số điểm cho các cô gái lại đến từ vòng phỏng vấn và ứng xử để nêu lên tiếng nói của bản thân trước nhiều vấn đề của thế giới.
Và những cô nàng hoa hậu Gen Z đã và đang trên con đường chinh phục những giá trị tuyệt vời đó. Họ là đại diện cho những gì gọi là "cái tôi chinh phục", "cá tính đặc trưng" và "màu sắc riêng biệt". Chiến thắng của Thùy Tiên đã làm nên lịch sử trên đấu trường nhan sắc, nhưng lịch sử rồi sẽ tạo nên những lịch sử khác bởi các thế hệ tiếp theo.
Nguồn: TH&PL